1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

“Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi sẽ kiểm soát cả em chồng”

(Dân trí) - Trước kẽ hở “em chồng” không thuộc đối tượng “người thân” lãnh đạo bị kiểm soát xung đột lợi ích theo Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành, trao đổi với PV Dân trí, đại diện Thanh tra Chính phủ khẳng định việc này sẽ được sửa đổi trong thời gian sắp tới.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Minh Hùng - nguyên Tổng giám đốc VNPharma (vừa bị TAND TPHCM kết án 12 năm tù trong vụ nhập lậu thuốc ung thư giả) khẳng định, em ruột của chồng Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến là Phó Tổng giám đốc công ty này.

Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 30/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng thì người thân của lãnh đạo đảm nhiệm chức vụ không được tham gia tại các doanh nghiệp thuộc quyền quản lý của người này chỉ bao gồm bố, mẹ, vợ, chồng, con chứ không đề cập đến các đối tượng như em chồng.

“Bản thân tôi chưa bao giờ hỏi Bộ trưởng về việc này. Bộ trưởng cũng chưa bao giờ trao đổi, báo cáo trong Ban Cán sự Đảng bộ Y tế” - Thứ trưởng Tiến nói.

Trả lời báo chí Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết, trước đó bà có nói gia đình không liên quan đến hoạt động của công ty VN Pharma vì thực tế Luật Phòng, chống tham nhũng không cấm em chồng tham gia công ty thuộc lĩnh vực có người thân quản lí, nên việc này là không vi phạm. Theo luật thì em chồng tham gia công ty nào đó là quyền cá nhân…

Theo Bộ trưởng Tiến, em chồng bà tham gia công ty VN Pharma 10 tháng và nghỉ sau khi công ty xảy ra sự việc bị cơ quan chức năng xác minh làm rõ vụ nhập thuốc ung thư. Vẫn theo Bộ trưởng Tiến, em chồng bà "không phụ trách gì liên quan đến lĩnh vực đấu thầu thuốc hay lĩnh vực dược".

Câu chuyện em chồng không phải “người thân” Bộ trưởng theo Luật Phòng chống tham nhũng lập tức trở thành đề tài thảo luận nóng bóng suốt những ngày qua.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Trao đổi với PV Dân trí, một lãnh đạo cấp vụ của Thanh tra Chính phủ - đang tham gia soạn thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) - cho biết vấn đề trên sẽ được điều chỉnh trong thời gian sắp tới.

“Có nhiều mối quan hệ bạn bè, quan hệ xã hội còn sâu sắc hơn cả với người thân thích. Chính vì thế, chuyện xây dựng luật có các quy định kiểm soát người thân thích chỉ là một công cụ thôi, không phải để “quét” tất cả các vấn đề, mà phải có những cơ chế khác nữa. Tức là phải kiểm soát để làm sao người đứng đầu không bị tác động bởi các mối quan hệ vào vị trí công tác. Phải kiểm soát để hoạt động công vụ không tác động được vào hoạt động kinh doanh. Chúng ta phải nhìn rộng ra một chút, nếu chỉ tính đến việc kiểm soát góc độ thân thích thì rất khó ở làm chính sách”- vị lãnh đạo này nói với PV Dân trí.

Về trường hợp em chồng Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến không thuộc “danh mục người thân” quy định trong Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành, vị này khẳng định, dự thảo luật sửa đổi sẽ được trình ra Quốc hội trong thời gian tới đã đề xuất nhiều công cụ, hướng kiểm soát chặt hơn so với luật hiện hành.

“Chúng tôi đã đưa vào dự thảo luật những đối tượng kiểm soát lợi ích như em chồng, em dâu, chị dâu,… của người đứng đầu để lấy ý kiến của Quốc hội. Đưa họ vào diện kiểm soát vi phạm về xung đột lợi ích, việc được làm và không được làm. Tuy vậy, trong những tình huống cụ thể, vụ việc cụ thể, nếu có bằng chứng cho thấy người ta sử dụng quan hệ của người ta, chưa biết quan hệ về huyết thống hay xã hội, nhằm bóp méo hoạt động kinh doanh, tiêu cực của doanh nghiệp theo hướng có lợi chẳng hạn thì phải xử lý bình thường thôi”- vị này nói.

Kiểm soát chặt “sân sau” của nhà quản lý

Trung tướng Trần Văn Độ - nguyên Chánh án Toà án Quân sự Trung ương (Bộ Quốc phòng) đồng tình với những đề xuất được đưa ra trong dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn vấn đề xung đột lợi ích.

Theo ông Độ, khái niệm người thân thích hiện nay đang có độ vênh, phạm vi rộng hẹp khác nhau giữa Luật Phòng chống tham nhũng và Bộ luật Dân sự.

“Rõ ràng có nhiều mối quan hệ bạn bè, quan hệ xã hội còn thân thiết, sân sắc, phong phú hơn rất nhiều người ruột thịt. Chính vì thế luật phải có cơ chế để kiểm soát chặt chẽ những “sân sau” của nhà quản lý”- ông Độ nói.

Ông Độ kiến nghị đưa vào Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) cơ chế bắt buộc những giao dịch lớn phải thông qua tài khoản, hạn chế dần giao dịch tiền mặt như hiện nay.

“Vấn đề cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước vừa rồi chúng ta đã thấy, có nhiều người tuổi chỉ đôi mươi nhưng đã có hàng trăm tỷ đồng để mua cổ phiếu, vậy thì tiền đó ở đâu ra?. Đó là kẽ hở trong quản lý, chưa kịp thời ngăn chặn, xử lý được”- ông Độ nói.

Đặc biệt, Trung tướng Trần Văn Độ đề nghị cho phép cơ quan thanh tra, kiểm toán trong quá trình thanh tra phát hiện dấu hiệu vi phạm hình sự thì được phép chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan công an điều tra, làm rõ. Việc này không chỉ giúp cơ quan công an kịp thời kê biên, phong toả tài sản tránh bị tẩu tán, mà còn giúp đối tượng bị thanh tra, kiểm toán có sai phạm “không có điều kiện” để chạy chọt trong quá trình thảo luận về dự thảo kết luận. Nếu cơ quan công khai điều tra thấy không có dấu hiệu hình sự thì chuyển hồ sơ để thanh tra, kiểm toán kiến nghị xử lý hành chính bình thường.

Được biết hiện nay Thanh tra Chính phủ đang chờ chỉ đạo của Chính phủ để vào cuộc làm rõ những vấn đề liên quan đến cấp phép nhập khẩu thuốc của Bộ Y tế, trong đó có việc cấp phép cho VNPharma nhập khẩu thuốc ung thư giả thu hút sự quan tâm của dư luận suốt thời gian qua.

Điều 37 Luật phòng chống tham nhũng quy định về những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm:

2. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, vợ hoặc chồng của những người đó không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.

3. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hoá, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.

4. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp.

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm