Tiết lộ những chuyện “hậu trường” bi hài khi đi xây trường ở vùng cao
(Dân trí) - Mỗi lần xây xong một điểm trường, chúng tôi – những người làm chuyên mục nhân ái ở báo Dân trí – đều có cảm giác buồn vui lẫn lộn. Buồn vì chứng kiến cuộc sống vất vả, gian lao của thầy cô, học sinh ở những điểm trường vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn. Vui là vì từ nay, những công trình phòng học mang tên Dân trí khang trang, sạch đẹp sẽ mở ra một “chân trời mới” tươi đẹp hơn. Dưới đây là những câu chuyện có thật mà PV báo Dân trí ghi chép lại.
1. 3 phòng học mầm non… 1,7 tỷ
Năm 2014, sau bài viết “Gục ngã ở Tân Uyên”, tôi mừng như bắt được vàng khi chỉ hơn 1 tuần sau đó, các mạnh thường quân chung tay góp sức ủng hộ được gần 500 triệu đồng để hỗ trợ xây điểm trường Nà Cóc, thuộc trường mầm non số 2, thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu.
Phòng học tuềnh toàng nhưng có 2 giáo viên phụ trách 2 lớp học khác nhau cùng chung trong một phòng
Tôi năm lần bảy lượt gửi công văn đến UBND huyện Tân Uyên, mong huyện hỗ trợ phối hợp xây phòng học cho thầy cô và học sinh, nhưng công văn đi mà mãi không thấy hồi âm. Sốt ruột, tôi không nhờ huyện nữa mà lên tỉnh xin gặp trực tiếp Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo để xin ông làm giúp cái dự toán xây 3 phòng học ở Nà Cóc thì hết bao nhiêu tiền. Ông Giám đốc cũng nho nhã, lịch thiệp, chỉ đạo cấp dưới làm ngay cho tôi. Khoảng tuần sau, tôi gặp lại ông để nhận bản dự toán công trình, và tôi không tin nổi mắt mình khi bản dự toán xây 3 phòng học ở Nà Cóc mà Sở dự toán lên đến 1,7 tỷ đồng, trong khi số tiền bạn đọc ủng hộ gom góp mãi mới được gần 500 triệu đồng.
“Anh ơi, bọn em làm 3 phòng học cấp 4, chủ yếu để các cháu tránh mưa gió, phòng ốc sạch sẽ học tập thôi, chứ không có nhu cầu xây biệt thự”, tôi nửa đùa nửa thật. Xong rồi tôi cũng thú thật là tiền bạn đọc ủng hộ chỉ có gần 500 triệu thôi, để ông lược dự toán lại cho phù hợp. “À, anh em nó làm dự toán này là theo tiêu chuẩn nhà nước, móng chuẩn, tường dày, có cả phòng vệ sinh khép kín cho các cháu. Còn 500 triệu thì để anh em tính toán lại, với lại đây là công trình từ thiện nên tôi sẽ bảo anh em vừa xây vừa giúp”, vị giám đốc Sở trần tình.
Cuối cùng, khoảng hơn 2 tháng sau thì công trình phòng học Dân trí ở Nà Cóc hoàn thành. Các thầy cô, học sinh mừng rơi nước mắt, vì có nằm mơ các thầy cô cũng không nghĩ một sự đổi thay nhanh đến thế chỉ từ một bài báo.
3 phòng học do bạn đọc báo Dân trí hỗ trợ xây dựng với kinh phí khoảng 500 triệu đồng
Cô và trò bậc học mầm non từ nay được ngồi học trong những phòng học khang trang sạch đẹp
Trường mới lớp mới là động lực cho thầy cô, học sinh thi đua dạy tốt, học tốt
2. Một điểm trường, 2 hiệu trưởng cùng vui
Một anh bạn trẻ, Giám đốc một công ty chuyên sản xuất hạt nhựa, gặp chúng tôi đề xuất tìm một điểm trường ở Hà Giang để hỗ trợ xây dựng phòng học. Lạ một điều anh chọn Hà Giang, không phải là quê hương chôn nhau cắt rốn của anh, mà chỉ vì anh từng có một tình cảm sâu nặng với một người con gái ở Hà Giang.
