1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Dòng chảy kinh tế tuần qua:

Bắt Trầm Bê, Trịnh Xuân Thanh đầu thú và lá đơn từ chức của Thứ trưởng Thoa

(Dân trí) - Đây là ba vấn đề thời sự nổi bật nhất trong dòng chảy kinh tế tuần qua. Ngoài ra, dư luận cũng đang quan tâm đến việc xử lý các vi phạm diễn ra tại Vinachem khiến 4 lãnh đạo cấp cao của tập đoàn này bị đề xuất kỷ luật, cả khi nhiều người trong đó đã nghỉ hưu.

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa không nằm trong diện được xin thôi việc do đang bị kỷ luật.
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa không nằm trong diện được xin thôi việc do đang bị kỷ luật.

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa viết đơn xin thôi việc

Đầu tuần qua, Bộ Công Thương xác nhận thông tin Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã gửi đơn xin thôi việc đến lãnh đạo Bộ. Trong đơn, bà Thoa cho biết, việc xin nghỉ là vì "lý do cá nhân".

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, theo các quy định hiện hành, việc giải quyết đơn xin nghỉ việc của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định sau khi có ý kiến của Ban Bí thư và các cơ quan có liên quan.

"Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết đơn của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa. Sau khi nhận được chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền, Bộ Công Thương sẽ tổ chức triển khai thực hiện", Bộ này cho hay.

Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 vừa diễn ra, ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP cho biết, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa do Ban Bí thư quản lý. Sau khi Ban Bí thư có ý kiến thì các cơ quan chức năng sẽ có chỉ đạo. Tuy nhiên, theo các quy định hiện hành, bà Thoa không thuộc diện được xin thôi việc do đang trong thời gian bị kỷ luật.

Trước đó, Dân Trí cũng đã có bài viết cho thấy một số vấn đề bất thường trong quá trình cổ phần hóa, niêm yết Công ty Bóng đèn Điện Quang. Chẳng hạn như trước thềm niêm yết, Bóng đèn Điện Quang phát hành cổ phiếu để tăng vốn tới 4 lần trong 1 năm. Và thời điểm SCIC thoái vốn Nhà nước thì giao dịch lại được thực hiện qua phương thức thỏa thuận. Người ta băn khoăn, tiền đâu để các thành viên trong gia đình Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa mua cổ phần, trong đó có cả những người vừa mới học xong, chưa đi làm...

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu DQC đang trải qua chuỗi giao dịch đầy khó khăn khi liên tục mất giá mạnh trong tuần qua. Tính từ đầu tuần tới nay, cổ phiếu DQC có 4 trên 5 phiên giảm giá. So với tuần trước, mỗi cổ phiếu DQC mất 5.500 đồng. So với thời điểm này một năm về trước, cổ phiếu DQC giảm tới 48,12% (đóng cửa phiên 4/8/2016, giá DQC là 77.100 đồng/cổ phiếu). Diễn biến bất lợi này đã khiến tài sản cổ phiếu nhà Thứ trưởng bị tác động lớn, giảm tới gần 65 tỷ đồng.

Trong một diễn biến khác, Điện Quang mới đây đã bị Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt hành chính 120 triệu đồng do chậm công bố thông tin và công bố thông tin không đầy đủ với một loạt các báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh, tài chính, quản trị, tình hình giao dịch với công ty con… trong giai đoạn 2015 đến nay.

Sau hơn 300 ngày lẩn trốn, Trịnh Xuân Thanh đã ra cơ quan công an đầu thú vì lo sợ.
Sau hơn 300 ngày lẩn trốn, Trịnh Xuân Thanh đã ra cơ quan công an đầu thú vì lo sợ.

Trịnh Xuân Thanh đầu thú sau hơn 300 ngày lẩn trốn

Trước đó, vào 15/9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46, Bộ Công an) đã chính thức khởi tố tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng với ông Trịnh Xuân Thanh (50 tuổi) để điều tra khoản thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng tại Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) trong thời gian làm lãnh đạo tại đây.

