1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thủ tướng: Kiên quyết xử lý các nhóm lợi ích, sân sau

(Dân trí) - Nêu rõ việc tập trung xử lý dứt điểm các tập đoàn, các tổng công ty, các doanh nghiệp, các dự án, các công trình đầu tư không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, kể cả bằng biện pháp giải thể, phá sản, Thủ tướng cũng nhấn mạnh sẽ kiên quyết xử lý các vi phạm, nhóm lợi ích, sân sau, trục lợi cá nhân, tham nhũng, lãng phí.

Thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho hay, hôm nay (29/6), tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) của Đảng.

Hội nghị lần này tập trung quán triệt 3 Nghị quyết gồm: Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN); Nghị quyết về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và Nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Thủ tướng phát biểu tại hội nghị (ảnh: VGP)
Thủ tướng phát biểu tại hội nghị (ảnh: VGP)

Hoàn thiện khái niệm “kinh tế thị trường định hướng XHCN”

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng lưu ý, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mà nước ta xây dựng là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng Cộng sản lãnh đạo nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, thể hiện sự ưu việt của chế độ ta.

“Khái niệm kinh tế thị trường định hướng XHCN lần này chúng ta hoàn thiện và nói rõ hơn để có nhận thức đầy đủ hơn”, theo Thủ tướng.

Trong đó, một trong những nội dung quan trọng cần thực hiện là tập trung hoàn thiện pháp luật về đất đai, tạo thuận lợi hỗ trợ tích tụ tập trung ruộng đất để phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Đồng thời, đẩy mạnh cải cách tiền lương, tiền công, bảo đảm an sinh xã hội, khẩn trương rà soát, tháo gỡ những vướng mắc về thể chế kinh tế để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát nợ công, xử lý nợ xấu. Cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả hệ thống các ngân hàng thương mại và DNNN.

Việc hoàn thiện thể chế kinh tế phải đi đôi với việc đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy cán bộ của toàn hệ thống chính trị. Xác định rõ và thực hiện đúng vị trí, vai trò, chức năng và mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội phù hợp với kinh tế thị trường, bảo đảm định hướng XHCN, giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng.

Các DNNN sẽ phải hoạt động theo cơ chế thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm
Các DNNN sẽ phải hoạt động theo cơ chế thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm

Giải quyết dứt điểm các DNNN, dự án yếu kém

Đối với Nghị quyết về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả của DNNN, để DNNN hoạt động hiệu quả trong nền kinh tế thị trường, phát huy được vai trò then chốt trong khu vực kinh tế Nhà nước, việc tiếp tục đẩy mạnh, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn, nâng cao hiệu quả DNNN là nhiệm vụ rất quan trọng, cấp thiết.

Thủ tướng khẳng định, DNNN chỉ tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, những địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh, những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư.

Lãnh đạo Chính phủ cũng nêu rõ, các DNNN phải hoạt động theo cơ chế thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng, bảo đảm công khai, minh bạch và có trách nhiệm giải trình.

Trong thời gian tới, tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát, kiểm tra, thanh tra, không bị thất thoát lãng phí vốn, tài sản Nhà nước. Đặc biệt là sẽ thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn góp của Nhà nước vào doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng nêu rõ một nội dung quan trọng đó là tập trung xử lý dứt điểm các tập đoàn, các tổng công ty, các doanh nghiệp, các dự án, các công trình đầu tư không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, kể cả bằng biện pháp giải thể, phá sản.

“Kiên quyết xử lý các vi phạm, nhóm lợi ích, sân sau, trục lợi cá nhân, tham nhũng, lãng phí. Triển khai nghiêm kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về xử lý những dự án điểm liên quan đến tập đoàn, tổng công ty Nhà nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng lưu ý công tác phòng chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa tư bản thân hữu, quan hệ, lợi ích nhóm, thao túng chính sách, cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính.
Thủ tướng lưu ý công tác phòng chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa tư bản thân hữu, quan hệ, lợi ích nhóm, thao túng chính sách, cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính.

Chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa tư bản thân hữu

Đối với Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, Thủ tướng nêu rõ, kinh tế tư nhân được phát triển ở tất cả các ngành, các lĩnh vực mà pháp luật không cấm.

Bên cạnh phát huy và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì Chính phủ cũng khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế Nhà nước, có đủ khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Nghị quyết hướng đến phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, có ý thức chấp hành luật pháp, trách nhiệm với xã hội và kỹ năng quản lý, quản trị cao; chú trọng xây dựng, nâng cao văn hóa doanh nghiệp và đạo đức doanh nhân.

Tuy vậy, cũng lưu ý đến việc tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát, thực hiện công khai, minh bạch, ngăn chặn, hạn chế mặt tiêu cực, đặc biệt là phòng chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa tư bản thân hữu, quan hệ, lợi ích nhóm, thao túng chính sách, cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính.

“Để thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương thì nhận thức phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải lớn, phương pháp phải đúng, hành động phải quyết liệt, khen thưởng kỷ luật phải nghiêm minh. Đặc biệt là khâu tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền phải nghiêm túc”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm