1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

700.000 công chức “cắp ô” tiêu tốn 17.000 tỷ đồng mỗi năm

(Dân trí) - Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội Quốc hội - cho biết, nếu theo ước tính của các chuyên gia, có tới 30% công chức, viên chức không làm được việc, tương đương với 700.000 người, tiêu tốn 17 nghìn tỷ đồng ngân sách nhà nước mỗi năm.

"Không bao giờ có hàng hóa tốt với giá bèo"

Ngày 12/10, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội thảo khoa học “Bối cảnh và khả năng cải cách tiền lương”. Hội thảo với mục đích lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Lê Hồng Huyên - Vụ trưởng Vụ xã hội (Ban Kinh tế Trung ương) cho rằng, chính sách tiền lương hiện nay chưa động viên được cán bộ, công chức gắn bó, tận tâm với công việc. Mức lương tối thiểu hiện nay chưa đảm bảo nhu cầu tối thiểu. “Một nguyên tắc là không bao giờ có hàng hóa tốt với giá bèo. Do vậy, muốn công chức, viên chức lao tâm khổ tứ thì phải trả phù hợp với công sức của họ”, TS. Lê Hồng Huyên nói.

TS. Lê Hồng Huyên - Vụ trưởng Vụ xã hội cho rằng, chính sách tiền lương hiện nay chưa động viên được cán bộ, công chức tận tâm với công việc
TS. Lê Hồng Huyên - Vụ trưởng Vụ xã hội cho rằng, chính sách tiền lương hiện nay chưa động viên được cán bộ, công chức tận tâm với công việc

Tuy nhiên, theo TS. Huyên dù tiền lương và thu nhập chính thức của cán bộ công chức theo bảng lương không cao, thậm chí chưa đảm bảo cuộc sống tối thiểu. Thế nhưng hầu hết cán bộ, công chức đều có nhà ở kiên cố và rất nhiều người có ô tô riêng.

Từ những dẫn chứng, TS. Huyên cho rằng, phần lớn cán bộ, công chức có khoản thu nhập ngoài lương chưa được kiểm soát. Điều đó, cũng đồng nghĩa với việc một khoản thuế thu nhập cá nhân của cán bộ, công chức bị bỏ sót. Theo TS. Huyên đấy có thể là một nguồn để góp phần cải cách chính sách tiền lương.

Lương công chức tuy thấp vẫn cao hơn năng suất lao động

Bài tham luận gửi tới hội thảo của ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội chỉ ra một nghịch lý là, dù lương công chức tuy thấp nhưng vẫn cao hơn năng suất lao động. Thực tế chứng minh bởi tình trạng công chức “sáng cắp ô đi tối cắp ô về” khá nhiều trong khi thiếu nhân tài, chảy máu chất xám.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội Quốc hội cho biết, nếu theo ước tính của các chuyên gia, có tới 30% công chức, viên chức không làm được việc, tương đương với 700.000 người, tiêu tốn 17 nghìn tỷ đồng ngân sách nhà nước mỗi năm. Ngoài ra, báo cáo đánh giá năng suất lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng chỉ ra rằng năng suất lao động của nước ta thuộc nhóm thấp nhất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Vì vậy, theo ông Bùi Sỹ Lợi, bộ máy hành chính nhà nước phải được sắp xếp lại theo hướng gọn nhẹ, nhằm giảm bớt nhân lực dư thừa trong bộ máy hành chính, góp phần tạo thêm nguồn tài chính để trả lương cho cán bộ, công chức tương xứng với giá trị sức lao động. Để làm được điều đó thì việc tinh giản biên chế bộ máy hành chính như một khâu đột phá quan trọng.

Cùng vấn đề trên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, khi bà trao đổi với một vị Bộ trưởng (đã về hưu), ông đưa ra con số thực tế: Chỉ có 1/3 cán bộ công chức “làm hùng hục” không hết việc, 1/3 chỉ cản trở những người khác và 1/3 công chức còn lại là “ngồi chơi xơi nước”.

“Nếu như vậy, có đến 2/3 cán bộ công chức không làm việc thì làm sao đất nước phát triển được? Vấn đề này không chỉ "đẻ" thêm về ghế mà còn "đẻ" thêm cả bộ máy. Mà nhiều khi một việc cơ quan này làm không được còn kéo cả đơn vị khác vào làm cùng”, bà Phạm Chi Lan nói.

Theo bà Phạm Chi Lan, nếu như vẫn duy trì bộ máy hành chính cồng kềnh, nhiều chức năng nhiệm vụ không rõ ràng thì dù “chiếc bánh tiền lương” có to đến mấy cũng không bao giờ đáp ứng được yêu cầu cho những người làm trong nhà nước sống được bằng tiền lương mà không phải nghĩ đến vấn đề khác.

Quang Phong