Thị trường hồ tiêu Việt: Thương lái Trung Quốc lũng đoạn
(Dân trí) - Trước việc hồ tiêu liên tục rớt giá, nông dân và các đại lý thu mua "găm hàng" chờ thời. Trái lại, xuất hiện nhóm doanh nhân Trung Quốc liên tiếp đến các doanh nghiệp xuất khẩu, đại lý "nằng nặc" đòi hợp đồng thu mua giá cao nhưng tiêu thụ... nhỏ giọt.
Nông dân "găm hàng"... chờ thời
Theo số liệu của Phòng xuất nhập khẩu, Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến tháng 7 năm nay, hồ tiêu xuất khẩu đạt khoảng 4.000 tấn, tăng 68% về lượng, tăng 17,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2016.
Giá tiêu trung bình hiện nay dao động từ 89.000 - 91.000 đồng/kg. Giá tiêu hiện tại có tăng nhẹ nhưng chỉ bằng 1/2 so với năm ngoái. Nông dân vẫn còn trữ hàng và bán ra với số lượng vừa phải, chờ giá tăng cao mới bán.
Chị Đặng Thị Hồng (phường Nghĩa Trung, thị xã Gia Nghĩa, Đắk Nông) cho biết, năm ngoái thấy giá hồ tiêu đạt mức kỷ lục nên chị cùng một người họ hàng bỏ ra hơn 1,5 tỷ đồng để mua 14 tấn tiêu tích trữ với hy vọng sẽ bán được giá. Thời điểm đó, giá hồ tiêu tại Đắk Nông đang dao động ở mức 100.000 đồng/kg). Tuy nhiên, đã hơn nửa năm nay, giá tiêu liên tục giảm sâu, có thời điểm giảm xuống còn 70.000 đồng/kg nên chị không dám bán mà chỉ biết ký gửi tại đại lý.
"Hồ tiêu nếu để lâu quá trong kho thì sẽ bị mốc, mọt ảnh hưởng tới chất lượng của hạt. Trong khi giá tiêu liên tục giảm mà công ký gửi không giảm nên dù giá hồ tiêu có lên 100.000 đồng/kg thì chúng tôi cũng không có lãi", chị Hồng thở dài.
Chị này còn cho biết, không riêng gì chị mà nhiều đồng nghiệp trong cơ quan chị và chồng đều đầu cơ, tích trữ hồ tiêu vì cứ tưởng giá tiêu sẽ tăng.
Cũng trong tư thế "găm hàng", chị Nguyễn Trần Yến Linh (ngụ TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cho biết, năm vừa rồi gia đình chị thu hoạch 2 tấn tiêu nhưng không dám bán vì giá... bèo.
"Thời điểm thu hoạch tiêu có giá 120.000 - 130.000 đồng/kg nhưng gia đình tôi chưa bán vội. Nào ngờ, giá tiêu lại liên tiếp xuống thấp, có lúc chỉ tầm 70.000 đồng/kg. Vì vậy, tôi quyết không bán đi mà vẫn hy vọng giá sẽ khả quan hơn rồi mới bán", chị Linh cho hay.
Thương lái Trung Quốc... làm giá thị trường
Lãnh đạo Phòng xuất nhập khẩu Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk cũng như một số địa phương như Gia Lai, Kon Tum chưa ghi nhận việc thương lái Trung Quốc điều khiển thị trường hồ tiêu. Theo ghi nhận của PV, các đại lý cho biết, thông tin doanh nhân Trung Quốc "gom hàng", làm giá thị trường cũng chỉ nghe từ các phương tiện truyền thông.
"Chắc có gom hàng thì cũng ở các doanh nghiệp xuất khẩu chứ nông dân hay đại lý như chúng tôi thì nhỏ bé quá, chưa thấy động tĩnh gì", anh Công Trường, một đại lý hồ tiêu ở Chư Sê, Gia Lai nói.
Trong khi đó, Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA) vừa phát đi cảnh báo về việc một số doanh nhân Trung Quốc đang có những động thái ảnh hưởng đến thương mại hồ tiêu trong nước.
Theo VPA, từ cuối tháng 7 đến nay, giá hồ tiêu trong nước đang có biểu hiện lên xuống bất thường. Cụ thể ngày 28/7 vừa qua giá tiêu xô loại 500 g/l trong buổi sáng đang từ 80.000 đồng/kg vụt tăng lên 86.000 đồng/kg, sau đó đầu giờ chiều lại đột ngột hạ xuống 82.000 đồng/kg. Hiện nay giá vẫn trong tình trạng trồi sụt bất thường.
