1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Triều Tiên vẫn tính đường lui dù “hét ra lửa” với Mỹ

(Dân trí) - Mặc dù đưa ra nhiều cảnh báo sắc lạnh nhằm vào Mỹ thời gian qua, bao gồm cả những lời đe dọa quân sự, nhưng giới phân tích cho rằng Triều Tiên vẫn lo ngại về nguy cơ xảy ra chiến tranh với Washington, do vậy Bình Nhưỡng vẫn cẩn trọng tính cho mình một đường lui trong tình huống khẩn cấp.

Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho trong vòng vây của báo giới tại trụ sở Liên Hợp Quốc ngày 25/9 (Ảnh: Reuters)
Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho trong vòng vây của báo giới tại trụ sở Liên Hợp Quốc ngày 25/9 (Ảnh: Reuters)

Vào đêm ngày 23/9, các máy bay ném bom B-1B của Mỹ, với sự hộ tống của các máy bay chiến đấu F-15, đã bay dọc bờ biển phía đông Triều Tiên. Đây được xem là một trong những động thái quân sự mạo hiểm nhất của Mỹ ở gần lãnh thổ Triều Tiên trong nhiều thập niên qua.

2 ngày sau đó, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho tuyên bố nước này có quyền bắn hạ các máy bay ném bom của Mỹ ngay cả khi các máy bay này hoạt động ngoài không phận Triều Tiên. Đây được xem là lời cảnh báo sắc lạnh tiếp theo mà Bình Nhưỡng gửi tới Washington sau cuộc “khẩu chiến” kéo dài trước đó.

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là khi các máy bay Mỹ tới gần lãnh thổ Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã không có bất kỳ hành động nào đáp trả. Giới chức tình báo Hàn Quốc cho rằng hệ thống radar phòng không của Triều Tiên không đủ khả năng phát hiện các máy bay Mỹ, hoặc nguyên nhân thứ hai là do Bình Nhưỡng lựa chọn phương án “án binh bất động” để tránh xung đột với Washington.

Dù cho là nguyên nhân nào đi chăng nữa thì thông qua vụ việc trên, Triều Tiên cũng đã cho thấy nước này dường như “nói không đi đôi với làm”. Một số nhà phân tích nhận định đằng sau những tuyên bố thù địch nhằm vào Mỹ là sự lo lắng của ban lãnh đạo Triều Tiên. Theo đó, Bình Nhưỡng vẫn muốn tránh một cuộc xung đột mà nước này chưa chắc đã giành phần thắng, đồng thời cẩn trọng để ngỏ cho mình một đường lui dù ngoài miệng vẫn “hét ra lửa”.

Sự lo lắng của Triều Tiên

Người Triều Tiên tuần hành chống Mỹ tại thủ đô Bình Nhưỡng ngày 23/9 (Ảnh: AP)
Người Triều Tiên tuần hành chống Mỹ tại thủ đô Bình Nhưỡng ngày 23/9 (Ảnh: AP)

“Tôi cảm nhận thấy sự sợ hãi trong tiếng nói của họ (Triều Tiên). Họ không thể khiêu chiến với người Mỹ khi mà các máy bay chiến đấu của họ thậm chí còn không thể bay xa vì thiếu nhiên liệu hay sợ gặp trục trặc giữa chừng”, Shin Won-sik, viên tướng 3 sao và từng là chiến lược gia tác chiến hàng đầu của quân đội Hàn Quốc, cho biết.

Giới chức tình báo Hàn Quốc ngày 26/9 cho biết ngay cả khi Triều Tiên đưa ra những cảnh báo cứng rắn nhằm đáp trả lời đe dọa trước đó của Tổng thống Donald Trump, quân đội Triều Tiên vẫn yêu cầu các đơn vị đóng ở khu vực biên giới giáp Hàn Quốc không được đưa ra những quyết định vội vàng. Thay vào đó, các đơn vị này phải báo cáo lên các cấp trên trước khi triển khai bất kỳ hành động nào.

“Họ rất cẩn trọng để tránh sự khiêu khích quân sự hay một cuộc xung đột”, Lee Cheol-woo, chủ tịch ủy ban tình báo quốc hội Hàn Quốc, nhận định.

Lập trường cứng rắn của cả Mỹ và Triều Tiên, cùng với tính khí thất thường của cả Tổng thống Trump và lãnh đạo Kim Jong-un, được xem là những nhân tố thổi bùng lên “ngọn lửa” căng thẳng giữa hai nước trong thời gian qua. Nhiều người lo ngại rằng ông Kim Jong-un hoặc ông Trump sẽ hành động vội vã, từ đó dẫn tới một cuộc xung đột cho dù các cố vấn của họ đã cảnh báo trước nguy cơ.

