Giáo viên mà cả học kỳ “câm nín” thì đòi nâng chất lượng như thế nào?
(Dân trí) - “Chất lượng không chỉ nằm ở chương trình, sách giáo khoa mà còn ở người giáo viên, ở phương pháp giảng dạy. Giáo viên mà cả học kỳ không giảng thì chất lượng giảng dạy như thế nào? Rồi thi cử thì phải giảm tải như thế nào chứ giờ cứ làm nặng nề thêm, căng thẳng thêm”.
Đó là phát biểu của bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân TPHCM tại hội thảo Góp ý dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục do đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức sáng nay (13/4).
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự tại hội thảo cũng cho rằng lĩnh vực giáo dục là một trong hai ngành được xã hội trân trọng nên gọi là thầy, thế nhưng gần đây có những “vết” làm xã hội lo lắng. Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung phải làm sao nâng chất lượng nhân lực và cả đạo đức.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM băn khoăn: “Ở ta chỉ 2 lĩnh vực giáo dục và y tế được xã hội trân trọng nên gọi là thầy, thế nhưng đôi lúc có những “vết” ở cả hai phía làm xã hội lo lắng.
Như mới đây cô giáo ở Hải Phòng pha nước giẻ lau bảng cho học trò uống hay vụ việc học sinh bóp cổ cô giáo, đâm cả thầy giáo… Nhiều vụ việc gần đây chỉ là cá biệt nhưng đã làm xã hội lo lắng vì ảnh hưởng đến tôn sư trọng đạo vốn là nét đẹp truyền thống nghìn đời của dân tộc luôn đề cao”.
Theo ông Khuê, “dự thảo Luật sửa đổi một số điều của Luật Giáo dục lần này không chỉ nhấn mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trau chuốt cho đội ngũ nhân tài mà còn vấn đề đạo đức trong giáo dục”.
Tại hội thảo, GS Phạm Phụ cho rằng, chương trình giáo dục phổ thông hiện nay quá nặng nề, hàn lâm. GS Phụ chia sẻ: “Môn Tiếng Việt thì sau này các em sẽ trở thành những nhà ngôn ngữ học; toán học thì sau này sẽ trở thành những nhà toán học.
Những vấn đề đau lòng như học sinh tự tử tại trường N.K. hay chuyện dạy thêm, học thêm sẽ không thể xảy ra. Do đó, phải sửa lại, giảm đi khối lượng và tính hàn lâm của chương trình. Giảm thật nhiều vào thì sẽ giải quyết được hàng loạt vấn đề xảy ra thời gian qua”.
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM cũng trăn trở: “Thực tiễn giáo dục hiện nay cho thấy chương trình giáo dục của ta hiện nay nặng nề quá, chạy theo thành tích còn nặng lắm. Nói là phát huy sáng tạo nhưng thực tế là học thuộc lòng nhiều, triệt tiêu sáng tạo ngay trong trường.
Trong giáo dục nhưng tôi thấy dường như chưa thấy dạy làm người, nói là học đi đôi "hành" nhưng tôi cũng chưa thấy "hành" như thế nào. Ta cứ học thật nhiều, kiến thức thật nhiều. Rồi bạo lực học đường không giảm và gần đây xảy nhiều chuyện đau lòng.
Dự thảo nêu chương trình giáo dục, sách giáo khoa cũng tiến bộ nhưng trong thực tế hiện nay như thế nào? Chuẩn kiến thức của từng cấp học phải thỏa mãn điều gì, ai là người thẩm định sách giáo khoa, các môn học như văn, sử khi xã hội hóa thì có được dạy đầy đủ?
Chất lượng không chỉ nằm ở sách giáo khoa mà còn ở người giáo viên, ở phương pháp giảng dạy. Giáo viên mà cả học kỳ không giảng thì chất lượng giảng dạy như thế nào? Rồi thi cử thì phải giảm tải như thế nào chứ giờ cứ làm nặng nề thêm, căng thẳng thêm".
Được biết, đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM lắng nghe ý kiến của các chuyên gia giáo dục từ lĩnh vực, chuyên môn và tập hợp để góp ý tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 tới.
Lê Phương