Theo phản ánh của một số doanh nghiệp hội viên VPA, có bằng chứng cho thấy, có một nhóm doanh nhân Trung Quốc đang điều khiển thị trường hồ tiêu của Việt Nam những ngày qua.
Cụ thể, tại một số công ty xuất khẩu hồ tiêu đều có hiện tượng nhóm doanh nhân Trung Quốc đến doanh nghiệp xuất khẩu tiêu của Việt Nam đặt mua. Điều bất thường là đặt giá nào họ cũng đồng ý mua và yêu cầu làm hợp đồng mua bán. Sau đó, họ thuê khách sạn ở gần trụ sở của công ty xuất khẩu và ngày nào cũng đến hối thúc thực hiện hợp đồng.
Theo thông lệ thường sau 3 ngày kể từ khi ký hợp đồng, họ sẽ chuyển tiền đặt cọc nhưng quá hạn 3 ngày họ đều không chuyển và luôn khẳng định là nhất định sẽ mua. Nhóm doanh nhân này giải thích lý do chậm chuyển tiền là do ngân hàng đang kiểm tra hồ sơ... để trì hoãn thực hiện hợp đồng.
Thủ đoạn này được nhóm doanh nhân "lạ" áp dụng cho nhiều công ty xuất khẩu tạo tín hiệu thị trường đang cần nhu cầu mua với số lượng lớn. Cùng thời gian này, vì biết các doanh nghiệp xuất khẩu phải gấp rút mua gom từ các nhà cung ứng để thực hiện hợp đồng đã ký với họ nên cũng chính nhóm doanh nhân Trung Quốc này lập tức toả đi các địa phương giao dịch với các đại lý thu mua hồ tiêu và hứa sẽ bán cho đại lý với giá thấp hơn giá thị trường lúc đó. Các đại lý này thấy lời nên đồng ý mua ngay để bán lại cho các nhà xuất khẩu.
Tuy nhiên, doanh nhân Trung Quốc chỉ thực hiện bán một phần rất nhỏ với giá thấp trong thời gian ngắn, sau đó họ kêu không có hàng rồi đẩy giá thị trường tăng nóng và bán cho đại lý thương mại theo giá cao của họ.
Lúc đó vì áp lực hối thúc của các giao dịch đã ký giữa đại lý thu mua với nhà xuất khẩu và nhà xuất khẩu với họ, nhóm doanh nhân này sẽ bán hồ tiêu của họ ra cho các đại lý với giá tăng nóng do chính họ đặt ra.
VPA cho biết, hiện nay, một số doanh nghiệp xuất khẩu khi điện thoại lại với nhóm doanh nhân này thì tất cả đều “không liên lạc được”. Cách làm này không mới nhưng đang trở lại gần đây gây nhiều hệ luỵ cho ngành hồ tiêu Việt Nam.
"Thứ nhất, doanh nghiệp Việt Nam mải lo thực hiện hợp đồng (thường họ ký với số lượng khá lớn khiến doanh nghiệp thấy lợi nhuận tốt) với doanh nhân Trung Quốc nên không xuất khẩu đi các thị trường khác được nhưng sau đó nhóm doanh nhân này không thực hiện hợp đồng khiến doanh nghiệp Việt vừa thiệt hại về doanh số vừa bị mất uy tín, mối làm ăn với các DN nhập khẩu ở các thị trường truyền thống khác.
Thứ hai, doanh nhân Trung Quốc gây lũng đoạn thị trường, tạo giá cả biến động trồi sụt liên tục khiến các nhà làm tiêu trong nước e dè không dám mua bán, ảnh hưởng đến các giao dịch giữa nhà cung ứng với nhà xuất khẩu.
Thứ ba, doanh nhân Trung Quốc thu lợi lớn từ việc làm giá theo ý đồ của họ, gây thiệt hại cho nông dân và ngành hồ tiêu Việt Nam bởi việc mua bán đã không theo quy luật thị trường.
Do vậy, "đề nghị các doanh nghiệp thận trọng khi thực hiện các giao dịch với doanh nghiệp mua bán hạt tiêu của Trung Quốc", VPA nêu rõ trong cảnh báo của mình.
Công Quang - Thuý Diễm