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát về Triều Tiên nhận định tình hình hiện nay vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn và không nên cường điệu hóa những tuyên bố gây hấn của Bình Nhưỡng.

“Họ (Triều Tiên) có thể đã có ý định trong đầu, nhưng chưa chắc đã đủ phương tiện để chiến đấu với người Mỹ”, Shin In-kyun, chuyên gia quân sự điều hành Mạng lưới Quốc phòng Hàn Quốc - một tổ chức dân sự, cho biết.

Dù trước đây Triều Tiên từng bắn hạ máy bay chiến đấu của Mỹ song các nhà phân tích chỉ ra rằng ở thời điểm hiện tại Bình Nhưỡng không thể làm tương tự như vậy, nhất là với các máy bay như B-1B hay F-15 hoặc F-35, đặc biệt trong trường hợp các máy bay này hoạt động ở không phận quốc tế ngoài bờ biển Triều Tiên.

Cẩn trọng ngôn từ

Các máy bay ném bom B-1B của Mỹ thực hiện quy trình tiếp nhiên liệu (Ảnh: Reuters)
Các máy bay ném bom B-1B của Mỹ thực hiện quy trình tiếp nhiên liệu (Ảnh: Reuters)

Giới phân tích cũng chỉ ra rằng Triều Tiên rất cẩn trọng khi lựa chọn ngôn từ để đáp trả Mỹ dù cuộc “khẩu chiến” giữa hai nước được xem là rất căng thẳng.

Hồi tháng 8, khi Triều Tiên dọa sẽ phóng tên lửa đạn đạo và tạo ra “hỏa lực bao vây” xung quanh vùng lãnh thổ Guam của Mỹ, Bình Nhưỡng cũng chỉ nói rằng nước này đang “xem xét nghiêm túc” kế hoạch này.

Sau đó, khi Tổng thống Trump dọa sẽ hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên trong bài phát biểu đầu tiên của ông trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 19/9, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng chỉ nói rằng đang “cân nhắc” biện pháp đáp trả ở mức cao nhất trong lịch sử. Gần đây, khi Ngoại trưởng Ro Yong-ho phát biểu trước báo giới, ông cũng không tuyên bố “sẽ bắn hạ” các máy bay ném bom của Mỹ, mà chỉ nói rằng Triều Tiên “có quyền” làm vậy.

“Triều Tiên biết cách làm thế nào để chọn lựa từ ngữ. Họ biết cách tính toán những rủi ro. Họ không hề bất cẩn”, Cheon Seong-whun, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu chính sách Asan tại Seoul, Hàn Quốc, cho biết.

Theo chuyên gia Lee Sung-yoon thuộc Trường Luật và Ngoại giao Fletcher, Đại học Tufts, Triều Tiên đang tìm cách buộc Mỹ phải suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi có bất kỳ hành động phô diễn sức mạnh nào, thậm chí Bình Nhưỡng còn đang tự xây dựng hình ảnh là một quốc gia “thấp cổ bé họng” bị Mỹ bắt nạt, do vậy không còn cách nào khác ngoài việc phải gồng lên tự vệ.

Cũng theo nhận định của chuyên gia Lee, Triều Tiên có thể đang hy vọng Trung Quốc và Hàn Quốc vào cuộc để kêu gọi các bên kiềm chế, trong khi tiếp tục lấy những lời đe dọa của Tổng thống Trump làm cái cớ để tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa khác.

“Triều Tiên phải “nói cứng” như vậy vì sợ rằng nếu chùn bước dưới sức ép của Mỹ bây giờ, nước này sẽ không bao giờ lấy lại được vị thế của họ. Triều Tiên cũng lo sợ rằng nếu họ lùi bước trước Mỹ, thì Nga và Trung Quốc sẽ không giúp đỡ họ nữa”, Giáo sư Kim Yong-hyn chuyên nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Dongguk ở Seoul cho biết.

Mặc dù vậy, giới phân tích cũng cảnh báo, việc thiếu các kênh liên lạc ngoại giao cấp cao giữa Mỹ và Triều Tiên khiến hai nước rất dễ hiểu nhầm ý của nhau, từ đó khiến cuộc “khẩu chiến” càng trở nên nguy hiểm hơn.

“Mức độ hiểu biết chung giữa Mỹ và Triều Tiên rất thấp, nhưng cơ hội tính toán sai lầm lại rất cao”, chuyên gia Cheon nhận định.

Thành Đạt

Theo New York Times