Lương tối thiểu: 2 kịch bản cho “mùa” tăng lương 2018?

(Dân trí) - Trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia - cho rằng “mùa” tăng lương tối thiểu 2018 sẽ có nhiều yếu tố mới so với năm cũ bởi nhiều lý do. Do vậy, hai kịch bản tăng lương tối thiểu vùng có thể được tính đến.


Mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 2017 là 7,3 % so với mức tăng lương năm 2016.

Mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 2017 là 7,3 % so với mức tăng lương năm 2016.

Thưa ông, Bộ LĐ-TB&XH đã yêu cầu các địa phương báo cáo tình hình để có căn cứ cho đợt điều chỉnh lương tối thiểu 2018. Năm 2017, mức tăng lương tối thiểu trung bình là 7.3 %, vậy ông dự đoán ra sao về tình hình tăng lương tối thiểu năm 2018?

- Tôi cho rằng sẽ có 2 kịch bản để cho tăng lương tối thiểu năm 2018. Một kịch bản tốt với mức tăng tương tự khoảng 7,3 % - như mức đề xuất tăng cho năm 2017. Điều này phải đi kèm với các yếu tố như: Tình hình sản xuất chung không có biến động theo hướng quá bất lợi, Chính phủ điều hành kinh tế vĩ mô tốt và tiếp tục kìm chế lạm phát.

Đồng thời, tỷ số giá tiêu dùng diễn ra theo nhận định của Nghị quyết Quốc hội. Khi đó, mức đề xuất tăng như trên là phù hợp.

Ngoài ra cũng cần tính tới kịch bản khác khi tình hình có thể không thuận lợi. Tuy nhiên, lúc này còn sớm để kết luận, chúng ta cần theo dõi để có câu trả lời chính xác vào khoảng tháng 5,6 tới đây.

Vì sao lại có 2 kịch bản tăng lương tối thiểu cho năm 2018 như trên, trong khi năm 2016, ông từng nhận định mức tăng sẽ chỉ có 1 kịch bản tăng lương tối thiểu 2017, thưa ông?

Lương tối thiểu: 2 kịch bản cho “mùa” tăng lương 2018? - 2

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia

- Nền kinh tế của Việt Nam đang chủ yếu dựa vào xuất khẩu. Trong khi đó, nhiều nước lớn như Mỹ đang thay đổi chính sách kinh tế. Dự đoán điều này tác động không nhỏ tới xuất khẩu của nhiều nước trong đó có Việt Nam.

Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng nhiều lao động như da giày, may mặc, điện tử… xác định lương tối thiểu là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ tới “đầu vào” chi phí của doanh nghiệp.

Vì vậy chúng ta phải theo dõi sát tình hình để cân nhắc quyết định trên cơ sở hài hoà khả năng “sức khoẻ’ của doanh nghiệp và đời sống người lao động.

Thưa ông, một vấn đề luôn gây tranh cãi giữa các bên trong các "mùa" tăng lương tối thiểu là: Bao giờ lương tối thiểu đáp ứng được mức sống tối thiểu? Tới thời điểm này, nhiều chuyên gia cho rằng mức đáp ứng trên đã được khoảng 80 %. Vậy, câu chuyện trên sẽ được nhìn nhận ra sao trong “mùa” tăng lương 2018?

- Những năm trước đây, chúng ta hay nói với nhau về một lộ trình tăng lương tối thiểu sẽ tiệm cận và đáp ứng được mức sống tối thiểu vào năm 2018. Sau đó, lương tối thiểu sẽ chỉ tăng theo chỉ số sinh hoạt. Nhận định đó chưa đầy đủ. Lương tối thiểu không chỉ tăng khi chỉ số giá sinh hoạt tăng mà phải luôn tăng khi đất nước phát triển.

Nhận thức lúc đầu là như vậy, nhưng vận động cuộc sống luôn luôn thay đổi. Thí dụ khi chúng ta đưa ra mốc năm 2018 như thế này, thì để mục tiêu phấn đấu đạt được mức thế, rồi sau năm 2018 sẽ phải tính tiếp, không dừng được.

Tôi xin đưa ra 1 thí dụ: Lương tối thiểu của Hàn Quốc là 1.200 USD là có thể đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người lao động. Tại Việt Nam, mức tính toán trên cho thấy là khoảng 4 triệu đồng (tương đương với 200 USD). Trong khi đó, mức GDP của Hàn Quốc là gần 20.000 USD, Việt Nam trên 2.000 USD một chút. Trong khi đó, mức sống tối thiểu của chúng ta luôn tăng lên.

Điều này cũng cho thấy thực tế: Khi kinh tế phát triển, mức sống tối thiểu sẽ luôn biến động và có xu hướng tăng lên. Vì vậy, lương tối thiểu chỉ có thể luôn tiệm cận với mức sống tối thiểu chứ khó có thể đáp ứng hoàn toàn.

Một lý do được VCCI đưa ra như điều kiện để tăng lương tối thiểu là năng suất lao động còn thấp. Trong khi đó, nhiều chuyên gia Tổng LĐLĐ VN lại cho rằng chỉ khi đạt được mức sống tối thiểu thì mới bàn tới câu chuyện tăng năng suất lao động, thưa ông?

- Năng suất lao động không chỉ phụ thuộc vào yếu tố người lao động, cần tính tới yếu tố khoa học công nghệ. Năng suất lao động là một khái niệm rất rộng. Đến giờ chúng ta chưa có nghiên cứu đầy đủ năng suất lao động như thế nào; năng suất lao động trên phạm vi ngành, phạm vi doanh nghiệp, phạm vi toàn bộ nền kinh tế ra sao. Đây vẫn là vấn đề còn để ngỏ.

Trong đàm phán tăng lương, tôi đã từng nói nhiều lần, các bên cần cân đối các yếu tố và lắng nghe ý kiến của nhau. Rất khó để có thể duy trì quan điểm 1 phía. Thay vào đó, các bên cần có sự hài hoà và tìm ra điểm chung với nhau.

Nguyên nhân số cuộc đình công đầu năm 2017 giảm rõ rệt so với năm 2016?

Ông Phạm Minh Huân nhận định: “Đầu tiên phải khẳng định là Chính phủ đã quyết liệt ban hành những chính sách tác động có tính vĩ mô. Đây là yếu tố quan trọng nhất. Trên cơ sở đó, các địa phương và bộ ngành triển khai trong lĩnh vực theo dõi. Yếu tố thứ 2 là việc người sử dụng lao động đã có sự điều chỉnh nhất định theo hướng quan tâm hơn đến người lao động. Cả hai bên đều biết và điều chỉnh khi đòi hỏi quyền lợi đặt trong bối cảnh của nền kinh tế nói chung và hoàn cảnh của doanh nghiệp.

Cuối cùng, hệ thống chính sách của các địa phương cũng quan tâm nhiều đến vấn đề nhà ở, các công trình phúc lợi, giao thông ... Tất cả những thứ đó tác động dần dần làm những bức xúc của người lao động và sự không chia sẻ của người sử dụng lao động đều giảm đi. Tôi cho đó là một xu hướng tốt”.

Xin cảm ơn ông

Hoàng Mạnh thực hiện