Cùng với việc góp phần gây ra khoản lỗ lũy kế 3.200 tỷ đồng tại PVC, Trịnh Xuân Thanh còn liên quan đến một loạt vụ việc khác gây thua lỗ, thất thoát tài sản Nhà nước nghiêm trọng như: vụ việc chuyển nhượng cổ phần của CTCP Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land) tại CTCP Xuyên Thái Bình Dương; nhà máy xăng sinh học Ethanol Phú Thọ, PVC tham gia với tư cách là tổng thầu EPC - một trong 12 đại dự án thua lỗ, kém hiệu quả của ngành công thương... Độc giả có thể đọc thêm tại bài viết Những "vết chân" ăn chia tài sản Nhà nước của Trịnh Xuân Thanh.

Ngoài ra, theo điều tra của PV Dân Trí về khu biệt thự rộng trên 3.300 m2 trên đỉnh núi Tam Đảo (thị trấn Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) đứng tên sở hữu của Công ty TNHH Mai Phương, do ông Trịnh Xuân Giới (cha của Trịnh Xuân Thanh), nguyên Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương làm Chủ tịch. Khu đất này đã bị cơ quan chức năng yêu cầu phong tỏa, ngừng mọi hoạt động giao dịch. Về mặt giấy tờ là vậy, nhưng thực tế, nó đã được bán cho một cá nhân khác.

Người này đứng trước rủi ro lớn là mất trắng khoản tiền mua khu đất và biệt thự này do số tài sản trên có khả năng bị thu hồi nếu được chứng minh nó hình thành từ các khoản tiền do Trịnh Xuân Thanh tham nhũng mà có và nhờ Công ty của ông Trịnh Xuân Giới đứng tên.

Nếu cơ quan chức năng khẳng định số tài sản trên thực chất của Trịnh Xuân Thanh thì các hoạt động nhằm mua bán, giao dịch số tài sản này trước thời điểm ông Thanh được cho là trốn khỏi Việt Nam thì có thể nói, đó là dấu hiệu tẩu tán tài sản khi biết trước nguy cơ bị điều tra, khởi tố.

Ông Trầm Bê (trái) và ông Phan Huy Khang (phải) - hai cựu lãnh đạo Sacombank bị khởi tố và bắt tạm giam.
Ông Trầm Bê (trái) và ông Phan Huy Khang (phải) - hai cựu lãnh đạo Sacombank bị khởi tố và bắt tạm giam.

Khởi tố, bắt tạm giam "đại tỷ phú" Trầm Bê

Ngày 1/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) cho biết vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Trầm Bê, cựu Phó chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và ông Phan Huy Khang - Nguyên Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Sacombank.

Theo hồ sơ của cơ quan điều tra, vào tháng 4/2013, để có nguồn tiền thanh toán khoản vay 1.700 tỷ đồng tại ngân hàng BIDV, Phạm Công Danh đã trực tiếp đến gặp ông Trầm Bê - lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank, để đề nghị cho vay tiền.

Do có mối quan hệ với ông Danh từ trước và biết rõ ông Danh không thể vay tiền của VNCB nên ông Trầm Bê đã đồng ý và chỉ đạo cho 6 công ty của ông Danh vay 1.800 tỷ đồng với tài sản bảo đảm là tiền gửi của VNCB tại Sacombank.

Sacombank dẫn kết luận giám định của NHNN khẳng định: Sacombank không có thiệt hại trong việc cho vay đối với 6 công ty liên quan đến ông Phạm Công Danh. Các khoản vay trên, Sacombank đã thu hồi vốn và lãi đầy đủ từ tháng 4/2014.

Việc ông Trầm Bê liều lĩnh cho Phạm Công Danh vay 1.800 tỷ đồng chỉ vì “có mối quan hệ từ trước”. Điều này phần nào lý giải, vì sao hoạt động lâu năm trong ngành ngân hàng, nhưng ông Trầm Bê vẫn không thể là một “banker” thành công, và những dấu vết mà ông này để lại cho cả Southern Bank và Sacombank đều rất “nghiệt ngã”.

