Không để Tổng cục Cảnh sát, Tổng cục An ninh quản lý 4 trại giam?

(Dân trí) - “Hầu hết ý kiến của đại biểu Quốc hội và ý kiến của các thành viên trong Ủy ban Tư pháp đều đề nghị giao toàn bộ 4 trại giam này về Tổng cục VIII quản lý, không để Tổng cục An ninh và Tổng cục Cảnh sát quản lý”- Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền bày tỏ.

 

Ông Nguyễn Hải Phong - Phó viện trưởng VKSND Tối cao, đề nghị giao 4 trại tạm giam hiện nay cho Tổng cục VIII - Bộ Công an, quản lý để tránh bức cung, nhục hình (Ảnh chụp qua màn hình)
Ông Nguyễn Hải Phong - Phó viện trưởng VKSND Tối cao, đề nghị giao 4 trại tạm giam hiện nay cho Tổng cục VIII - Bộ Công an, quản lý để tránh bức cung, nhục hình (Ảnh chụp qua màn hình)

 

Chiều 14/10, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật tạm giữ, tạm giam, ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp - cho biết nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị về cơ bản giữ mô hình quản lý Nhà tạm giữ, Trại tạm giam như hiện nay nhưng có sự tách bạch tương đối độc lập về mặt tổ chức giữa cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và cơ quan điều tra; giao các Trại tạm giam thuộc Bộ Công an về cho cơ quan quản lý thi hành tạm giữ, tạm giam Bộ Công an quản lý và bảo đảm tính độc lập hơn của Nhà tạm giữ, Trại tạm giam với cơ quan điều tra ở tất cả các cấp.

Ý kiến khác đề nghị cần tổ chức lại Nhà tạm giữ, Trại tạm giam theo hệ thống dọc do Bộ Công an quản lý từ trung ương tới địa phương để bảo đảm tính độc lập, tránh việc cơ quan điều tra lạm dụng việc quản lý để bức cung, dùng nhục hình.

Qua khảo sát của Ủy ban Tư pháp tại một số Nhà tạm giữ, Trại tạm giam cho thấy, trại tạm giam, nhà tạm giữ ở các tỉnh, huyện đang do cơ quan quản lý thi hành án và hỗ trợ tư pháp công an cấp tỉnh, cấp huyện quản lý, về cơ bản đã tách khỏi hệ thống cơ quan điều tra cùng cấp. “Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng giữ mô hình hiện nay, Nhà tạm giữ thuộc quản lý của công an cấp huyện và Trại tạm giam thuộc quản lý của công an cấp tỉnh là phù hợp”- ông Hiện nói.

Đáng chú ý, 4 Trại tạm giam thuộc Bộ Công an hiện nay vẫn đang do Cơ quan Cảnh sát điều tra thuộc Tổng cục Cảnh sát và Cơ quan An ninh điều tra thuộc Tổng cục An ninh quản lý là chưa phù hợp với ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về việc cần phải tách hoạt động tạm giữ, tạm giam độc lập với hoạt động điều tra và cần giao cho cơ quan quản lý thi hành án hình sự của Bộ Công an quản lý để bảo đảm hoạt động độc lập với cơ quan điều tra, nhằm phòng chống bức cung, dùng nhục hình.

“Cơ quan soạn thảo dự án luật - Bộ Công an đề nghị vẫn giao 4 trại tạm giam thuộc Bộ Công an cho Tổng cục An ninh, Tổng cục Cảnh sát trực tiếp quản lý để thuận lợi cho công tác điều tra. Đây là vấn đề đang xin ý kiến của Bộ Chính trị”- ông Hiện thông báo.

Thống nhất việc giao Nhà tạm giữ thuộc quản lý của công an cấp huyện và Trại tạm giam thuộc quản lý của công an cấp tỉnh, nhưng ông Nguyễn Hải Phong - Phó viện trưởng VKSND Tối cao, đề nghị phải giao nốt 4 trại tạm giam cho Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII) quản lý. “Dù cũng đều thuộc Bộ Công an cả thôi nhưng thống nhất quản lý một đầu mối như thế để chống bức cung, nhục hình, khắc phục được những nhược điểm hiện nay”- ông Phong nêu quan điểm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Quyền - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, cho biết 4 trại tạm giam trên trước đây thuộc văn phòng Bộ Công an quản lý; bây giờ Bộ Công an có ý kiến rằng không giao cho văn phòng nữa, mà giao cho Tổng cục An ninh và Tổng cục Cảnh sát quản lý.

“Ý kiến của Ủy ban Tư pháp cho rằng việc đó vẫn không đảm bảo tính khách quan. Cũng là thuộc Bộ Công an cả thôi nhưng Tổng cục VIII giúp Chính phủ, Bộ Công an thi hành và quản lý trại giam, không liên quan gì đến quá trình điều tra cả, độc lập hơn, tránh được truy bức nhục hình. Hầu hết ý kiến đại biểu Quốc hội và hầu hết ý kiến của các thành viên trong Ủy ban Tư pháp đều đề nghị giao toàn bộ 4 trại giam này về Tổng cục VIII, không để Tổng cục An ninh và Tổng cục Cảnh sát quản lý”- ông Nguyễn Đình Quyền bày tỏ.

Thế Kha