1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Vụ bé trai 10 tuổi bị bố đẻ, mẹ kế bạo hành: Cần giám định thương tật

(Dân trí) - Theo phân tích của các luật sư, cơ quan điều tra cần thiết trưng cầu giám định thương tật bé trai 10 tuổi bị bố đẻ, mẹ kế bạo hành. Từ đó, tùy mức độ thương tật, cơ quan điều tra có thể thay đổi tội danh truy tố đối với bố đẻ, mẹ kế của cháu bé.

Cơ quan điều tra - Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Hoài Nam và Phạm Thị Tú Trinh về tội “Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình” theo Điều 151 Bộ luật Hình sự (BLHS). Theo tội danh bị truy tố, hai nghi can sẽ phải đối mặt với mức hình phạt tù cao nhất đến 3 năm tù giam.

Bố đẻ, mẹ kế của cháu K. vừa bị khởi tố về tội Ngược đãi....
Bố đẻ, mẹ kế của cháu K. vừa bị khởi tố về tội "Ngược đãi...".

Đánh giá về vụ việc, luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng Văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên danh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) - cho rằng, hành vi ngược đãi, gây thương tích cho con đẻ của Trần Hoài Nam và hành vi của Phạm Thị Tú Trinh là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cần phải xử lý thật nghiêm theo quy định của pháp luật.

Về việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố hai nghi can về tội danh theo Điều 151 BLHS, theo quan điểm của luật sư Tuấn, đây là động thái phù hợp với những tài liệu điều tra ban đầu. Tuy nhiên, Trưởng Văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên danh cho rằng, cơ quan điều tra cần thiết trưng cầu giám định thương tích đối với cháu Trần Nguyên K. theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003.

Lý giải điều này, luật sư Tạ Anh Tuấn viện dẫn Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 25/9/2001 của liên ngành Bộ Tư pháp - Bộ Công an - TAND Tối cao - Viện KSND Tối cao hướng dẫn một số điều của BLHS năm 1999.

Cụ thể, điểm 7.2 của Thông tư liên tịch trên hướng dẫn thi hành Điều 151 BLHS: “Chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Hành vi ngược đãi, hành hạ gây hậu quả nghiêm trọng, tức là làm cho người bị ngược đãi, hành hạ luôn luôn bị giày vò về mặt tình cảm, bị tổn thất về danh dự, đau khổ về tinh thần hoặc bị thương tích, tổn hại đến sức khỏe. Hậu quả thương tích hay tổn hại đến sức khỏe là do lỗi vô ý; nếu dẫn đến chết người thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người (Điều 98 BLHS).

Trong trường hợp thương tích, tổn hại sức khoẻ hoặc chết người xảy ra do lỗi cố ý, thì tuỳ trường hợp cụ thể mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các khoản tương ứng của Điều 104 BLHS về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác”, hoặc Điều 93 BLHS về tội “Giết người”; nếu làm cho nạn nhân bị uất ức mà tự sát, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Bức tử” theo Điều 100 BLHS.”.

Luật sư Tuấn phân tích, hai nghi can đã có hành vi đối xử ngược đãi, hành hạ về tinh thần đối với cháu K., có hành vi bạo hành, gây thương tích cho cháu bé.

“Quá trình điều tra, trên cơ sở Kết luận giám thương tật, nếu tỷ lệ thương tích do Nam và Trinh gây ra cho cháu K. từ 11% trở lên, cơ quan điều tra có thể khởi tố hai nghi phạm theo Điều 104 BLHS.” - luật sư Tuấn nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với luật sư Tuấn, luật sư Trương Anh Tú - Trưởng Văn phòng luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) - cho rằng, hiện tại, cơ quan điều tra khởi tố hai vợ chồng Nam - Trinh về tội danh theo Điều 151 BLHS là hợp lý.

“Sau khi có Kết luận giám định thương tật, tùy tỷ lệ thương tích, cơ quan điều tra có thể thay đổi tội danh truy tố đối với các bị can cũng chưa muộn.” - luật sư Tú nêu quan điểm.

Điều 155. Bộ luật Tố tụng Hình sự: Trưng cầu giám định

...

3. Bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định:

a) Nguyên nhân chết người, tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ hoặc khả năng lao động;

...

Điều 104. Bộ luật Hình sự: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

...

3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

Tiến Nguyên