Đó cũng là nguyên cớ để chúng tôi tìm và chọn đầu tư xây dựng điểm trường Na Quang, thuộc xã Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, nơi mà học sinh và thầy cô đang phải học tập trong dãy phòng học làm bằng đất, lại không có điện, không có nước nên cuộc sống hết sức khó khăn. Tôi vẫn thường nói vui với mọi người, là “xây một điểm trường, 2 hiệu trưởng cùng vui” khi nói về điểm trường Na Quang. Bởi với số tiền đầu tư xây dựng 3 phòng học cho điểm trường xấp xỉ gần 700 triệu đồng, đã giải quyết được 2 phòng dành cho bậc tiểu học, 1 phòng dành cho bậc mầm non).
Điểm trường Na Quang, thuộc trường tiểu học và trường mầm non Bát Đại Sơn trước khi được xây dựng là dãy phòng được làm bằng đất
Phòng học đã xuống cấp trầm trọng không đảm bảo cho việc dạy và học của giáo viên, học sinh nơi đây
Có một điều đặc biệt, là ngày khánh thành 3 phòng học Dân trí tại điểm trường Na Quang, sau tất cả hồ hởi của thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh, chúng tôi vẫn thấy băn khoăn áy, náy khi ngay bên cạnh 3 phòng học khang trang thì nhà công vụ cho các thầy cô giáo ở vẫn tuềnh toàng, tạm bợ như xưa. Phòng học càng đẹp bao nhiêu càng làm lộ rõ sự tạm bợ, vất vả của các thầy cô khi vẫn đang phải ở trong nhà công vụ bằng tranh tre, nứa lá, mưa thì dột, nắng thì nóng khô người này.
Công trình 3 phòng học Dân trí tại điểm trường Na Quang với tổng kinh phí hơn 700 triệu đồng
Các em học sinh mầm non ở điểm trường Na Quang tươi vui trong phòng học mới
“Hay là anh em mình thử kêu gọi đồng nghiệp chung tay đóng góp mỗi người một ít, làm nốt cho các thầy cô 3 phòng công vụ đi”, tôi đề xuất với lãnh đạo báo Dân trí. “Ừ, để tính xem sao”, lãnh đạo tôi bảo. Thế rồi mấy hôm sau, tôi dường như không tin vào tai mình khi nghe lãnh đạo bảo, anh bạn trẻ Giám đốc đã tài trợ xây trường quyết định tài trợ thêm 100 triệu đồng để xây 3 phòng học cho các thầy cô giáo. “3 phòng học, 3 nhà công vụ sạch đẹp, Na Quang có khi chuyển thành trường chính mới phải”, ấy là lời các thầy cô giáo khi nói về công trình của Dân trí nơi đây.
3. Những suất học bổng “Cam pu … chia”
Thông thường, mỗi lần chúng tôi khởi công xây dựng hay khánh thành một công trình phòng học Dân trí, chúng tôi luôn cố gắng dành ra một ít để tặng học bổng cho các em học sinh miền núi, thường là từ 10 đến 20 suất, mỗi suất 500.000 đồng.
Có lần, tại điểm trường Dân trí ở Nà Đang (xã Lâm Phú, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa), chúng tôi đề nghị nhà trường và UBND xã lập ra danh sách 20 cháu học sinh tiểu học có hoàn cảnh khó khăn để trao học bổng cho các em, mỗi em 500.000 đồng. Sau khi làm thủ tục khánh thành, trao học bổng xong xuôi, có một chị lại hỏi tôi, tại sao con chị không được học bổng. “Lớp có 21 cháu, sao 20 cháu được học bổng mà con tôi không được ?”. Chúng tôi cũng ngớ người, hỏi ra thì xã bảo có 20 suất, mà lớp có 21 cháu nên xã phải gạt con của đồng chí bí thư xã ra khỏi danh sách nhận học bổng.
Có người bảo là con bí thư xã thì đâu đến nỗi khó khăn để nhận học bổng, nhưng chúng tôi lại nghĩ, ở cái tuổi non nớt như vậy, bị gạt ra khỏi danh sách có thể là một sự tổn thương cho đứa trẻ, nên chúng tôi bàn và nhất trí trao tặng thêm một học bổng nữa.
Nhà báo Phạm Tuấn Anh, Phó Tổng Biên tập báo Dân trí trao học bổng đến các em học sinh điểm trường Hua Mức 1, thuộc Trường tiểu học Pú Xi, xã Pú Xi, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên
Lần khác, ở điểm trường Hua Mức (xã Pú Xi, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên), chúng tôi trao 10 suất học bổng cho 10 em học sinh tiểu học có hoàn cảnh khó khăn ở đây, mỗi suất 500.000 đồng. Vì học sinh ở xa, nhiều em không đến kịp để nhận học bổng nên chúng tôi đề nghị nhà trường cho học sinh ký nhận tiền và gửi xuống Hà Nội để làm thủ tục thanh toán với cơ quan.
