1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm là căn nguyên của “lạm phát quy hoạch"

(Dân trí) - Trong Báo cáo Đánh giá tác động Dự thảo Luật Quy hoạch được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đưa ra, cơ quan soạn thảo đề cập đến những vấn đề tồn tại, căn nguyên của tình trạng các cấp, bộ, tỉnh và ngành dọc nào cũng xây dựng quy hoạch dẫn đến chồng chéo, kìm hãm sự phát triển, trái ngược lại với tầm nhìn và sứ mệnh của công tác quy hoạch.

Để nảy sinh hàng loạt những quy hoạch treo, quy hoạch chồng chéo, mâu thuẫn nhau như thời gian qua, Bộ KH&ĐT khẳng định: nhiều lãnh đạo Bộ, ban ngành và địa phương có tư duy nhiệm kỳ và lợi ích cục bộ
Để nảy sinh hàng loạt những quy hoạch treo, quy hoạch chồng chéo, mâu thuẫn nhau như thời gian qua, Bộ KH&ĐT khẳng định: nhiều lãnh đạo Bộ, ban ngành và địa phương có tư duy nhiệm kỳ và lợi ích cục bộ

Bộ KH&ĐT đã vạch rõ những nguyên nhân, đối tượng đã để nảy sinh những quy hoạch trên bàn giấy, quy hoạch treo, thiếu khả thi, dẫn đến sự lệch lạc trong phát triển. Quy hoạch được lập nhiều nhưng thiếu sự đồng bộ, tính thống nhất và liên kết đã làm gây nhiều khó khăn trong phát triển và quản lý Nhà nước từ trung ương đến địa phương. Nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng trên chính là từ các bộ, ban ngành và người đứng đầu cơ quan, tổ chức.

"Các bộ, ngành chủ yếu tập trung vào việc lập quy hoạch mà không chú trọng đến khâu tổ chức triển khai thực hiện, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm kiểm tra, giám sát, thiếu trách nhiệm khi chất lượng quy hoạch thấp và không khả thi, gây nhiều khó khăn cho các địa phương", báo cáo của Bộ KH&ĐT chỉ rõ.

Đặc biệt, hiện rất nhiều bộ, ngành và các lĩnh vực đều tự xây dựng quy hoạch phát triển nhưng đa phần không phù hợp với quy hoạch chung. Nhiều quy hoạch về khai thác tài nguyên khoáng sản chất lượng thấp dẫn đến nhiều dự án treo; dự án sử dụng lãng phí tài nguyên, phần lớn là khai thác thô để bán, không qua tinh chế, hủy hoại môi trường khiến khan hiếm, cạn kiệt nguồn tài nguyên.

Đáng nói, theo Bộ KH&ĐT, "Quy hoạch thời gian qua bị chi phối bởi ý kiến chủ quan của các nhà lãnh đạo với tư duy nhiệm kỳ và sự ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ dẫn đến nhiều quy hoạch, công trình, dự án không những thiếu khả thi trong thực tế mà còn gây cản trở tới nhà đầu tư có tiềm năng".

Ngoài ra, nguyên nhân cũng đến từ những bất cập của chính sách, pháp luật, Bô KH&ĐT khẳng định: Hiện văn bản pháp luật về quy hoạch đang được điều chỉnh bởi 95 Luật và Pháp lệnh, 85 Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật, Pháp lệnh và các Nghị định... Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc lập quy hoạch tràn lan gây lãng phí nguồn lực.

Theo Bộ KH&ĐT, hiện cụm từ “quy hoạch” thường xuyên bị lạm dụng, ai cũng có thể dùng và xây dựng trong khi không rõ tầm nhìn, sứ mệnh. Nhiều lĩnh vực chỉ cần xây dựng các đề án, chương trình phát triển hoặc xây dựng tiêu chí để quản lý và một số ngành nghề thuộc diện kinh doanh có điều kiện cũng được một số Bộ, ngành và địa phương lập thành quy hoạch gây lãng phí nguồn lực.

Tiêu biểu như quy hoạch tiêu chuẩn, quy chuẩn; quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo ; quy hoạch tổng thể phát triển hành nghề công chứng Việt Nam đến năm 2020 ; quy hoạch ngành nghề nông thôn đến năm 2020 và quy hoạch kinh doanh bán buôn, bán lẻ sản phẩm rượu bia, thuốc lá đến năm 2020 , quy hoạch các điểm bán xăng dầu dọc các tuyến đường.

“Trên thực tế, nhiều sản phẩm do thị trường quyết định (dựa trên quy luật cung - cầu, quy luật giá trị và quy luật cạnh tranh) nhưng vẫn được các cấp, các ngành tổ chức lập quy hoạch làm cản trở trong việc thu hút đầu tư (quy hoạch nuôi, chế biến cá Tra đến năm 2020 và quy hoạch phát triển tôm hùm đến năm 2020, định hướng đến năn 2030), đồng thời gây bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế”, Bộ KH&ĐT lấy ví dụ.

Hầu hết quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp huyện không đóng vai trò là định hướng phát triển, không phù hợp với điều kiện thực tiễn; mặt khác hầu hết cấp huyện đều không tự chủ và cân đối được triển khai đúng tiến độ, phát huy hiệu quả mà chỉ mang tính hình thức.

Công tác thông tin quy hoạch bị coi nhẹ tính công khai và minh bạch. Các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn chưa được tiếp thu ý kiến. Trong thực hiện, doanh nghiệp và công dân gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận và khai thác các quy hoạch phát triển ngành và sản phẩm. Ngay cả cộng đồng dân cư nơi dự kiến quy hoạch phát triển các cơ sở của ngành, lĩnh vực cũng ít được phổ biến tuyên truyền về quy hoạch sau khi đã được phê duyệt.

Nguyễn Tuyền