Đại gia Carlsberg "lật bài ngửa" trong thương vụ với Habeco

(Dân trí) - Carlsberg đang đàm phán với Bộ Công Thương để mua lại 61,79% cổ phần của Habeco và lên kế hoạch mua tham gia đấu thầu cạnh tranh mua 20% cổ phần còn lại. Tuy nhiên, CEO của hãng bia ngoại này không ngần ngại cho rằng, mức giá Habeco trên thị trường hiện này là "không phải ánh giá trị thực"

Đại gia Carlsberg "lật bài ngửa" trong thương vụ với Habeco - 1

Thông điệp mới nhất từ Carlsberg

Trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg mới đây, ông Tayfun Uner - Giám đốc điều hành của Carlsberg Việt Nam – nói việc giá cổ phiếu Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco - mã BHN) tăng gần gấp 3 lần kể từ ngày niêm yết đầu tiên (28/10) trên sàn UPCoM không phản ánh chính xác giá trị thực của công ty này.

Ngay khi lên sàn, cổ phiếu BHN đã liên tiếp tăng trần, trong tháng 11, có thời điểm lên tới 144.700 đồng/cổ phiếu, hiện đang ở mức giá 105.000 đồng/cổ phiếu.

Ông Tayfun Uner cho rằng, giá cổ phiếu của Habeco tăng mạnh là do “hoạt động mua đầu cơ với khối lượng giao dịch rất thấp” và mức giá niêm yết chào sàn hôm 28/10 vừa qua 39.000 đồng/cổ phiếu là hợp lý.

Trước đó, trong tháng 8, Bộ Công Thương tuyên bố muốn bán 82% cổ phần trong Habeco với giá 404 triệu USD, tương đương khoảng 48.000 đồng/cổ phiếu. Mức giá này cũng được ông Uner cho rằng chấp nhận được.

Ngoài ra, CEO Carlsberg Vietnam cho rằng, giá cổ phiếu Habeco phải phản ánh được tình hình thực tế và thực tế được chỉ ra là "công ty đã để mất vị trị thứ hai trên thị trường bia sau đợt bán cổ phần vào năm 2008".

Tại bài viết này, phía Carlsberg cũng tiết lộ, hiện Carlsberg đang đàm phán với Bộ Công Thương để mua lại 61,79% cổ phần của Habeco và lên kế hoạch mua tham gia đấu thầu cạnh tranh mua 20% cổ phần còn lại. Carlsberg đang sở hữu 17,51% cổ phần Habeco.

"Nếu Bộ Công Thương không thể bán toàn bộ 20% cổ phần tại phiên đấu giá đó, Carlsberg sẵn sàng mua lại số 61,79% cổ phần với mức giá tương đương thương vụ mua cổ phiếu đầu tiên của Habeco vào năm 2008", ông Uner cho biết.

Không chỉ bày tỏ quan điểm về mức giá của Habeco, ông Uner cũng nhắc tới “kỳ vọng Chính phủ Việt Nam sẽ tôn trọng quyền ưu tiên của Carlsberg” và khẳng định “muốn giữ và phát triển thương hiệu Bia Hà Nội”.

Bloomberg cũng dẫn nhận định của ông Marc Djandji, Giám đốc khối khách hàng tổ chức của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt: “Có khả năng chính phủ sẽ tham khảo thị giá cho đợt bán cổ phần sắp tới. Với cơ cấu cổ đông cô đặc, giá thị trường có thể đang bị “làm giá”. Vì vậy lo ngại của Carlsberg là dễ hiểu".

Bộ Công Thương nói chưa đạt "thống nhất"

Liên quan tới việc thoái vốn Nhà nước tại Habeco, tại buổi làm việc với Tổ công tác Chính phủ ngày 14/11 vừa qua, ông Nguyễn Chí Dũng - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ thừa nhận, việc thoái vốn Nhà nước rất phức tạp, được nhiều người quan tâm. Theo ông Dũng, riêng tại Habeco, vướng mắc hiện tại là việc đàm phán với Carlsberg vẫn chưa đạt được thống nhất.

"Chúng tôi đã có công văn gửi Bộ Tư pháp xin ý kiến tham gia tư vấn về hợp đồng giữa Habeco và Carlsberg. Habeco và Carlsberg đã có buổi làm việc nhưng hai bên vẫn chưa thống nhất. Habeco đã họp tiếp với Tổ tư vấn và sẽ phải đàm phán tiếp. Quá trình đàm phán rất rắc rối và phải xử lý khéo", ông Dũng nói.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: “Nhà nước không bán bia" nhưng công tác thoái vốn phải đảm bảo không mất vốn Nhà nước. Không được chủ quan và phải làm thế nào để vừa bán được giá cao nhất mà không mất thương hiệu".