Công trình phòng học Dân trí sạch đẹp tại điểm trường Ta Lếch, xã Mùn Chung, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên
Khi chúng tôi nhận danh sách, tá hỏa khi thay vì 10 em học sinh được nhận học bổng thì danh sách có đến 50 em nhận học bổng, thay vì mỗi suất 500.000 đồng/em thì nay còn 100.000 đồng/em (tất nhiên tổng số tiền học bổng vẫn là 5 triệu đồng). Gọi điện cho thầy hiệu trưởng thì thầy Đạt cười trả lời: “Các anh thông cảm cho bọn em, các anh trao 10 suất học bổng cho 10 cháu có hoàn cảnh khó khăn ở điểm trường, nhưng 50 em học sinh ở điểm trường thì đứa nào cũng có hoàn cảnh khó khăn cả. Phụ huynh họ không chịu vì sao thầy cô chọn 10 em học sinh này mà 40 em học sinh còn lại cũng khó khăn như nhau cả, nên bọn em quyết định “cam pu chia”, tức là chia đều để không ai mất lòng ai, không ai thấy thiệt thòi”.
Nghe giải thích này của thầy Đạt, chúng tôi cũng chỉ biết cười trừ.
4. Ở nhà công vụ, ngủ giường tầng
Trong 16 công trình phòng học Dân trí, thì công trình thứ 16 tại điểm trường tiểu học và trường mầm non Nà Kiềng (xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng) là công trình khiến chúng tôi lao tâm khổ tứ nhất. Trong mục tiêu ban đầu, chúng tôi dự định chỉ xây 3 phòng học cho điểm trường mầm non Nà Kiềng, nhưng khi chứng kiến cảnh các thầy cô giáo chen chúc trong nhà công vụ không khác gì khu ổ chuột, chúng tôi lại nghĩ mình cần phải làm nhiều hơn. Và chúng tôi quyết tâm đầu tư thêm 10 nhà công vụ khang trang, sạch đẹp cho các thầy cô. Thật may là toàn bộ công trình 3 phòng học và 10 nhà công vụ được anh Hoàng Tuấn, Giám đốc Thẩm mỹ Hoàng Tuấn đồng cảm và tài trợ toàn bộ kinh phí.
Khởi công công trình phòng học và nhà công vụ tại trường tiểu học và trường mầm non Nà Kiềng, xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng
Ngày khởi công, các thầy cô giáo cứ băn khoăn hỏi chúng tôi, là chỉ tiêu bình xét như nào để được suất ở nhà công vụ, vì toàn bộ điểm trường có hơn 34 giáo viên, nhưng 10 nhà công vụ thì chỉ có khoảng hơn nửa giáo viên là được ở nhà công vụ. Ai ở nhà công vụ, ai tiếp tục kiếp ở trọ là tâm trạng lo lắng, hồi hộp của các thầy cô. Các thầy cô vui vì sắp có 10 nhà công vụ khang trang mới mà buồn là nhu cầu thì cao, mà phòng công vụ thì ít.
Cái băn khoăn của thầy cô khiến chúng tôi – những người đi xây trường – cũng băn khoăn, trăn trở không kém. Thế rồi chúng tôi chợt nghĩ ra ý tưởng, là thay vì mỗi phòng công vụ với một cái giường chỉ đủ chỗ ở cho 2 người, thì có thể chuyển sang mô hình giường tầng (như kiểu giường tầng ký túc xá nhưng to rộng hơn) sẽ giúp cho 3, thậm chí 4 giáo viên cùng ở chung được một phòng. Và thật may mắn khi bằng một lá thư ngỏ, chúng tôi đã được công ty Nội thất XHome đồng cảm và đứng ra tài trợ 10 chiếc giường tầng với trị giá 80 triệu cho điểm trường.
Để giúp các giáo viên ở Nà Kiềng yên tâm công tác, Công ty CP nội thất X'Home đã tài trợ 10 bộ giường tầng trị giá 80 triệu đồng
Với 10 chiếc giương tầng này, từ nay các giáo viên ở điểm trường Nà Kiềng cơ bản sẽ được giải quyết chỗ ở, đó thật sự là một điều tuyệt diệu trong những ngày cuối năm 2017.
Thế Nam (ghi chép)