Nhà mạng chuẩn bị được cấp phép thử nghiệm 5G tại Hà Nội, TPHCM

(Dân trí) - Mạng 5G đang là công nghệ di động tiếp theo mà các nhà mạng hướng tới để triển khai trong thời gian tới. Tại cuộc họp giao ban tháng 7 mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng, quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) yêu cầu cấp phép băng tần 5G ngay trong năm nay cho các nhà mạng trong nước.

Tại cuộc họp giao ban tháng 7 đầu tiên dưới vai trò là Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT, ông Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo, về lĩnh vực viễn thông, cần phải cấp tần số ngay trong quý III để các doanh nghiệp triển khai 4G. Riêng đối với 5G, Quyền Bộ trưởng yêu cầu cần phải quy hoạch và cho phép doanh nghiệp thử nghiệm ngay, trước mắt là tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Đối với mạng 4G, tại Hội thảo Quốc tế 4G LTE 2018 hồi tháng 4, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT&TT), cho biết: “Chúng ta hiện chưa thể có tốc độ 4G thực tế bởi băng tần sử dụng cho 4G còn hạn chế và các doanh nghiệp chủ yếu khai thác trên băng tần 1.800 MHz”. Băng tần này vốn đang dùng cho mạng 2G nên số lượng băng thông dành cho 4G bị hạn chế, chỉ khoảng 10-15MHz, nên tốc độ 4G chỉ đạt 40Mbps, trong khi tốc độ đỉnh của mạng di động thứ 4 này đạt tới 1Gbps.

Người đứng đầu Cục Tần số Vô tuyến điện chia sẻ: “Về lý thuyết, có bao nhiêu trạm cũng có thể sử dụng được băng tần 4G, tuy nhiên trên thực tế, tốc độ truy cập bị giới hạn bởi độ rộng băng tần và số lượng người sử dụng. Đây là lý do tốc độ 4G thực tế vẫn chưa thể đạt được tại Việt Nam”.


Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 7. (Ảnh: Mic.gov.vn)

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 7. (Ảnh: Mic.gov.vn)

Tại Việt Nam, 3 băng tần 850/900 MHz, 1.800 MHz và 2.100 MHz đã được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép cho dùng cho di động. Tuy nhiên, trước nhu cầu người dùng data ngày càng nhiều, các nhà mạng và cả các chuyên gia về viễn thông đều cho rằng mạng 4G cần phải có thêm băng tần mới. Cụ thể, nhà mạng Viettel đã nhiều lần đề xuất xin được cấp phép băng tần chuẩn là 2.600 MHz để bảo đảm chất lượng theo yêu cầu. Nhà mạng này nhấn mạnh, nếu có thêm 20MHz tần số 2.600MHz, tốc độ tối đa của 4G sẽ tăng 3 lần, tức đạt 225Mbps. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đề xuất này vẫn chưa được chấp nhận do công tác đấu thầu băng tần 2.600 MHz đang bị gián đoạn chưa thể triển khai được.

Như vậy, theo chỉ đạo mới nhất từ Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT, các nhà mạng sẽ được cấp tần số mới ngay trong quý III để triển khai 4G. Lúc đó tốc độ 4G sẽ được cải thiện đáng kể.

Đối với mạng 5G, ông Hùng yêu cầu cần phải quy hoạch và cho phép doanh nghiệp thử nghiệm ngay, trước mắt là tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Trong năm 2019, ITU sẽ đưa ra quyết định phân bổ băng tần cho 5G. Và, mạng 5G sẽ được các nước phát triển trên thế giới triển khai từ năm 2020, trong khi đó, các chuyên gia viễn thông cho rằng, thời điểm thích hợp nhất để Việt Nam bắt kịp công nghệ này là năm 2021.

Chia sẻ với báo giới Việt Nam về việc liệu có quá sớm với Việt Nam khi nói về 5G, ông Jim Cathey - Phó Chủ tịch cấp cao và Chủ tịch khu vực Châu Á Thái Bình Dương & Ấn Độ, Qualcomm Technologies, cho rằng: “Không bao giờ là quá sớm để hoạch định tương lai và thực hiện quy hoạch. Việc lập kế hoạch sớm giúp thiết lập những nền tảng cần thiết cho các công nghệ tương lai. Việc triển khai 5G càng được chuẩn bị kỹ lưỡng, thì việc triển khai thực tế càng mạnh mẽ và hiệu quả hơn, không chỉ cho thị trường trong nước, mà có thể tạo ra những mô hình có khả năng nhân rộng ra thị trường nước ngoài”.

Ông Thiều Phương Nam, CEO Qualcomm khu vực Đông Dương cho rằng: “Việt Nam đã ra mắt 4G hơi chậm hơn so với các nước. Do đó không nên để chậm chân với 5G. Bước triển khai đầu tiên vào năm 2020 là hướng đi thích hợp.

Phân tích trong Báo cáo Thương mại về Tiềm năng 5G của Ericsson cũng chỉ ra rằng, các nhà mạng Việt Nam sẽ có cơ hội đạt thêm 3,17 tỷ USD doanh thu khi sử dụng 5G để giải quyết các ngành số hóa công nghiệp. Và, cơ hội lớn nhất về doanh thu cho các nhà khai thác viễn thông trên công nghệ 5G nhằm trong các lĩnh vực sản xuất và năng lượng tiện ích.

Với những lợi ích đem lại, rõ ràng Việt Nam cần có những bước đi phù hợp, có phương án đầu tư chiến lược để nắm lấy cơ hội và tận dụng ưu thế về công nghệ, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, tạo đà đột phá cho cả hệ sinh thái của nền kinh tế số phát triển.

Về phía nhà mạng, Viettel là đơn vị đầu tiên cho biết muốn phát triển sớm mạng 5G vào năm 2020. Ông Phạm Văn Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel Telecomcho rằng: “Đến thời điểm này, Việt Nam đã có hạ tầng cáp quang mạnh phủ đến tận gia đình, xóm xã. Việt Nam đã triển khai mạng 4G chậm nên Viettel muốn triển khai sớm mạng 5G vào năm 2020”.

Khôi Linh