Theo Bộ trưởng, Bộ Công Thương được giao chủ trì bán vốn với các nguyên tắc rất rõ ràng, quá trình thực hiện cũng bám rất sát nhưng vẫn tồn tại một số vấn đề. Trong đó, riêng về pháp lý có câu chuyện đối tác chiến lược với Carlsberg, các thủ tục liên quan tới cổ phần hoá, nhiều quy định cần giải quyết với nhiều cơ quan, khó có thể giải quyết đến từ nay đến cuối năm.

"Nhiều vấn đề liên quan tới nhiều đối tác, khuôn khổ pháp lý khác nhau nên cần có sự tham gia của các bộ ngành. Không thể nhanh, không thể rút ngắn thời gian được", Bộ trưởng cho biết.

Được biết, trong thỏa thuận hợp tác chiến lược với Carlsberg, bên cạnh nghĩa vụ của Carlsberg là hỗ trợ Habeco phát triển, cổ đông này được hưởng nhiều quyền, trong đó có quyền ưu tiên được mua cổ phiếu chiến lược của Habeco trong trường hợp Bộ Công Thương bán thỏa thuận cho đối tác chiến lược.

Trao đổi với báo chí mới đây, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng bày tỏ: "Tất cả phải làm theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp hợp đồng trái luật thì phải đàm phán lại, không đàm phán được thì hợp đồng sẽ vô hiệu. Nhưng về mặt lý thuyết, muốn hợp đồng vô hiệu, hai bên phải ra tòa".

"Cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt"?

Carlsberg là một trong những công ty đa quốc gia Đan Mạch đầu tiên vào Việt Nam và thực hiện đầu tư đầu tiên của mình vào năm 1993. Năm 1994, Carlsberg đã mua 50% cổ phần của Nhà máy Bia Huế. Năm 2009, Carlsberg trở thành một trong các nhà đầu tư chiến lược của Habeco sau khi mua lại hơn 17% cổ phần Habeco. Khi mua vào cổ phần Habeco, Carlsberg vừa thực hiện IPO với mức giá cao ngất ngưởng 50.100 đồng/cổ phiếu.

Chỉ sau vài năm trở thành cổ đông chiến lược của Habeco, Carlsberg tiếp tục tỏ rõ mong muốn được sở hữu 30% cổ phần Habeco. Tuy nhiên, dù được Bộ Công Thương chấp thuận nhưng cho đến nay, thương vụ này vẫn không được thực hiện, Carlsberg vẫn chưa mua thêm được cổ phần nào của Habeco.

Giải thích cho sự chậm trễ này, tại Đại hội cổ đông 2015, lãnh đạo Habeco cho biết, công ty đang còn phải xem xét và thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Công Thương.

Truyền thông cũng nhiều lần đề cập thời một số nguồn thông tin cho rằng, Habeco không muốn bán cổ phần cho cổ đông chiến lược Carlsberg do lo ngại mất thương hiệu. Thực tế sau nhiều năm hợp tác, những thỏa thuận hợp tác giữa 2 bên về đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ, thiết bị, mở rộng thị trường và nâng cấp quản trị,… đều vẫn còn bỏ ngỏ.

Nguồn tin này có cơ sở khi cuối năm 2015, tại Hội nghị tổng kết công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương, ông Nguyễn Hồng Linh, Tổng giám đốc Habeco bất ngờ thông báo về "sự thất vọng với Carlsberg". Carlsberg đã nắm trong tay mọi bí mật kinh doanh của Habeco nhưng không mang lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp bia này. Lãnh đạo Habeco cũng gọi đây là "bài học xương máu".

Chưa kể, từ khi hợp tác với Carlsberg thì tình hình kinh doanh của hãng này không có nhiều khởi sắc. Dẫn chứng, kết quả kinh doanh của Habeco trong nửa đầu năm 2016, lợi nhuận sau thuế của tổng công ty này chỉ đạt mức 319 tỷ đồng, giảm 41% so với con số 540 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Bản thân Habeco cũng để mất vị trí thứ 2 trên thị trường như lời CEO Carlsberg Vietnam nói ở trên.

Phương Dung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm