1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quy trình bổ nhiệm vụ phó phải thế nào?

Việc bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàngbắt buộc phải thông qua tập thể lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, một cá nhân lãnh đạo không được làm việc này.

Việc bổ nhiệm “siêu tốc” một số phó vụ trưởng ở Ban Chỉ đạo (BCĐ) Tây Nam Bộ, đơn vị tương đương cấp bộ, đang được ban lãnh đạo đương nhiệm cơ quan này kiểm tra toàn diện. Tuy nhiên, để phân định đúng sai, cần hiểu kỹ hơn về quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm đối với chức danh này. Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ với một thứ trưởng từng có thời gian công tác lâu năm ở BCĐ Tây Bắc về quy trình này.

Phải thông qua tập thể biểu quyết

Theo thứ trưởng này, nguyên tắc của công tác cán bộ là phải bàn bạc, quyết định trong tập thể.

Thẩm quyền quyết định về nhân sự cấp vụ chủ yếu do tập thể lãnh đạo tại chỗ chuẩn bị, gồm phó trưởng ban thường trực và các phó trưởng ban chuyên trách. Quy trình chung là tập thể họp bàn, lấy ý kiến đảng ủy cơ quan thường trực BCĐ và ý kiến cán bộ chủ chốt (gồm các vụ trưởng, trưởng đơn vị, bí thư đảng ủy, đại diện công đoàn, đoàn thanh niên…).

Quy trình bổ nhiệm phải qua hai bước. Đầu tiên là xin chủ trương. Chẳng hạn, Vụ Kinh tế cần thêm một vụ phó thì phải báo cáo phó ban thường trực xin chủ trương. Chủ trương này phải được tập thể lãnh đạo ban họp, biểu quyết. Có chủ trương rồi, Vụ Kinh tế giới thiệu nhân sự, lấy phiếu giới thiệu về các ứng viên trong quy hoạch. Kết quả lấy phiếu tiếp tục được báo cáo lên để tập thể lãnh đạo ban họp, định hướng chọn người.

Bước tiếp theo, những ứng viên được chọn trở lại lấy phiếu tín nhiệm ở vụ, rồi lại báo cáo kết quả lên trên. Thông thường, tín nhiệm quá bán thì tập thể lãnh đạo sẽ xem xét, quyết định bổ nhiệm, còn không quá bán thì thôi. Ở khâu này, lãnh đạo ban còn đưa nhân sự đó ra lấy ý kiến đảng ủy cơ quan. Chỉ là ý kiến để tham khảo, còn quyết định bổ nhiệm là ở lãnh đạo ban.

“Quy trình trên là rất chặt chẽ. Kể cả trường hợp đặc biệt, như người tài giỏi, trẻ, ngoài quy hoạch… thì vẫn phải bàn bạc, quyết định tập thể. Không bao giờ vì đặc biệt mà cá nhân lãnh đạo ban quyết định vượt mặt tập thể” - vị này cho biết.

Quy trình bổ nhiệm vụ phó phải thế nào? - 1

Nhiều khuất tất cần làm rõ

Đối chiếu quy trình trên với các thông tin bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng đến lúc này, chúng tôi thấy có một số vấn đề cần làm rõ:

Đầu tiên, chủ trương đưa ông Hoàng vào vị trí phó vụ trưởng Vụ Kinh tế và quyết định bổ nhiệm ông Hoàng vào vị trí này đã được thông qua ý kiến các thành viên trong Thường trực BCĐ chưa? Nếu chưa, chủ trương này ai quyết? Theo quyết định bổ nhiệm ông Hoàng giữ chức phó vụ trưởng Vụ Kinh tế ký ngày 15-1-2016 thì ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Trưởng BCĐ Tây Nam Bộ, là người ký quyết định này. Trong báo cáo nhanh của BCĐ Tây Nam Bộ gửi cho các cơ quan trung ương ngày 9-12, cơ quan này cho biết việc bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng được lãnh đạo ban thống nhất và thực hiện đúng quy trình, thủ tục bổ nhiệm cán bộ. Thế nhưng khi trả lời trên báo chí, ông Dương Quốc Xuân, Phó BCĐ Tây Nam Bộ (công tác trong hơn ba năm, đến tháng 1-10-2015 mới nghỉ hưu), cho hay ông không thấy bàn bạc trong tập thể lãnh đạo của BCĐ về việc này. Trước đó, Trung tướng Trần Phi Hổ, nguyên Tư lệnh Quân khu 9, nguyên Phó Trưởng BCĐ Tây Nam Bộ, cũng cho hay ông cùng ông Vũ Minh Chiến (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, cũng là phó BCĐ) không họp trong cuộc họp bàn để có ý kiến việc bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng nhưng vẫn có tên trong biên bản. Ông Hổ cho rằng bổ nhiệm ông Hoàng như thế là sai nguyên tắc.

Thứ hai, cần làm rõ là trước khi bổ nhiệm, ông Hoàng có được lấy phiếu tín nhiệm ở Vụ Kinh tế, nơi ông Hoàng sẽ về làm lãnh đạo quản lý chưa? Nếu có, kết quả này thế nào (quá bán hay không quá bán)? Trong khi đó, vụ trưởng Vụ Kinh tế BCĐ Tây Nam Bộ, cho hay trên báo Tuổi Trẻ (ngày 8-12) ông chỉ biết ông Hoàng là vụ phó ở vụ mình khi thấy trên website của Đài Phát thanh-Truyền hình TP Cần Thơ thông tin lãnh đạo TP Cần Thơ trao quyết định cho một người tên Vũ Minh Hoàng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế BCĐ Tây Nam Bộ, làm phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ.

Theo quy chế làm việc của Cơ quan Thường trực BCĐ Tây Nam Bộ ban hành tháng 7-2012, các chức vụ phó vụ trưởng và phó chánh văn phòng ban phải có bằng đại học, giữ ngạch công chức chuyên viên chính hoặc tương đương, có bằng cao cấp lý luận chính trị. Thẩm quyền bổ nhiệm các chức vụ này là của thường trực BCĐ nhưng quá trình bổ nhiệm phải được thực hiện đúng theo trình tự, thủ tục quy định.

Theo Nhóm phóng viên

Pháp luật TPHCM