Vụ bé trai 10 tuổi bị bạo hành ở Hà Nội: Sự vô cảm đang lớn dần?

(Dân trí) - Nhiều chuyên gia cho rằng trong suốt 2 năm cháu bé không được đi học, mà nhà trường, chính quyền không hề có động thái tìm hiểu, can thiệp thì đây chính là sự vô cảm, thiếu trách nhiệm. Hơn nữa, chúng ta có tới hơn 15 cơ quan, đoàn thể, tổ chức, bảo vệ trẻ em mà không ai phát hiện ra sự việc là rất đáng tiếc.

Vụ việc bé trai Trần G.K , 10 tuổi (Hà Nội) bị chính bố đẻ và mẹ kế bạo hành suốt một thời gian dài nhận được sự chú ý đặc biệt của dư luận. Trong hai năm, người cha này đã sử dụng nhiều móc áo cuộn tròn lại thành một chiếc roi sắt để đánh đập con. Thậm chí, bé G.K không được đến trường, hàng ngày cháu bé bị nhốt trong căn nhà thuê trọ của người bố và mẹ kế tại phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội).

Ngày 5/12, do không chịu nổi những trận đòn roi, đánh đập, bé G.K đã tìm cách trốn khỏi nhà, bắt xe bus đến nhà ông bà nội để cầu cứu. Từ một đứa trẻ kháu khỉnh, khỏe mạnh nặng hơn 40kg, bé G.K “sụt cân” chỉ còn 20kg, khắp người chằng chịt những vết sẹo lớn, nhỏ. Qua thăm khám tại bệnh viện, bé được các bác sỹ chẩn đoán rạn xương sọ não và gãy xương sườn số 7, 8. Ngay sau khi những thông tin và hình ảnh về vụ việc của bé G.K được đăng tải, rất nhiều người đã bày tỏ bức xúc và xót xa.

Những vết thương trên người cháu G.K. Ảnh: Vietnamnet
Những vết thương trên người cháu G.K. Ảnh: Vietnamnet

"Tôi bức xúc tới mức "không thốt lên lời"

Chia sẻ với PV Dân trí, ông Nguyễn Trọng An – Nguyên Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho biết, bản thân ông lặng người, bức xúc tới mức “không thốt lên lời” khi xem những hình ảnh về cháu bé bị chính người cha ruột của mình đánh đập.

“Tôi thấy buồn, đau xót, căm phẫn và không thể nào lý giải được hành vi của người cha trong câu chuyện này. Đứa bé mới 10 tuổi, đáng lẽ phải được yêu thương, quan tâm thì ngược lại cháu lại bị đánh đập, chửi mắng đến gãy xương, thương tích đầy mình. Dù có bất cứ lý do gì cũng không thể ngụy biện cho hành vi đánh đập, bạo hành trẻ em”, ông An chia sẻ.

Vị chuyên gia này cũng cho biết, theo thông tin đăng tải thì mẹ kế cháu bé cũng tham gia vào việc bạo hành cháu. Các cơ quan chức năng cần phải xem xét rõ trách nhiệm của người này, và làm rõ việc có hay không việc bàn bạc, kích động giữa hai vợ chồng trong việc đánh đập, đối xử tàn bạo với cháu bé.

Người bố trong vụ bạo hành con đẻ gây chấn động đang thực nghiệm hiện trường. Ảnh: Tiến Nguyên
Người bố trong vụ bạo hành con đẻ gây chấn động đang thực nghiệm hiện trường. Ảnh: Tiến Nguyên

Ngoài ra, Nguyên Cục trưởng Cục trẻ em cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể bảo vệ trẻ em khi để xảy ra vụ việc. “Cháu bé 2 năm không được đi học mà nhà trường, chính quyền không có động thái tìm hiểu, can thiệp thì đây chính là sự vô cảm, thiếu trách nhiệm. Hơn nữa, chúng ta có tới hơn 15 cơ quan, đoàn thể, tổ chức, bảo vệ trẻ em mà không ai phát hiện ra sự việc. Tôi luôn đặt câu hỏi và không khỏi ám ảnh, nếu cháu bé không tự mình trốn thoát thì còn phải chịu sự bạo hành, đánh đập của người bố đến bao giờ”, ông An bức xúc.

Ông An cũng lấy làm buồn vì rất nhiều vụ bạo hành trẻ em bị phát hiện, tố giác gây phẫn nộ trong dư luận nhưng người đứng đầu của địa phương, của các tổ chức đoàn thể lại chưa ai bị xử lý hay quy trách nhiệm. “Tôi cho rằng, pháp luật không những phải xử lý nghiêm những hành vi bố mẹ bạo hành con cái mà ngay cả sự vô cảm trong gia đình, của những người có trách nhiệm liên đới cũng cần phải xử lý để làm sức răn đe”, ông An nói.

Hàng loạt các tổ chức bảo vệ trẻ em đang ở đâu?

Trong khi đó, TS Nguyễn Kim Quý (Hội Khoa học Giáo dục và Tâm lý Việt Nam) cho rằng vụ việc bé 10 tuổi bị người cha ruột bạo hành trong suốt 2 năm ngay giữa Thủ đô Hà Nội thể hiện sự vô cảm của người thân, hàng xóm và của chính các cơ quan chức năng.

“Việt Nam là nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn công ước của Liên hiệp quốc về quyền trẻ em, chúng ta cũng có rất nhiều cơ quan, đoàn thể, tổ chức bảo vệ, giám sát việc thực thi các quyền này. Tuy nhiên, khi xảy ra vụ việc trẻ bị bạo hành, tôi chưa thấy được vai trò của các tổ chức này.”, bà Quý thẳng thắn đặt vấn đề.

Chuyên gia này cũng cho biết, những vụ việc bạo hành trẻ em đang ở mức báo động và có nguy cơ ngày càng tăng. Nhiều vụ được phát hiện kịp thời nhưng cũng có không ít trường hợp các em bị bạo hành, đánh đập trong thời gian dài dẫn đến những tổn thương nặng nề về cả thể chất, lẫn tinh thần.

“Những vụ bạo hành sẽ tạo nên vết hằn tâm lý có thể dẫn đến sang chấn gây tổn thương nghiêm trọng đến việc phát triển tinh thần, thể chất của trẻ. Nếu việc bạo hành kéo dài lâu và không được phát hiện sớm, có thể khiến trẻ bị trầm cảm, tự kỷ… Nghiêm trọng hơn, một số trẻ sẽ có xu hướng sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn và xung đột trong cuộc sống”, TS Kim Quý phân tích.

Chuyên gia này cũng cho rằng bạo hành trẻ em không chỉ đi ngược với chuẩn mực đạo đức của xã hội mà còn là hành vi vi phạm pháp luật cần phải được xử lý nghiêm minh. “Đã đến lúc các cơ quan chức năng, tổ chức, các bậc làm cha mẹ phải nghiêm túc nhìn nhận về trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em.

Theo đó, nếu cha mẹ có những hành vi bạo lực trong thời gian dài với con thì ngoài việc áp dụng luật hành chính, Luật hình sự, theo tôi cần phải xem xét việc tước quyền nuôi con. Ngoài ra với các cơ quan, đoàn thể thiếu trách nhiệm để xảy ra hậu quả nghiệm trọng cũng cần phải quy trách nhiệm cụ thể để tránh những sự việc đáng tiếc tương tự”, bà Quý nêu.

H.T