1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

TPHCM: Thợ hồ "hét giá, hốt bạc" sau chiến dịch dọn dẹp vỉa hè

(Dân trí) - Hàng nghìn bậc tam cấp lấn chiếm vỉa hè bị phá hủy sau chiến dịch lập lại trật tự lòng lề đường, hè phố ở TPHCM đã giúp cho nghề thợ hồ bưng “bát vàng” trong những ngày qua… Chính nhu cầu sửa chữa nhỏ tăng mạnh, nhiều thợ sửa xe, xe ôm, sửa khóa… cũng “lấn sân” sang nghề thợ hồ để kiếm thêm thu nhập.

Thu nhập tiền triệu/ngày

Đợt ra quân "giải cứu" vỉa hè của ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1 đã gây hiệu ứng mạnh. Quyết không để "chiến dịch" của ông Hải... cô đơn, lãnh đạo các phường, quận khác trên địa bàn TPHCM cũng "rời phòng lạnh" để giành lại đường cho người đi bộ.

Hàng loạt bậc tam cấp lấn chiếm vỉa hè của các hộ gia đình và hộ kinh doanh bị buộc phá bỏ để trả lại mặt bằng thông thoáng cho vỉa hè. Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, hàng trăm hộ dân sống dọc 2 bên đường đang tấp nập tháo dỡ, di chuyển vật dụng, công trình kiến trúc để trả lại mặt bằng sạch sẽ, thông thoáng.

Do nhu cầu xây dựng, sửa chữa "tăng đột biến" từ chiến dịch "giải cứu" vỉa hè, những ngày qua, thợ hồ trở nên "đắt như tôm tươi".

Trước cuộc chiến dọn dẹp vỉa hè đang diễn ra như “cơn lốc” tại TPHCM, nghề thợ hồ trở nên đắt sô khi mỗi ngày có đến hàng chục cuộc gọi đặt sửa chữa “mặt tiền”
Trước cuộc chiến dọn dẹp vỉa hè đang diễn ra như “cơn lốc” tại TPHCM, nghề thợ hồ trở nên đắt sô khi mỗi ngày có đến hàng chục cuộc gọi đặt sửa chữa “mặt tiền”

Chạy đua với thời gian, nắng nóng, thu nhập của đội ngũ thợ xây trong những ngày này cũng tăng cao. Anh Đặng Văn Hùng, thầu xây dựng đang làm việc tại đường Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp cho biết, trong những ngày này, nhóm thợ của anh gồm 5 người phải “chạy sô” tới bốn 4-5 nhà và tăng ca thường xuyên. Thời gian làm từ 5 giờ sáng đến 8-9 giờ tối, rất ít có thời gian nghỉ tay để kịp giúp người dân sớm có mặt bằng làm ăn và tranh thủ kiếm thêm thu nhập.

Theo anh Hùng, chưa bao giờ thợ hồ đắt khách như những ngày qua. Không cần những công trình lớn, chỉ tham gia sửa chữa nhỏ cũng đủ "hốt bạc". "Bậc tam cấp nào làm dễ thì giá khoảng hơn 1 triệu đồng. Bậc nào khó, làm mất nhiều công thì khoảng 2 triệu đồng", anh Hùng nói. Nhờ cách định giá này mà mỗi ngày, nhóm thợ của anh Hùng có thể hoàn thành từ 3 đến 4 điểm. Sau khi trừ các chi phí vặt ra thì thu nhập trung bình của một thợ hồ cũng có thể lên đến tiền triệu đồng/ngày.

Anh thợ hồ tên Long đang lát gạch kế bên dí dỏm: "Mấy ngày gần đây, tụi tui cứ ngỡ mình là giám đốc vậy. Điện thoại “reng” suốt. Làm cho người này chưa xong thì người khác đã gọi hối thúc".

Vì người dân gọi quá nhiều nên đa phần các thợ chỉ nhận những chỗ quen và làm ăn lâu năm. Với tiêu chí không để lỡ công việc kinh doanh, dắt xe ra vào nhà của khách, các nhóm thợ hồ đều cố gắng hoàn thành đúng tiến độ.

