1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Việt Nam ký vay hơn 34.200 tỷ đồng vốn ưu đãi từ Hàn Quốc

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam vừa thay mặt Chính phủ hai nước đặt bút ký Hiệp định khung các khoản tín dụng từ Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) giai đoạn 2016-2020, trong đó khoản vay 1,5 tỷ USD (hơn 34.200 tỷ đồng) phục vụ các công trình hợp tác giữa hai nước.

Được biết, Hiệp định là khoản tín dụng từ Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF), trong đó có một số điều kiện đi kèm về thời gian vay, quy định về thời hạn giải ngân vốn và có mức lãi suất ưu đãi.

Công trình cầu Nhật Tân (Hà Nội) sử dụng vốn vay từ Nhật Bản
Công trình cầu Nhật Tân (Hà Nội) sử dụng vốn vay từ Nhật Bản

Tuy nhiên, các khoản vay cho các công trình cụ thể, cùng thời gian thực hiện, lãi suất chưa được tiết lộ vì chờ đợi hai bên lựa chọn dự án.

Được biết, khoản tín dụng này sẽ được sử dụng để tài trợ cho các dự án do Chính phủ hai nước lựa chọn. Hiệp định gồm những nội dung, quy định về quy mô và điều kiện vay; quy trình trao đổi, ký kết, thực hiện, giải ngân dự án; ưu đãi của phía Việt Nam đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA Hàn Quốc và văn phòng Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc tại Việt Nam.

Được biết, khoản vốn ODA của phía Hàn Quốc dành cho Việt Nam đã được thỏa thuận từ tháng 6/2016 khi đại diện phía Hàn Quốc và Việt Nam có đối thoại chính sách về vay vốn ODA, trong đó phía Hàn Quốc yêu cầu được tham gia vào các dự án phát triển kết cấu hạ tầng, giám sát các hoạt động xây dựng cầu đường và cơ sở phát điện.

Phía Hàn Quốc muốn tăng tỷ lệ cho Việt Nam vay vốn ODA với lãi suất thấp thay vì vốn viện trợ không hoàn lại.

Từ năm 1992 đến năm 2015, Hàn Quốc đã cho Việt Nam vay vốn dưới các hình thức ODA, song phương có lãi suất khoảng 2,8 tỷ USD. Phía Hàn Quốc quan tâm đến các lĩnh vực cho vay vốn như: hạ tầng quy mô lớn, đường sắt, y tế, công nghệ thông tin.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam hiện là nước có thu nhập trung bình nên những khoản vay ODA không hoàn lại hoặc vay ODA lãi suất thấp sẽ không còn, mà thay vào đó là các khoản vay có lãi suất trung bình, vay lãi suất cao. Điều này nảy sinh vấn đề các dự án ODA nếu không phân bổ vốn hiệu quả, có nhà thầu tốt sẽ khiến hiệu quả vốn giảm, chi phí dự án tăng và gánh nặng nợ công tăng lên, nghĩa vụ trả nợ được nới rộng ra.

Hiện một số nước EU, ADB và các định chế tài chính quốc tế chỉ cho Việt Nam vay ODA lãi suất thấp, có thời gian ân hạn ở các lĩnh vực ưu tiên như: y tế, giáo dục và xóa đói giảm nghèo.

Trung tuần tháng 10/2017, ông Fujita Yasuo, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), đã bày tỏ lo ngại về tình trạng chậm thanh toán cho nhà thầu thi công các dự án đang sử dụng vốn ODA Nhật Bản ở Việt Nam, trong đó có liên quan đến các dự án hạ tầng sử dụng vốn ODA của nước này như đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên, tuyến đường sắt đô thị số 2 Hà Nội, đường cao tốc Bắc - Nam (Đà Nẵng, Quảng Ngãi)…

Đại diện của Nhật Bản cảnh báo tình trạng chậm thanh toán tại các dự án ODA đã tăng lên do ảnh hưởng từ các quy định của Luật Ngân sách 2015, cũng như việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 được ban hành. Điều này khiến các DN Nhật không muốn tham gia các dự án ODA tại Việt Nam, các khoảng ODA vay mới vì thế có thể khó khăn hơn.

Nguyễn Tuyền