Theo thống kê, hiện ông Trầm Bê vẫn đang còn sở hữu (trực tiếp lẫn gián tiếp) 9,523% vốn điều lệ ngân hàng Sacombank với 179,3 triệu cổ phiếu STB. Ngoài ra, ông Trầm Bê còn sở hữu 2.657.343 cổ phiếu BCI tại Công ty CP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh, tương ứng với 3,06% vốn điều lệ công ty này. Tổng tài sản cổ phiếu ước tính hơn 2.400 tỷ đồng.

Tuy nhiên, một thông tin gây "sốc" vừa được Chủ tịch HĐQT Sacombank Dương Công Minh cung cấp, cho thấy đến nay ông Bê vẫn còn 2 khoản nợ tại ngân hàng này, một là khoản nợ liên quan tới bất động sản khoảng 33.000 tỷ đồng và khoản nợ liên quan đến cổ phiếu khoảng 10.000 tỷ đồng, tổng cộng 43.000 tỷ đồng. Theo định giá sơ bộ của Sacombank về tài sản đảm bảo của những khoản nợ nói trên của ông Trầm Bê thì các khoản nợ đều có khả năng thu hồi và cần thời gian khoảng 3 năm.

Mới đây, Sacombank công bố thông tin đã thoái toàn bộ trên 11,2 triệu cổ phiếu BCI tương ứng 12,93% vốn điều lệ Công ty CP Đầu tư xây dựng Bình Chánh và thu về khoảng 325 tỷ đồng. Đây là công ty mà ông Trầm Bê từng có 17 năm gắn bó.

4 lãnh đạo cấp cao của Vinachem đã bị đề nghị kỷ luật.
4 lãnh đạo cấp cao của Vinachem đã bị đề nghị kỷ luật.

Đề nghị kỷ luật 4 lãnh đạo cao nhất tại Tập đoàn Hóa chất

Theo đánh giá của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) nhiệm kỳ 2005-2010 và 2010-2015 đã thiếu trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng viên…

Điều này dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn thua lỗ nghiêm trọng, trong đó nhiều công ty thua lỗ liên tục 2 năm trở lên, điển hình như Công ty Đạm Ninh Bình lỗ 4 năm liền (2.500 tỷ đồng). Một số công ty của Tập đoàn góp vốn thành lập các công ty cổ phần, công ty liên doanh, liên kết không hiệu quả (có 4 dự án khác lỗ luỹ kế 4.200 tỷ đồng). Vi phạm trong quản lý các khoản nợ phải thu, phải trả và việc trích lập quỹ. Việc ký hợp đồng hợp tác đầu tư, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quản lý và sử dụng đất tại doanh nghiệp lãng phí, kém hiệu quả....

Độc giả xem thêm thông tin về loạt dự án thua lỗ khiến dàn lãnh đạo Vinachem "lao đao" tại bài viết này.

Có 4 lãnh đạo cao cấp trong thời kỳ này của Vinachem đã bị đề nghị kỷ luật, gồm: Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Nguyễn Danh Dũng; nguyên Bí thư Đảng ủy Cơ quan, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Đỗ Quang Chiêu; Nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Nguyễn Quốc Tuấn và Nguyên Phó Bí thư Đảng ủy Cơ quan; nguyên Ủy viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tổng công ty; nguyên Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đỗ Duy Phi.

Trao đổi với báo giới sau đó, một số nguyên lãnh đạo của Vinachem trải lòng cho biết, chuyện lỗ, lãi có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Thời điểm đó thua lỗ là điều không may. Về phần mình, ông Nguyễn Quốc Tuấn nói: "Là Đảng viên, tôi tuân thủ các mức kỷ luật mà tổ chức Đảng đưa ra, với trách nhiệm là người đứng đầu tập đoàn, tôi phải chịu trách nhiệm".

Bích Diệp (tổng hợp)