1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Đánh rơi điện thoại trên máy bay nguy hiểm hơn bạn nghĩ

(Dân trí) - Hành khách trên hầu hết các chuyến bay đều được yêu cầu tắt điện thoại khi máy bay cất/hạ cánh vì lo ngại sóng điện thoại có thể làm nhiễu sóng liên lạc của máy bay. Nhưng một điều mà ít người ngờ đến, đó là nếu vô tình làm rơi điện thoại trên máy bay cũng có thể rất nguy hiểm.

Các hành khách trên chuyến bay của hãng hàng không Qantas (Úc) đi từ Sydney đến New York tuần trước đã rất bất ngờ khi được các tiếp viên yêu cầu “hãy nhờ sự giúp đỡ của phi hành đoàn để tìm kiếm điện thoại nếu họ vô tình làm thất lạc điện thoại trên máy bay, thay vì tự tìm kiếm”.

Đây là một thông báo khá lạ với phần lớn các hành khách, khi mà trước đây họ chỉ thường được yêu cầu tắt điện thoại trong khi máy bay cất/hạ cánh. Vậy lý do vì sao hãng hàng không Qantas lại đưa ra yêu cầu kỳ lạ như vậy?

Chiếc điện thoại bốc cháy do chịu áp lực từ ghế ngồi trên máy bay của hãng hàng không Qantas
Chiếc điện thoại bốc cháy do chịu áp lực từ ghế ngồi trên máy bay của hãng hàng không Qantas

Trước đó vào tháng 5 vừa qua, trên chuyến bay từ Sydney (Úc) đến sân bay quốc tế Dallas-Fort Worth (bang Texas, Mỹ) của hãng hàng không Qantas, các tiếp viên hàng không đã được cảnh báo khi phát hiện thấy khói xuất hiện trong cabin. Cục An toàn Vận tải Úc (ATSB) sau khi tiến hành điều tra vụ việc đã kết luận rằng nguồn gốc của khói bắt đầu từ ghế ngồi 19F ở khoang thương gia khi một chiếc điện thoại di động bị nghiền chặt ở vị trí khớp gập của ghế ngồi. Chiếc điện thoại này đã không còn bốc khói khi được lấy ra, nhưng mùi hóa chất nặng vẫn bám chặt bên trong cabin.

ATSB, cơ quan chịu trách nhiệm điều tra tất cả các sự cố an toàn hàng không tại Úc, nói rằng phi hành đoàn sau đó đã đặt chiếc điện thoại vào trong một bình nước trước khi đặt nó vào một hộp kim loại kín cho phần còn lại của chuyến bay, trước khi máy bay hạ cánh 2 giờ sau đó.

Trường hợp này cho thấy khi một pin lithium-ion (được sử dụng trên các loại điện thoại di động, máy tính bảng ngày nay) rất dễ bị hư hỏng khi chịu một áp lực lớn. Điều này có thể khiến pin trở nên quá nóng và trong một số trường hợp pin bắt đầu bốc khói hoặc thậm chí phát lửa. Mặc dù ghế máy bay có khả năng chống cháy nhưng chừng đó là chưa đủ để ngăn khối bốc lên hoặc nhiệt độ tỏa ra từ viên pin bị sự cố.

“Chúng tôi yêu cầu mọi người dể ý điện thoại của họ ở chỗ ngồi của mình và nếu họ để rơi điện thoại, hãy thông báo cho phi hành đoàn biết về không di chuyển ghế ngồi của mình”, một phát ngôn viên của Qantas trở lời tờ báo Telegraph. “Chúng tôi nhận thấy trường hợp này xảy ra nhiều hơn trên các chuyến bay dài và trên khoang thương gia, nơi mọi người thường để điện thoại của họ sang một bên và vô tình làm trượt xuống cạnh ghế mà không hay biết”.

“Thành viên phi hành đoàn của chúng tôi đã được huấn luyện để xử lý tình huống này và có thể xử lý tình huống một cách tuyệt vời. Nhưng rõ ràng chúng tôi muốn tránh hoàn toàn sự cố có thể xảy ra này”, đại diện của hãng hàng không này cho biết thêm.

Trên thực tế tình trạng cháy nổ do liên quan đến pin lithium-ion xảy ra khá phổ biến trong thời gian gần đây. Đầu tháng 9 vừa qua, Samsung đã phải tạm ngưng bán và thu hồi chiếc smartphone cao cấp Galaxy Note7 của hãng vì sự cố liên quan đến pin khiến sản phẩm có thể bị bốc cháy trong lúc đang cắm sạc. Hãng xe điện Tesla cũng đã phải thu hồi xe của mình vì sự cố pin có thể gây cháy nổ.

Do vậy, lời khuyên được đưa ra đó là nếu bạn vô tình làm rơi điện thoại của mình trên máy bay, đừng điều chỉnh ghế ngồi để tìm kiếm nó mà hãy để yên vị trí ghế ngồi để tìm kiếm hoặc nhờ đến sự giúp đỡ của một ai đó xung quanh.

T.Thủy