1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Chiếc loa phường cũng nên "về hưu"?

(Dân trí) - Nhiều người dân trên cả nước đồng tình với quan điểm của Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, cho rằng loa phường đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình và nên “về hưu”; nhưng cũng có những người lại tiếc nuối, muốn giữ lại với mong muốn loa phường có thêm nhiều cải tiến hữu ích hơn.

Loa phường = Đinh tai, nhức óc, khó chịu!

"Đinh tai", "nhức óc", "khó chịu"… là những từ mà nhiều người nhắc đến ngay khi nói về chiếc loa phường.

Ông Nguyễn Dưỡng (ở xã Cẩm Hà, Hội An, Quảng Nam) cho biết: “Cái loa này ở trước mặt nhà tôi, ngày thường mở 2 lần sáng và tối; nhưng cứ tới ngày nghỉ lễ là mở cả ngày, nhức hết cả đầu. Cứ ba cái tin tức cũ mèm mà nói tới nói lui. Bây giờ hiện đại, ti vi, báo, đài người ta nói mãi rồi. Có những lúc con tôi đang ngồi học hoặc tôi đang ngồi nói chuyện với bạn bè, loa phát thế là không nghe được gì...”.


Nhiều người dân thừa nhận loa phường thường phát nội dung cũ và đôi khi... vô duyên!

Nhiều người dân thừa nhận loa phường thường phát nội dung cũ và đôi khi... vô duyên!

Bà Lê Thị Bích Trâm (xã Cẩm Châu, Hội An) khó chịu: “Đợt trước cái loa chĩa thẳng vào nhà tôi, rất khó chịu, bây giờ chĩa hướng khác rồi nhưng vẫn rất khó nghe. Loa mở to hết công suất, nhiều lúc cháu tôi đang ngủ mà giật mình khóc ré lên. Cũng có khi nghe tiếng Trung Quốc xen lẫn rất khó chịu. Bây giờ phương tiện truyền thông nhiều rồi, tôi nghĩ loa phường cũng nên “về hưu” đi thôi”.

Ông Nguyễn Văn Cường (trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đồng quan điểm: “Bây giờ xã hội phát triển, người dân vào mạng là có đầy đủ thông tin. Loa phát cũng lãng phí, dân không ai nghe”.

Một người dân Đà Nẵng khác tên Nguyễn Thị Hoa cũng cho rằng nên bỏ loa phường vì quá ồn: “Cái loa ngay trước nhà nên nhà cô phải nghe nhiều nhất, thực ra có ai muốn nghe đâu. Bây giờ thông tin trên mạng đầy, họ ớn rồi, dân trí cũng cao rồi chứ có phải như hồi xưa đâu. Thành phố văn minh rồi để làm gì. Nó chỉ phù hợp đối với ở miền núi thôi”.

Ông Mai Văn Đức (Bến Tre) lắc đầu ngao ngán khi nghe nhắc đến loa phường. Ông Đức cho biết: “Nhà tôi chỉ cách cái loa phường chừng 10 mét nên mỗi ngày bị “tra trấn” cả giờ đồng hồ. Những lúc bệnh, bực bội cũng buộc phải nghe tiếng loa mà những thông tin có khi mình đã biết hết từ mấy ngày trước. Chính những cái loa này đã làm giảm sức khỏe của người dân”.

Theo ông Đức, nhà nước nên xem xét dẹp bỏ hay giảm thời lượng phát loa và cho rằng kênh thông tin này giờ chỉ phù hợp ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, công nghệ thông tin chưa phát triển...

"Nên giữ lại và cải tiến loa phường"

Bên cạnh những ý kiến phản đối chiếc loa phường, nhiều người lại tiếc nuối nếu bỏ loa phường và cho rằng kênh thông tin này vẫn hữu ích.

Ông Đinh Thanh Hồng (ở Hội An, Quảng Nam) chia sẻ: “Đúng là loa phường hiện nay không còn hữu ích như xưa nữa nhưng bỏ đi thì cũng tiếc. Tôi nghĩ nếu loa phường chỉ phát thông tin có ích, bớt các thông tin lặp đi lặp lại, cải tiến chất lượng âm thanh… thì sẽ được người dân đón nhận hơn. Tôi không đồng tình bỏ đi, vì nó cũng là kỷ niệm một thời, lâu lâu nghe cho đỡ nhớ những ngày xưa; đồng thời khi có thông tin khẩn cấp như lũ lụt, bão, họp hành… chính quyền còn thông báo cho người dân”.


