Trầm Bê thanh minh phạm vội vì... "chỉ nghĩ làm sao để bảo vệ tiền của ngân hàng"
(Dân trí) - Trầm Bê thừa nhận sai sót khi phê duyệt hồ sơ cho các công ty của ông Danh vay 1.800 tỉ đồng nhưng khẳng định không phạm tội cố ý.
Ông chủ ngân hàng "học thức thấp"?
Ngày 31/7, TAND TPHCM tiếp tục phiên xử bị cáo Phạm Công Danh (sinh năm 1965, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB, tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (cựu Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank) và 44 người khác về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong phần tự bào chữa, ông Bê mong HĐXX xem xét lại mức án 4-5 năm tù Viện kiểm sát đề nghị vì không có căn cứ xác định ông cho Phạm Công Danh vay tiền với tư cách cá nhân và ông Danh không được phép vay tiền của Sacombank. "Nếu tôi có sai phạm là do tôi suy nghĩ đơn giản, thiếu hiểu biết pháp luật, chứ không cố ý biết sai mà vẫn làm", bị cáo phân trần.
"Tôi đại diện cho một pháp nhân. Tôi hoàn toàn không trục lợi cá nhân. Tôi gọi anh Danh là người bạn nhưng là người đại diện cho một tập thể", ông Bê nói và cho biết đã yêu cầu phía ông Danh đáp ứng đầy đủ các điều kiện mới đồng ý cho vay.
Cựu Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – Sacombank cũng cho rằng, mình chỉ làm những gì pháp luật cho phép vì ông Danh chỉ giới thiệu khách hàng sang Sacombank vay tiền còn lại là nghiệp vụ của ngân hàng. Bị cáo khẳng định trong 38 năm làm doanh nghiệp ông chưa hề có hành vi vi phạm pháp luật.
"Dù tôi học thức thấp nhưng tôi đã làm ngân hàng tín dụng gần 10 năm nay. Có thể do tôi không hiểu hết, hoặc thời kỳ đang bổ sung luật mới tôi không nắm hết", ông Bê phân trần.
Ông Bê cho biết đã gây dựng được nhiều doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho nhiều người và bày tỏ mong muốn được tiếp tục làm những điều có ích cho xã hội.
"Hành vi của bản thân, tôi không chối cãi. Tôi không nói tôi làm đúng hết nhưng tôi xin trình bày về cái sai này. Lúc đó tôi chỉ nghĩ làm sao bảo vệ tiền của nhân dân, không gây thiệt hại, bảo vệ tiền của Sacombank. Tôi không thể hỏi được nguồn tiền ở đâu vì chỉ có cơ quan pháp luật mới có quyền hỏi. Tôi không có quyền thẩm tra đối tác", ông Bê nói và mong toà xem xét mức án thấp hơn đề nghị.
Ông cũng xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho Phan Huy Khang (cựu Tổng giám đốc Sacombank). Theo ông, bản thân nhận thức việc phê duyệt cho các công ty của ông Danh vay là thực hiện đúng pháp luật nên mới chỉ đạo Phan Huy Khang xem xét theo quy trình.
"Anh Khang là cấp dưới, tôi thấy giao được thì mới giao. Nếu tôi không duyệt thì anh Khang cũng không ký được, nên mong HĐXX giảm nhẹ một phần hình phạt", ông nói.
3 ngân hàng phản ứng đề nghị thu hồi 6.120 tỉ
Đại diện 3 ngân hàng Sacombank, TPBank và BIDV đã nêu quan điểm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các ngân hàng của mình.
Theo đó, cả 3 ngân hàng đều đề nghị HĐXX không chấp nhận quan điểm của đại diện Viện KSND TPHCM, buộc thu hồi hơn 6.120 tỉ đồng, trong đó Sacombank hơn 1.835 tỉ đồng, TPBank hơn 1.740 tỉ đồng, BIDV là hơn 2.550 tỉ đồng để khắc phục hậu quả cho vụ án.
Cụ thể, đại diện Sacombank cho rằng tại thời điểm phát sinh giao dịch (ngày 26/04/2013), thời điểm tất toán giao dịch (ngày 26/01/2014), 2 pháp nhân ngân hàng thực hiện các giao dịch dân sự, giao dịch được thực hiện và hoàn tất trước khi vụ án xảy ra, giao dịch giữa Sacombank và VNCB phù hợp với thỏa thuận của các bên về bảo lãnh, xử lý thu hồi nợ…
Đồng thời, theo đại diện Sacombank, việc VNCB chuyển tiền thanh toán tại 2 chi nhánh của Sacombank đã được Tổ giám sát Ngân hàng nhà nước (NHNN) phê duyệt trên tờ trình. Mặt khác, theo Điều 429 Bộ luật Dân sự thì đến nay sự việc đã quá 3 năm nên việc yêu cầu bồi thường đã vượt quá thời hiệu.
Tương tự, đại diện TPBank nêu, giao dịch gửi tiền giữa TPBank và VNCB được thực hiện đúng và hợp pháp theo quy định về vay và cho vay giữa các ngân hàng, kết luận giám định của Ngân hàng Nhà nước cũng nêu rõ việc VNCB gửi tiền tại các tổ chức tín dụng khác, rồi cầm cố, bảo lãnh cho vay tín dụng là được phép theo quy định pháp luật.
Từ đó, TPBank cho rằng nếu thu hồi tiền để khắc phục hậu quả cho vụ án thì nên thu hồi từ những cá nhân, tổ chức được đề cập trong hồ sơ vụ án, khi xác minh được đường đi của dòng tiền vay mà Phạm Công Danh đã sử dụng.
Đối với BIDV, đại diện ngân hàng này cho rằng đề nghị thu hồi tiền từ BIDV để khắc phục hậu quả là vô căn cứ, trái với nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự trong một vụ án hình sự.
Đại diện BIDV cho rằng việc yêu cầu 2.550 tỉ đồng là phi lý, bản chất thiệt hại là VNCB và 12 công ty chứ không phải là BIDV. BIDV đã hoàn trả cả gốc và lãi với VNCB, BIDV không giao dịch với cá nhân ông Danh mà với 12 công ty pháp nhân. Số tiền thu nợ từ tài khoản 12 công ty là hợp pháp, không phải do phạm tội mà có.
Xuân Duy