1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Tội phạm xâm phạm sở hữu trí tuệ ngày càng tinh vi

(Dân trí) - Ngày 23/9, tại Hà Nội, Tổng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) phối hợp với Interpol tổ chức Hội nghị thực thi pháp luật quốc tế lần thứ 8 về tội phạm về sở hữu trí tuệ năm 2014 với chủ để “Hợp tác toàn cầu trong phòng, chống tội phạm”.

Trung tướng Phan Văn Vĩnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm - nêu rõ, các hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) xuyên quốc gia, nhất là sản xuất và buôn bán hàng giả luôn tạo ra “siêu lợi nhuận” nên lôi kéo được nhiều đối tượng tham gia, trên nhiều lĩnh vực, địa bàn và từ nhiều quốc gia, lãnh thổ khác nhau. Có thể thấy rõ rằng, các băng nhóm, tổ chức tội phạm xuyên quốc gia đang ngày càng đầu tư và tham gia vào các hoạt động xâm phạm SHTT như: sản xuất và buôn bán hàng giả, tội phạm sử dụng công nghệ cao, sản xuất và buôn bán ma túy, vũ khí…

Trên thực tế, các loại tội phạm này ngày càng có sự liên kết chặt chẽ và hỗ trợ tài chính cho nhau hoạt động. Các đối tượng còn lợi dụng các thành tựu của khoa học công nghệ vào quá trình phạm tội, do đó các hoạt động xâm phạm về SHTT ngày càng tinh vi nên rất khó phát hiện. Chính vì vậy, hậu quả do tội phạm xâm phạm SHTT xuyên quốc gia gây ra nghiêm trọng hơn, không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng.

Cho nên, theo Trung tướng Phan Văn Vĩnh, cuộc đấu tranh chống loại tội phạm này đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả không chỉ giữa các lực lượng thi hành pháp luật với nhau, mà còn cần có sự tích cực, chủ động tham gia của các doanh nghiệp và người tiêu dùng, không chỉ ở từng quốc gia đơn lẻ mà còn là nỗ lực của toàn thế giới để tạo nên sự hợp tác toàn cầu ngăn chặn và đẩy lùi tội phạm.

Thay mặt lực lượng Cảnh sát Việt Nam, Trung tướng Phan Văn Vĩnh khẳng định cam kết của Cảnh sát Việt Nam trong hợp tác chặt chẽ với Tổ chức Interpol và với tất cả các đối tác trong và ngoài nước trong cuộc đấu tranh chống lại tội phạm xuyên quốc gia, đặc biệt là loại hình tội phạm xâm phạm SHTT.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an - khẳng định, ở Việt Nam, ý tưởng về bảo hộ SHTT, mà trước tiên là quyền tác giả, đã được ghi nhận ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946. Luật SHTT đã được Quốc hội Việt Nam thông qua năm 2005 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2006.

Trong thời gian qua, Việt Nam cũng đã gia nhập và ký các điều ước quốc tế về quyền tác giả và quyền liên quan. Từ năm 2005 đến nay, việc đăng lý và cấp chứng nhận bảo hộ ở Việt Nam tăng bình quân hàng năm 20%. Tuy vậy, cũng như thế giới, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn do tội phạm xuyên quốc gia về xâm phạm SHTT gây ra.

Xâm phạm quyền SHTT tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay được thực hiện bằng nhiều phương thức, thủ đoạn mới như áp dụng công nghệ cao, sử dụng các thiết bị hiện đại để sản xuất hàng hóa làm cho người tiêu dùng và cơ quan quản lý thị trường khó phát hiện thật, giả. Các hành vi vi phạm ngày càng nguy hiểm hơn ở tính chất vi phạm, có tổ chức chặt chẽ không những trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam mà còn mở rộng đối với tổ chức và cá nhân nước ngoài. Việc nhái các nhãn hiệu, kiểu dáng bao bì…không chỉ xảy ra với các sản phẩm tiêu dùng thông thường mà đã và đang xảy ra với những sản phẩm có công dụng và chức năng đặc biệt như thuốc chữa bệnh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, sắt thép xây dựng, xi-măng…

Về quyền tác giả, việc sao chép tác phẩm không chỉ xảy ra với các sản phẩm giải trí như băng đĩa nhạc, phim ảnh và không chỉ thực hiện bởi những người buôn bán thuần túy, mà còn xảy ra cả với các sản phẩm nghiên cứu, sáng tác, phần mềm…

Thứ trưởng Lê Quý Vương nhấn mạnh, Hội nghị thực thi pháp luật quốc tế lần thứ 8 tội phạm về SHTT không chỉ là dịp để chúng ta trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm mà còn thúc đẩy sự hợp tác bền chặt giữa các lực lượng thực thi pháp luật các quốc gia và giữa lực lượng thực thi pháp luật với các tổ chức, doanh nghiệp trong cuộc đấu tranh chống lại tội phạm xâm phạm SHTT, góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng nền hòa bình, ổn định và phát triển của toàn cầu.

Theo dự kiến, Hội nghị sẽ kết thúc vào ngày 25/9.

Tiến Nguyên