Chính nhu cầu sửa chữa nhỏ tăng mạnh, nhiều thợ sửa xe, xe ôm, sửa khóa…cũng “lấn sân” sang nghề thợ hồ để kiếm thêm thu nhập. Mặc dù là thợ “nghiệp dư” nhưng những người này vẫn luôn được “săn đón” khi thợ xây dựng đã không còn đủ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Chị Thanh, hộ gia đình trên quốc lộ 13, quận Bình Thạnh cho biết, "gia đình chị kinh doanh quán ăn nên khi phần vỉa hè bị xới lên, đất đa ngổn ngang ngay mặt tiền khiến khách hàng không còn tâm trạng ghé vào. Thế nhưng, hẹn mãi vẫn chưa thấy thợ đến sửa chữa".

"Để kịp thời khắc phục việc kinh doanh, tôi phải thuê một vài thợ sửa xe ôm đến trám nền, nâng lại bậc tam cấp với mức giá 2 triệu đồng. Dù biết rằng đây không phải là thợ chuyên nghiệp, nhưng có người đến làm trong những ngày cao điểm như thế này đã là may mắn lắm rồi", chị Thanh nói.


Các thợ hồ làm việc cật lực cả ngày lẫn đêm nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Tuy vất vả nhưng công việc này mang lại mức thu nhập “khủng” cho các thợ hồ.

Các thợ hồ làm việc cật lực cả ngày lẫn đêm nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Tuy vất vả nhưng công việc này mang lại mức thu nhập “khủng” cho các thợ hồ.

"Hét" giá... "cắt cổ"

Nắm bắt tâm lý của khách hàng khi ai cũng muốn nhanh chóng có mặt tiền thông thoáng, gọn gàng, những thợ hồ được dịp đẩy giá "lên trời" khiến không ít người đi tìm thợ phải lo lắng.

Chị Dung, quản lý một cửa hàng bán điện thoại trên đường Phạm Ngũ Lão cho biết, để sửa lại bậc tam cấp mới như ý, chị đã phải liên hệ với ba bốn nhóm thợ mới có người chịu nhận với mức giá 3 triệu đồng.

Còn với gia đình anh Nguyễn Văn Thành, mặc dù bậc tam cấp đã bị phá dỡ nhiều ngày trước nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra thợ khắc phục. “Sáng nay, tôi gọi điện và nói sẽ trả thêm 500.000 đồng nữa nếu có thợ đến sửa trong ngày để còn kịp buôn bán. Song, họ nói phải 5-6 ngày nữa mới tới được", anh Thành lo lắng.

Theo tìm hiểu, bình thường, ngày công của một thợ hồ giỏi tay nghề từ 300.000 - 400.000 đồng/thợ/ngày. Những thợ tay nghề bình thường giá 250.000 - 300.000 đồng/thợ/ngày, phụ hồ từ 180.000 - 250.000 đồng/thợ/ngày. Thế nhưng, khi cao điểm sửa chữa, thợ hồ bỏ túi ít nhất 1 triệu đồng/người/ngày. Những thợ tay ngang cũng có thu nhập tăng gấp đôi, chưa kể làm thêm giờ, nhận thêm... "show".

Các thợ hồ đẩy mức giá lên “trời” nhưng nhiều người vẫn không thể tìm được thợ, đành lòng họ phải tự ra tay dọn dẹp lại khuôn viên phía trước.
Các thợ hồ đẩy mức giá lên “trời” nhưng nhiều người vẫn không thể tìm được thợ, đành lòng họ phải tự ra tay dọn dẹp lại khuôn viên phía trước.

Dù trả tiền công cao như vậy nhưng vẫn tìm không ra thợ. Nhiều gia đình phải tự xoắn tay làm thợ hồ bất đắc dĩ. Ông Bùi Văn Công, hộ dân trên quốc lộ 13, quận Bình Thanh cho biết, tìm thợ cả tuần nhưng vẫn không ai nhận vì chê công trình nhỏ ít tiền nên ông phải tự tay mình sửa lại bậc tam cấp cho gia đình.

“Mặc dù trước giờ chưa làm hồ bao giờ nhưng để có lối đi cho gia đình, tôi đành vác xẻng, xi măng... ra làm. Nếu xấu quá thì đợi thời gian nữa cơn “sốt” thợ hồ giảm đi thì sẽ tìm thợ sửa lại cho đẹp mắt”, ông Công nói.

Quế Sơn