Thị trường Trung Quốc: Điểm yếu nhất của doanh nghiệp Việt là thiếu thông tin
(Dân trí) - Trung Quốc mặc dù được đánh giá là thị trường rất tiềm năng cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên đến nay, các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa có nhiều thông tin về thị trường này. Đây là điểm yếu nhất của doanh nghiệp Việt.
Số liệu từ Cục Xúc tiến thương mại (XTTM - Bộ Công Thương) cho thấy, tính đến hết tháng 7/2017, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc đạt 47,2 tỷ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt 15,6 tỷ USD, nhập khẩu 31,6 tỷ USD, nhập siêu 15,97 tỷ USD, giảm 3,49% so với cùng kỳ năm 2016.
Mặc dù dung lượng thị trường Trung Quốc lớn, thuận lợi cho khai thác nhưng theo nhiều doanh nghiệp hiện vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Trong đó, điểm yếu nhất của doanh nghiệp Việt là thiếu thông tin thị trường và đối tác Trung Quốc. Các doanh nghiệp chưa có điều kiện tìm hiểu thực địa tại Trung Quốc nên tiềm ẩn rủi ro về sự tin cậy từ các đối tác.
Rào cản của hàng hóa Việt sang thị trường Trung Quốc
Theo trưởng đại diện Văn phòng đại diện XTTM Việt Nam tại TP. Trùng Khánh (Trung Quốc), ông Đào Việt Anh cho biết: “Gạo, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su, giày dép các loại, hoa quả nhiệt đới, thuỷ sản… là những mặt hàng thị trường Trung Quốc có nhu cầu rất lớn, đồng thời cũng là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam”.
Hiện nay, hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đang được hưởng thuế suất ưu đãi trong khuôn khổ Hiệp định Khu vực Mậu dịch tự do Trung Quốc – ASEAN (CAFTA). Tuy nhiên, khó khăn với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam hiện nay vẫn là vấn đề thuế quan.
"Chúng ta có lợi thế là theo quy định CAFTA thuế đang giảm dần và ở diện sản phẩm rất rộng nhưng Trung Quốc vẫn duy trì mức thuế VAT rất cao từ 13-17%, làm giảm mức độ cạnh tranh về giá của sản phẩm nhập khẩu khi tiêu thụ tại thị trường này”, ông Việt Anh cho biết.
Không những thế, theo ông Việt Anh, hiện nay, Trung Quốc đã ban hành Luật an toàn thực phẩm rất nghiêm ngặt, nhất là với mặt hàng nông thủy sản. Tất cả các sản phẩm thực phẩm khi xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải có chứng thư đi kèm do cơ quan chủ quản nước xuất khẩu cấp.
“Chính với quy định này sản phẩm sữa của VN, đặc biệt là sữa chua của Vinamilk 3 năm rồi chưa vào nổi Trung Quốc mặc dù tại các kỳ hội chợ nhu cầu rất lớn”, ông Việt Anh nói.
Thêm nữa là do, hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc cũng đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ hàng hóa các nước ASEAN. Điều này khiến cho, các sản phẩm của Việt Nam dù có lợi thế nhưng vẫn chịu sức ép không nhỏ. Điển hình là mặt hàng gạo, nhu cầu thị trường Trung Quốc rất lớn nhưng do phải phụ thuộc vào hạn ngạch, nên muốn đẩy mạnh xuất khẩu cũng gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, ông Đào Việt Anh còn nhấn mạnh: “Nhiều doanh nghiệp của Việt Nam chưa thực sự quan tâm đến việc xác minh năng lực, uy tín của doanh nghiệp Trung Quốc đã dẫn đến rủi ro trong quá trình hợp tác”.
“Không những vậy, các doanh nghiệp Việt Nam còn mắc phải một số vấn đề về bất đồng ngôn ngữ; thiếu thông tin về thị trường, chính sách XNK; hệ thống thương nhân để kết nối và giao dịch;...khiến doanh nghiệp Việt chưa tiếp cận sâu được vào thị trường Trung Quốc”, ông Việt Anh khẳng định.
Muốn làm ăn với doanh nghiệp Trung Quốc cần xác minh uy tín
Ông Đỗ Kim Lang, Phó cục trưởng Cục XTTM lưu ý: “Trước khi làm ăn với doanh nghiệp Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam cần xác minh thực lực và uy tín của đối tác nhất là các doanh nghiệp được tìm kiếm qua hình thức internet”.
“Mọi giao dịch đều phải thực hiện bằng hình thức hợp đồng theo thông lệ của thương mại quốc tế, với các điều khoản về giao dịch và giải quyết tranh chấp được thống nhất chặt chẽ và có tính ràng buộc cao”, ông Lang nói.
Ngoài ra, ông Lang cũng khuyên: “Các doanh nghiệp nên có sự tìm hiểu về các quy định XNK của Chính phủ Trung Quốc đối với các hàng hoá mà doanh nghiệp có kế hoạch hợp tác, giao dịch với đối tác Trung Quốc, nhất là những sản phẩm như thực phẩm, nông sản, thuỷ sản vì đây là những sản phẩm chịu sự kiểm soát gắt gao về vấn đề kiểm dịch”.
Để có thể cạnh tranh được trong thị trường Trung Quốc, ông Lang cho rằng: “Doanh nghiệp Việt cần nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, xây dựng thương hiệu. Đồng thời tăng cường tham gia các hoạt động XTTM và mở rộng thị trường do các cơ quan, hiệp hội tổ chức”.
“Đặc biệt, khi làm việc với doanh nghiệp Trung Quốc, mọi tài liệu giao dịch cần được dịch sang tiếng Trung”, ông Lang nhấn mạnh.
Thế Hưng