1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vụ 8 bệnh nhân chạy thận tử vong: Bộ Y tế kiến nghị xem xét cho bác sĩ Lương tại ngoại

(Dân trí) - Dù đưa ra khẳng định cơ quan điều tra khởi tố, tạm giam các bị can vụ tai biến chạy thận khiến 8 bệnh nhân tử vong là đúng quy định pháp luật, nhưng Bộ Y tế vẫn đưa ra kiến nghị cơ quan điều tra xem xét cho bác sĩ Lương tại ngoại để hỗ trợ tích cực công tác điều tra.

Lỗi khách quan không trực tiếp dẫn đến chết người

Chiều 28/6, đại diện Bộ Y tế, ông Nguyễn Huy Quang (Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế) đưa ra quan điểm này.

TS Vũ Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế). Ảnh: H.Hải
TS Vũ Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế). Ảnh: H.Hải

“Việc cơ quan công an khởi tố vụ án, bị can, bắt tạm giam 3 đối tượng trong vụ 8 bệnh nhân tử vong chạy thận tại BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình là đúng thẩm quyền trình tự quy định của Bộ luật hình sự, áp dụng đúng thẩm quyền, trình tự của Bộ luật tố tụng hình sự”, ông Quang khẳng định..

Tuy nhiên, trong 3 bị can này, có bị can Hoàng Công Lương là bác sĩ điều trị tại Đơn nguyên thận nhân tạo (BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình) và dư luận xã hội, đặc biệt đội ngũ thầy thuốc cho rằng trong vụ việc này bác sĩ bị oan, không đáng bị tạm giam.

Theo ông Quang, khi cơ quan công an khi xem xét khởi tố một cá nhân, do liên quan đến sinh mệnh chính trị của một con người, tổ chức, chắc chắn họ cũng thận trọng khi đưa ra quyết định này, dựa trên các chứng cứ, tài liệu, nhân chứng và căn cứ theo quy định của pháp luật.

Ông Quang phân tích việc tạm giam được áp dụng cho tội nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Trong trường hợp này cả 3 bị can đều nằm ở khung bắt tạm giam để thực hiện các biện pháp ngăn chặn.

Theo đại diện Bộ Y tế, sự việc xảy ra tại BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình khiến 8 nạn nhân tử vong là sự cố y khoa rất nghiêm trọng, vô cùng đáng tiếc trong ngành y tế, gây ra hậu quả nghiêm trọng. Sự cố y khoa này gây rúng động dư luận xã hội không chỉ Việt Nam, cả nước ngoài, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành y tế trong việc cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh cho nhân dân.

“Trong chuỗi sự việc, 3 bị can đều là tác nhân để gây ra sự việc 8 người chết. Cơ quan công an, Bộ Y tế xác định đây là tội nghiêm trọng bởi 8 người tử vong. Với tính chất mức độ như vậy, theo quy định Bộ luật tố tụng hình sự, cơ quan cảnh sát điều tra của Hòa Bình ra quyết định khởi tố bị can, áp dụng biện pháp tạm giam (ngăn chặn) phục vụ cho công tác điều tra khách quan, trung thực, đúng người, đúng tội danh, đúng pháp luật”, ông Quang nói

Việc này không chỉ cơ quan cảnh sát điều tra, Viện kiểm soát nhân dân Hòa Bình cũng đã có sự phê chuẩn. Vì thế tạm giam 3 đối tượng trong vụ án 8 người tử vong khi chạy thận tại BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình là phù hợp với quy định, thẩm quyền về trình tự Bộ luật tố tụng hình sự.

Kiến nghị xem xét một cách thấu tình, đạt lý

“Tuy nhiên, bị can Lương là một bác sĩ trẻ, nhiệt huyết, có năng lực chuyên môn và phạm tội này mang tính chất vô ý, có địa chỉ gia đình rõ ràng. Nếu bị can không có các biểu hiện chạy trốn hay vi phạm tiếp, hoặc cản trở cơ quan điều tra thì đề nghị cơ quan điều tra xem xét trường hợp của BS Lương một cách thấu tình, đạt lý.

Bộ Y tế đưa ra kiến nghị cơ quan công an xem xét để thay đổi biện pháp ngăn chặn bị can. Theo đó thay vì tạm giam có thể tại ngoại, không đi khỏi nơi cư trú, tích cực hỗ trợ công tác điều trị. Tuy nhiên thẩm quyền quyết định là thuộc cơ quan công an”, ông Quang nói.

Vụ trưởng Vụ pháp chế phân tích thêm, bị can Hoàng Công Lương bị khởi tố vì tội danh vi phạm quy định khám chữa bệnh. Theo đó bác sĩ Lương chưa nhận được bàn giao sửa chữa bằng văn bản vẫn tiến hành chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân.

“Hội đồng chuyên môn xác định quy trình lọc máu cho bệnh nhân, bệnh viện vẫn thực hiện đúng quy trình. Như vậy về chuyên môn đúng quy trình nhưng thủ tục hành chính là chưa chuẩn. Vì thế phải xác định ở đây không vi phạm các quy định chuyên môn, lỗi không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến chết người, mà vi phạm quy tắc thủ tục hành chính. Trong trường hợp này, BS Lương không thể biết được về chất lượng nước. Dẫn đến hệ quả này là cả một chuỗi sự việc liên quan đến hai bị can còn lại thực hiện nhiệm vụ trước đó, nên dù có thể chờ đủ thủ tục hành chính, lúc đó BS ra y lệnh tiến hành chạy thận thì tai biến vẫn xảy ra”, ông Quang phân tích.

Ông Quang cũng cho rằng sự việc này cũng là bài học kinh nghiệm quý với thầy thuốc, nhân viên y tế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Ngoài vấn đề chuyên môn, nhân viên y tế cần tuân thủ hành chính, đây là nguyên tắc tối thượng để bảo vệ quyền lợi của mình.

Hồng Hải