Từ 15h: Giá xăng tăng mức cao nhất trong năm 2016
(Dân trí) - Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng quỹ bình ổn, kể từ 15h chiều nay (20/12), giá xăng RON 92 tăng 919 đồng/lít lên mức tối đa 17.594 đồng/lít. Giá xăng sinh học (E5) cũng tăng 800 đồng/lít lên mức tối đa 17.322 đồng/lít. Đây là mức tăng giá xăng cao nhất từ đầu năm và cũng là lần tăng giá cuối cùng của năm 2016.
Liên Bộ Công Thương - Tài chính vừa có thông báo mới về điều hành giá bán lẻ xăng dầu từ 15h chiều nay (20/12). Theo quyết định của Liên Bộ, các mức trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu vẫn được giữ nguyên.
Liên Bộ cũng cho phép tăng mức chi sử dụng quỹ bình ổn đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu. Theo đó, mức trích sử dụng với xăng khoáng và xăng sinh học E5 tăng lên 600 đồng/lít, với dầu diesel và dầu hỏa lần lượt 250 đồng/lít và 450 đồng/lít. Dầu mazut trích ở mức 550 đồng/kg.
Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng quỹ bình ổn, kể từ 15h, giá xăng RON 92 tăng 919 đồng/lít lên mức tối đa 17.594 đồng/lít. Giá xăng sinh học (E5) cũng tăng 800 đồng/lít lên mức tối đa 17.322 đồng/lít.
Các mặt hàng dầu diesel tăng 761 đồng/lít lên mức tối đa 13.433 đồng/lít và dầu hỏa tăng 734 đồng/lít lên 11.943 đồng/lít. Dầu mazut được điều chỉnh tăng 672 đồng/kg lên 10.634 đồng/kg.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã tăng 13 lần với tổng cộng gần 6.500 đồng/lít, trong đó, kỳ điều hành này là một trong số những kỳ có mức điều chỉnh mạnh nhất. Cũng từ đầu năm đến nay, giá xăng đã 9 lần giảm với tổng cộng cũng gần 5.000 đồng/lít và 2 lần giữ nguyên giá.
Theo Bộ Công Thương, giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng trong kỳ điều hành vừa qua cao hơn kỳ điều hành trước khoảng 1.019 đồng/lít với xăng RON 92 và 761-822 đồng/lít với các mặt hàng dầu.
Kể từ sau kỳ điều hành trước, giá xăng dầu nhập khẩu liên tục trong xu hướng tăng mạnh. Theo số liệu cập nhật từ Bộ Công Thương, giá xăng RON 92 nhập từ Singapore trong kỳ điều hành 5/12 -19/12 có mức giá trung bình là 63,32 USD/thùng, cao hơn khoảng 5 USD/thùng so với mức trung bình 58,386 USD/thùng kỳ điều hành trước.
Hiện giá dầu trên thị trường thế giới đang có xu hướng tăng sau quyết định cắt giảm sản lượng hôm 30/11 từ các thành viên OPEC. Giá dầu thế giới những ngày đầu tuần này tiếp tục tăng nhẹ khi giới đầu tư dự báo nguồn cung dầu sẽ thắt chặt hơn trong năm sau do thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Giá dầu thô Brent có thời điểm giao dịch ở mức 55,57 USD/thùng, tăng 0,6 USD/thùng so với đóng cửa cuối tuần trước. Giá dầu WTI có lúc tăng 0,43 USD/thùng, lên mức 52,33 USD/thùng.
Theo tin từ CNBC, Goldman Sachs đã tăng dự báo giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) cho quý II năm sau lên mức 57,5 USD/thùng, từ mức 55 USD/thùng đưa ra trong lần dự báo trước đó. Dự báo giá dầu thô Brent được Goldman Sachs tăng lên 59 USD/thùng, từ mức 56,5 USD/thùng.
Dù tăng theo đà chung của thế giới nhưng giá xăng tăng liên tục trong những kỳ điều hành gần đây có thể đặt nhiều áp lực trong việc giữ lạm phát ở mức mục tiêu. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2016 tăng 0,48% so với tháng trước. Như vậy, CPI 11 tháng tăng 4,5% so với tháng 12 năm trước, mức tăng này cao nhất trong 3 năm trở lại đây.
Nguyên nhân của việc lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản là do giá lương thực thực phẩm, giá xăng dầu và yếu tố điều hành giá cả qua việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục.
Trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 và 11/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý về vấn đề lạm phát và yêu cầu các bộ, ngành thực hiện các biện pháp điều hành giữ chỉ số CPI cả năm ở mức 5%, chỉ tiêu mà Quốc hội đã đề ra.
Việc CPI tháng 11 tăng 0,48% so với tháng trước, đồng thời CPI 11 tháng năm 2016 đã ở mức 4,5% đặt ra vấn đề trong tháng còn lại cần phải kiểm soát con số này tăng không quá 0,5%.
Phương Dung