1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vượt Hàn Quốc, Nhật Bản, vốn Trung Quốc tăng mạnh vào Việt Nam

(Dân trí) - Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào Việt Nam đã đạt hơn 721 triệu USD, vượt qua các đối tác lớn nhất về FDI của Việt Nam là Hàn Quốc, Nhật Bản, vươn lên vị trí thứ 2, bám sát Singapore trong cùng thời gian.

Đáng chú ý, trong tổng số 163 dự án có liên quan đến vốn đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam, các nhà đầu tư Trung Quốc đang đẩy mạnh mua vốn cổ phần của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam khi lên sàn với 123 dự án (chiếm 75%) số dự án, chỉ có hơn 35 dự án đầu tư trực tiếp vào cấp mới, tăng thêm vốn và 5 dự án đầu tư tăng vốn.

Con số dự án đầu tư cấp vốn mới, đăng ký tăng thêm của Trung Quốc, thấp hơn nhiều so với số vốn tương ứng của các nhà đầu tư Hàn Quốc là 97 dự án cấp mới, và Nhật Bản là 49 dự án cấp mới.

Nhà máy thép Lào Cai (liên doanh giữa DN Việt Nam và Trung Quốc) đang bị lỗ hơn 1.000 tỷ đồng sau 2 năm hoạt động (ảnh L.Bằng - Vietnamnet)
Nhà máy thép Lào Cai (liên doanh giữa DN Việt Nam và Trung Quốc) đang bị lỗ hơn 1.000 tỷ đồng sau 2 năm hoạt động (ảnh L.Bằng - Vietnamnet)

Về tình hình thu hút FDI chung cả nước, tính đến hết ngày 20/2/2017, vốn FDI cả nước đạt 3,4 tỷ USD, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với khoảng 2,5 tỷ USD, đứng thứ 2 là bất động sản và thứ 3 là kinh doanh bán lẻ ô tô, xe máy...

Với số vốn 721 triệu USD, so với hai tháng cùng kỳ năm 2016, vốn của các nhà đầu tư Trung Quốc đã vượt gấp 4 lần, tốc độ chuyển vốn khá nhanh so với các đối tác đầu tư khác tại Việt Nam như: Mỹ, Nhật Bản, Malaysia...

Về lĩnh vực đầu tư, hiện vốn đầu tư FDI của Trung Quốc đổ vào Việt Nam tập trung phần lớn vào các ngành như: dệt may, da giày, bất động sản, xây dựng, dây và cáp điện, nhiệt điện và khai khoáng...

Một số dự án của nhà đầu tư Trung Quốc tiêu biểu là dự án nhà máy sản xuất Polyester và sợi tổng hợp Billion Việt Nam, tổng vốn đầu tư 220 triệu USD tại Tây Ninh. Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp Lan Sơn và nhà máy nhựa Khải Hồng Việt, 150 triệu USD tại Bắc Giang....

Tính đến hết ngày 20/02/2017, theo Cục Đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư Trung Quốc đã thu hẹp khoảng cách với các nước đứng đầu, rút ngắn sự chênh lệch về vốn đầu tư so với các nước khác. Hiện, Trung Quốc đứng thứ 8 trong nhóm 10 nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, xếp trên Hoa Kỳ, Thái Lan, xếp sau các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore, Anh...

Cụ thể, hiện Trung Quốc đã đổ 11,1 tỷ USD vào Việt Nam, vượt trên con số 10,2 tỷ USD của Hoa Kỳ, đứng sau so với các đối tác như Hàn Quốc (hơn 50,9 tỷ USD), Nhật Bản 42,5 tỷ USD và Singapore là 39,4 tỷ USD...)

Mặc dù có sự chuyển vốn đầu tư nhanh nhưng hiện các nhà đầu tư Trung Quốc vẫn chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực, ngành thâm dụng tài nguyên, ô nhiễm mỗi trường và nguy cơ về chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cũ từ Trung Quốc như: dệt may, sắt thép, khai thác khoáng sản, thủy - nhiệt điện...

Chất lượng các dự án đầu tư FDI của Trung Quốc hiện được các chuyên gia kinh tế đánh dấu hỏi so với nhiều đối tác đầu tư lớn ở Việt Nam như Nhật, Hàn và Singapore và một số nước châu Âu khác.

Nguyễn Tuyền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm