1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Đằng sau các cuộc hội ngộ của anh em Thaksin-Yingluck ở châu Á

(Dân trí) - Dư luận Thái Lan những ngày gần đây xôn xao với thông tin anh em cựu Thủ tướng Thaksin và Yingluck Shinawatra xuất hiện ở một số quốc gia châu Á ngay trước thềm cuộc tổng tuyển cử ở nước này. Sự xuất hiện này làm dấy lên nhiều đồn đoán về kế hoạch của anh em nhà Shinawatra.


Anh em Thaksin mua sắm ở Bắc Kinh (Ảnh: Matichon)

Anh em Thaksin mua sắm ở Bắc Kinh (Ảnh: Matichon)

Truyền thông Thái Lan đưa tin, hồi đầu tháng này, cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra và anh trai là cựu Thủ tướng Thaksin được nhìn thấy ở Trung Quốc, Nhật Bản và Singapore. Đây là lần xuất hiện hiếm hoi của cả hai anh em họ kể từ khi bà Yingluck chạy khỏi đất nước hồi tháng 8 năm ngoái ngay trước phiên tòa luận tội.

Giới quan sát cho rằng, sự xuất hiện của anh em nhà Shinawatra ở các nước châu Á có thể là chuẩn bị cho kế hoạch của đảng Pheu Thai trước cuộc tổng tuyển cử vào đầu năm sau.

Ông Thaksin bị phế truất và phải sống lưu vong ở nước ngoài từ năm 2008 để tránh bị luận tội. Tuy vậy, ông được cho là vẫn có tác động lớn đến đảng Pheu Thai - tiền thân là đảng Thai Rak Thai do ông Thaksin lãnh đạo. Patrick Jory, chuyên gia nghiên cứu chính trị tại Đại học Queenland (Australia) nhận định, các cuộc gặp gỡ ở Hong Kong và Singapore giữa ông Thaksin và các lãnh đạo Pheu Thai cho thấy đảng này vẫn chịu sự chi phối lớn từ ông Thaksin.

"Cần phải hiểu rằng, "thương hiệu" Thaksin có sức mạnh thế nào đối với những người ủng hộ ông ấy", chuyên gia Jory nhận định.


Ông Thaksin chụp ảnh cùng một thành viên đảng Pheu Thai trong tháng này. (Ảnh: Facebook)

Ông Thaksin chụp ảnh cùng một thành viên đảng Pheu Thai trong tháng này. (Ảnh: Facebook)

Ông Thaksin là thủ tướng Thái Lan từ năm 2001 đến khi bị phế truất năm 2006. Ông bị cấm tham gia chính trường và đối mặt với phiên tòa luận tội. Hai năm sau, ông bắt đầu chạy ra nước ngoài, sống lưu vong và bị kết án vắng mặt.

“Ông ấy không thể tự tranh cử năm 2007 và 2011, nhưng tầm ảnh hưởng của ông ấy vẫn còn. Ít nhất là với đảng của ông ấy”, Duncan McCargo, giáo sư Đại học Leeds nhận định.

Truyền thông Thái Lan dẫn lời các quan chức đảng Pheu Thai gặp gỡ ông Thaksin cho biết, cựu lãnh đạo của họ hối thúc họ đoàn kết. "“Ông Thaksin yêu cầu các nghị sĩ đoàn kết và không phá vỡ sự đoàn kết đó. Ông ấy yêu cầu các nghị sĩ gặp gỡ cử tri vì cuộc bầu cử đang đến gần”, ông Prayuth Siripanich, một thành viên chủ chốt của Pheu Thai, cho biết. Theo lời quan chức này, tuần trước, 10 cựu nghị sĩ của đảng này đã đáp máy bay đến Hong Kong để gặp gỡ ông Thaksin.

Trước đó, một số nguồn thạo tin cho biết, anh em nhà Shinawatra cũng gặp gỡ cựu Thủ tướng Thái Lan Somchai Wongsawa hôm 10/2. Giới quan sát cho rằng, những cuộc gặp gỡ này có thể là một phần trong kế hoạch của anh em nhà Shinawatra nhằm tập hợp sự ủng hộ cho các hoạt động chính trị.

Tuy nhiên, Pheu Thai đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc cho rằng đảng này đang bị cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra "giật dây". Ông Phumtham Wechayachai, Tổng thư kí đảng Pheu Thai, khẳng định cuộc gặp gỡ giữa các thành viên đảng này với ông Thaksin không liên quan đến chính trị. “Các quyết định của Pheu Thai luôn được đưa ra dựa trên quan điểm của các thành viên và của những người ủng hộ. Do vậy, bên ngoài không thể can thiệp vào công việc nội bộ của đảng”, ông Phumtham nói.

Minh Phương

Theo SCMP