Một số người thế hệ trước coi loa phường là kỷ niệm khó quên.

Một số người thế hệ trước coi loa phường là kỷ niệm khó quên.

Bà Nguyễn Thị Thu (Hội An) cho rằng, loa phường không cần bỏ, chỉ cần điều chỉnh thời gian, thời lượng và nội dung sao cho phù hợp.

Một số người dân ở Cần Thơ khi được hỏi cũng tỏ ra yêu mến loa phường. Bà Nguyễn Thị Hai (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) cho biết, chiếc loa phường đã gắn bó thân thuộc với người dân nơi đây, bà buôn bán nhỏ ở chợ nên không có thời gian đọc báo hay xem ti vi mà chủ yếu nắm thông tin từ loa phường, nên thấy rất hữu ích.

Nhiều người cho rằng nên giữ lại loa phường (ảnh Hoàng Trung)
Nhiều người cho rằng nên giữ lại loa phường (ảnh Hoàng Trung)

Một cán bộ phường thuộc quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ nói: "Để triển khai cũng như thông báo kết quả các hoạt động của phường, phường đều cần đến loa. Có những việc cán bộ phường không thể gõ cửa từng gia đình nên lúc này rất cần đến loa. Bên cạnh đó, các thông tin thời sự địa phương chỉ phát trên loa phường từ 15 đến 20 phút vào các buổi sáng, trưa chiều nên cũng không làm phiền người dân".

Trao đổi PV Dân trí, ông Phạm Hồng Quảng – Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh: “Cần phải khẳng định, thời gian qua, Đài Truyền thanh với hệ thống loa truyền thanh cấp xã trên địa bàn tỉnh hoạt động rất hiệu quả, bên cạnh việc tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, hệ thống truyền thanh cơ sở đã phát huy hiệu quả trong công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh...”.

Cũng theo ông Quảng, đến thời điểm này, hệ thống loa truyền thanh trên địa bàn thành phố Hội An vẫn đang hoạt động hiệu quả. Vì vậy, không thể có chuyện dẹp bỏ loa phường ở Hội An.

Cuối tháng 10/2016, Sở Thông tin – Truyền thông Đà Nẵng cũng đã có cuộc khảo sát, đánh giá về hiện trạng của hệ thống Đài Truyền thanh quận, huyện, phường, xã trên địa bàn thành phố. Theo đó, đối với địa bàn nông thôn hoặc vùng đô thị hóa chưa cao, nhu cầu nghe các chương trình đài địa phương rất lớn.

Một cụm loa ở phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng)
Một cụm loa ở phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng)


Theo ông Nguyễn Hoàng Cẩm, Phó Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông Đà Nẵng, nên bỏ loa phường ở các quận, còn huyện giữ lại.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trịnh Văn Thịnh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bến tre, cho biết, hệ thống loa phường hiện nay do UBND phường quản lý, đài truyền thanh sẽ hỗ trợ về kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn để phát hàng ngày. Hiện tại, mỗi ngày đều phát vào buổi sáng sớm và chiều tối. Nhiều người dân có nhà ở gần nơi bố trí loa không hài lòng, phiền hà vì tiếng loa gây ồn ào.

Theo ông Thịnh, hệ thống loa ở xã hiện nay rất cần thiết để truyền tải thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước. Một số xã vùng sâu còn yêu cầu cung cấp thêm hệ thống loa vì người dân cần.

Liên quan đến vấn đề này, ông Đỗ Hoàng Trung – Giám đốc Sở Thông tin -Truyền thông TP Cần Thơ cho biết, hiện tất các các xã, phường của các quận huyện trên địa bàn TP Cần Thơ đều có loa phát thanh và hoạt động rất tốt. Cần Thơ đang chuẩn bị nâng chất toàn bộ loa phát thanh lên. Đặc biệt người dân ở các ấp của các huyện vùng sâu vùng xa vẫn yêu cầu đầu tư nhiều loa hơn, vì các phương tiện thông tin ở đây hạn chế hơn so với khu vực thành thị.

“Sắp tới chúng tôi sẽ cử cán bộ rà soát, dự trù kinh phí để nâng chất toàn bộ loa của phường, xã lên nhằm phục vụ nhu cầu thông tin của người dân được tốt hơn”- Ông Trung nói.

Nhóm phóng viên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm