Sai sót trong Bộ luật Hình sự 2015 có thể không chỉ dừng ở con số… 90
(Dân trí) - Thông tin từ buổi họp báo công bố Nghị quyết của Quốc hội về việc lùi thời hạn thi hành Bộ luật Hình sự 2015 sáng nay, 30/6, gần 90 sai sót phát hiện đến thời điểm này được khát quát gồm 5 dạng, chủ yếu là lỗi kỹ thuật, không có lỗi sai về quan điểm, chủ trương. Bộ luật sẽ được tiếp tục rà soát…
Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Luật cho biết, ngay khi nhận thông tin phản ánh về việc Bộ luật Hình sự năm 2015 có nhiều sai sót, UB Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo UB Tư pháp của Quốc hội phối hợp với TAND tối cao, VKSND tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an tập hợp các lỗi sai phân loại lỗi và xác định hướng khắc phục. Trên cơ sở báo cáo của các cơ quan này, theo ông Luật, có thể khẳng định những sai sót chủ yếu về lỗi kỹ thuật, còn quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về hệ thống pháp luật hình sự thì không sai.
Nhận định chung được đưa ra là những lỗi sai đó, dù chỉ là kỹ thuật, sẽ khiến việc thi hành luật khó khăn, khó áp dụng thống nhất, đặc biệt có khả năng ảnh hưởng đến quá trình đấu tranh với tội phạm, nhất là việc có thể dẫn tới hiện tượng bỏ lọt tội phạm.
UB Thường vụ Quốc hội xác định cần thiết phải báo cáo với các đại biểu Quốc hội về thực trạng Bộ luật vừa được ban hành có nhiều lỗi và tiến hành sửa chữa.
Tổng số những điều khoản có sai sót được phát hiện trong Bộ luật, đến thời điểm này, ông Luật thông tin là gần 90 lỗi.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng khái quát thêm về những sai sót cụ thể đã phát hiện vừa qua ở 5 dạng. Phần quy định chung của Bộ luật có những điều khoản mâu thuẫn với nhau và mâu thuẫn với các quy định cụ thể về tội phạm; Một số quy định bỏ lọt các điều khoản hoặc có các điều khoản bị trùng lắp về định lượng (như định lượng ma túy, số tiền chiếm đoạt…); Trong một số quy định có cấu thành định lượng không khả thi; Việc sắp xếp các khung hình phạt không có sự tiếp nối thể hiện mức độ trừng phạt nghiêm khắc tăng dần, gây khó khăn cho việc xác định áp dụng; Tại một số điều luật của Bộ luật có quy định viện dẫn tới một số điều luật khác nhưng sự viện dẫn này không đúng.
Từ các dạng sai sót được thống kê, một lần nữa, Thứ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định đây chủ yếu là lỗi sai về kỹ thuật nhưng làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc áp dụng thống nhất Bộ luật Hình sự.
Về hệ quả, tác động của việc phải lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự vừa được sửa đổi, Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật khẳng định, trước hết, Quốc hội cần thời gian để rà soát lại một cách kỹ lưỡng toàn bộ Bộ luật đã ban hành. Việc này cũng khiến một số đạo luật khác như Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật thi hành tạm giữ tạm giam, luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (cũng được Quốc hội thông qua cuối năm 2015) phải đồng thời lùi hiệu lực thi hành là vì có liên quan trực tiếp.
“Việc lùi hiệu lực thi hành với các đạo luật liên quan vì các đạo luật này có điều khoản viện dẫn tới Bộ luật Hình sự 2015. Việc lùi là để thực hiện đồng bộ chứ các luật đó không có sai sót. Vì thế, Quốc hội chỉ thống nhất bổ sung vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2016 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 chứ không sửa những đạo luật khác” – ông Nguyễn Văn Luật giải thích.
Phó Viện trưởng VKSND tối cao Trần Công Phàn nhấn mạnh thêm việc, dù Bộ luật Hình sự 2015 và 3 đạo luật liên quan phải lùi hiệu lực thi hành nhưng những quy định có lợi cho người phạm tội được quy định tại các đạo luật này vẫn được áp dụng ngay từ ngày mai, 1/7/2016.
Một hệ quả khác cần giải quyết ngay khi tạm dừng thi hành Bộ luật Hình sự 2015 để sửa lỗi là xử lý các sách đã phát hành về đạo luật này theo quy định của luật Xuất bản, hướng giải quyết chắc chắn là phải thu hồi toàn bộ những ấn phẩm đã đưa ra thị trường.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng thông tin cụ thể về kết quả cuộc bỏ phiếu biểu quyết hoãn hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự 2015. Có 449 phiếu đã phát ra trên tổng số 497 đại biểu Quốc hội khóa XIII (có gần 50 đại biểu đang công cán nước ngoài, không thể thực hiện quyền biểu quyết). Đến 15h chiều 29/6, Quốc hội thu về được 438 phiếu, đều hợp lệ, trong đó có 423 phiếu đồng ý hùi hiệu lực thi hành với Bộ luật này (chiếm 85,63% tổng số đại biểu). Có 11 phiếu không đồng ý và 4 phiếu không bày tỏ chính kiến (không biểu quyết).
Về quy trình bỏ phiếu, Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Luật xác nhận không tổ chức theo đúng chuẩn một phiên biểu quyết tại phiên họp toàn thể của Quốc hội nhưng đó là do hoàn cảnh cụ thể, thời hạn có hiệu lực của Bộ luật Hình sự 2015 đã rất gấp (1/7/2016).
“Nếu không có Nghị quyết này thì ngày mai, Bộ luật này sẽ có hiệu lực. Thời gian quá gấp nên Thường vụ Quốc hội đã tính toán rất nhiều phương án xử lý và thống nhất chọn cách cho phép các đại biểu Quốc hội biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu tại các đoàn đại biểu Quốc hội. Các trưởng đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh thành được triệu tập để chuẩn bị nội dung, hướng dẫn quy trình bỏ phiếu để về địa phương tổ chức mời các đại biểu tỉnh nhà họp đoàn, nghiên cứu tờ trình của UB Thường vụ Quốc hội và để các đại biểu thể hiện chính kiến của mình. Lá phiếu gửi đến từng đại biểu được thể hiện đúng như hình thức bấm nút, bỏ phiếu tại hội trường với các trường thông tin như Tán thành/Không tán thành/Không bỏ phiếu và thực hiện việc niêm phong hòm phiếu để đảm bảo nguyên tắc bỏ phiếu kín. Phiếu biểu quyết đó được mang ra Nhà Quốc hội, thực hiện kiểm phiếu tập trung” – ông Luật giải thích.
P.Thảo