Phó Thủ tướng: “Ngứa trên đầu mà gãi dưới chân thì giải quyết được gì?”
(Dân trí) - “Thủ tục xét duyệt còn nhiêu khê lắm, vì vậy người ta không thể quan tâm đầu tư vào được. Các Bộ làm chính sách có biết doanh nghiệp họ cần gì? Ngứa trên đầu mà lại gãi dưới chân thì không giải quyết được vấn đề gì? Cái các đồng chí ngồi trong văn phòng nghĩ thì nó khác xa thực tế…”.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nêu ra vấn đề như vậy khi chủ trì cuộc Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Nghị định chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn diễn ra chiều nay (19/6), tại trụ sở Chính phủ.
Đi 16 bước, xét 40 văn bản
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn có hiệu lực từ tháng 2/2014. Tại thời điểm đó, Nghị định được ban hành là kịp thời với kỳ vọng thu hút thêm nhiều doanh nghiệp, góp phần tăng nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn...
Tuy nhiên, kết quả thu hút đầu tư vào nông nghiệp nông thôn hiện còn rất nhiều hạn chế. Tốc độ tăng trưởng số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp vẫn chậm hơn so với doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác.
Cụ thể, đến tháng 9/2016, chỉ có 4.424 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, chiếm dưới 1% tổng sống doanh nghiệp cả nước. Quy mô doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ và vừa với mức vốn dưới 5 tỷ đồng, 50% doanh nghiệp có quy mô “siêu nhỏ” khi lao động dưới 10 người.
Nguyên nhân của tình trạng này một số quy định chưa phù hợp với thực tế, nguồn kinh phí ngân sách đảm bảo thực hiện chính sách thấp và chậm. Doanh nghiệp phải thực hiện khoảng 16 bước với khoảng 40 văn bản có liên quan để triển khai dự án đầu tư và nhận hỗ trợ, nhất là thủ tục hành chính…
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đưa ra vấn đề: “Các Bộ ngồi làm kế hoạch, chính sách có biết doanh nghiệp họ cần gì? Cái gì là khả thi? Thủ tục xét duyệt còn nhiêu khê lắm, vì vậy người ta không thể quan tâm đầu tư vào được”.
Nhằm điều chỉnh quy định về một số ưu đãi, hỗ trợ đầu tư bổ sung của Nhà nước và quy định trình tự thủ tục đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn Dự thảo Nghị định mới về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được Bộ Kế hoạch và đầu tư xây dựng và đang trong giai đoạn lấy ý kiến để hoàn thiện.
“Ngứa trên đầu lại gãi dưới chân”
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Tôn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Việt Nam - nêu quan điểm: “Chúng tôi xem dự thảo thấy các quy định xa thực tế quá, mà đã xa thực tế thì khó khả thi”.
Với “khuôn khổ” của ngành lâm nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ kiến nghị cần hỗ trợ đầu tư cho 2 vấn đề là hỗ trợ đầu tư trồng rừng cho khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên và đầu tư công nghệ tiên tiến cho các nhà máy chế biến hiện có.
“Muốn phát triển nhà máy chế biến thì phải có nguyên liệu, muốn có nguyên liệu thì phải trồng rừng. Hỗ trợ là cho vay ưu đãi, doanh nghiệp chúng tôi không xin và cũng không cần cho, chúng tôi chỉ muốn có một cơ chế ổn định để phát triển. Việc đầu tư công nghệ sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh” - ông Quyền cho hay.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, các quy định trong dự thảo còn rất chung chung. “Có những quy định còn bất cập tạo ra cơ chế xin - cho, cơ chế xét duyệt và cấp phát, thậm chí tạo điều kiện lợi dụng chính sách. Tôi cảm giác có những điều cứ như đưa ra cho vui chứ không thực hiện được” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng, “ngứa trên đầu mà lại gãi dưới chân thì không giải quyết được vấn đề gì”. Phải xem doanh nghiệp họ cần gì, hỗ trợ thì có tạo chuyển biến hay không, cách thức hỗ trợ và điều kiện hỗ trợ có hợp lí không. “Đây là bộ chính sách khuyến khích đầu tư chứ không phải chỉ là hỗ trợ, cũng không có tiền để hỗ trợ” - Phó Thủ tướng nói rõ.
Đối với nông nghiệp công nghệ cao, Phó Thủ tướng cho biết cần có chính sách ưu tiên để thu hút đầu tư, có gì vướng gì, cần gì, thì phải đưa vào dự thảo Nghị định để bàn bạc. “Thà chậm một chút nhưng bàn hành ra có tác dụng, còn hơn là vừa ban hành lại sửa” - Phó Thủ tướng cho hay.
Châu Như Quỳnh