"Số phận" Thông tư 20: Bộ bảo chờ, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị bỏ

(Dân trí) - Về "số phận" Thông tư 20 quy định điều kiện thương nhân, doanh nghiệp được nhập khẩu ô tô nguyên chiếc, mới đây, Bộ Công Thương đã có công văn trả lời Tổng cục Hải quan rằng "Bộ này đang tổng hợp các ý kiến để báo cáo Thủ tướng Chính phủ". Trong khi đó, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp VCCI đã gửi văn bản kiến nghị Thủ tướng bãi bỏ Thông tư này.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cơ quan đại diện cho quyền và lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam vừa có văn bản chính thức kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ Thông tư 20 quy định điều kiện thương nhân, DN nhập khẩu xe ô tô mới dưới 9 chỗ ngồi.

Thông tư 20 là điều kiện kinh doanh trái luật

Lý do đưa ra kiến nghị này được VCCI cho biết: Thông tư 20 là trái luật, vi phạm nguyên tắc thị trường, vi phạm Luật Cạnh tranh, Luật Sở hữu Trí tuệ. Đồng thời, các điều khoản hạn chế gia nhập thị trường của DN nhỏ trong lĩnh vực phân phối ô tô đang đi ngược lại với tinh thần cải cách, chỉ bảo vệ quyền và mục đích của các DN lớn, DN nhập khẩu, lắp ráp xe trong nước, gây hại cho người tiêu dùng.

VCCI khẳng định, quy định tại Thông tư 20 có tính chất là một điều kiện kinh doanh vì đã trao quyền cho một số DN nhất định đủ điều kiện thì được kinh doanh, còn các DN khác thì không được. Điều này đi ngược lại với quy định trong Luật Đầu tư và tinh thần cải cách của Chính phủ.


VCCI cho rằng, Thông tư 20 không còn phù hợp với tình hình hiện nay, việc duy trì Thông tư hoặc điều khoản Thông tư này dưới hình thức Nghị định là bảo hộ cho DN lớn, tăng giá xe trong nước so với thế giới.

VCCI cho rằng, Thông tư 20 không còn phù hợp với tình hình hiện nay, việc duy trì Thông tư hoặc điều khoản Thông tư này dưới hình thức Nghị định là bảo hộ cho DN lớn, tăng giá xe trong nước so với thế giới.

"Việt Nam đã có đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng ô tô sản xuất trong nước và nhập khẩu vào Việt Nam. Do đó, không có cơ sở để khẳng định Thông tư 20 giúp làm tăng chất lượng xe ô tô nhập khẩu vào Việt Nam. Vấn đề triệu hồi xe (recall) cũng đã được quy định tại thông tư 19/2012/TT- BGTVT của BGTVT. Thông tư 20 của Bộ Công Thương không nên gánh thêm nhiệm vụ bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật", văn bản VCCI lập luận về sự không cần thiết phải tồn tại Thông tư 20.

Về cơ chế thị trường, theo lý giải của VCCI, Thông tư 20 chỉ tác động đến phần cung mà không ảnh hưởng đến cầu về ô tô của người tiêu dùng Việt Nam. Khi cung giảm mà cầu giữ nguyên thì giá sẽ tăng và người tiêu dùng phải trả tiền cho sự tăng giá này. Nếu khoảng chênh lệch giá này được chuyển vào ngân sách Nhà nước thì vẫn đạt được mục tiêu kiểm soát lượng xe nhập khẩu mà lại có tác dụng tăng thu cho ngân sách nhà nước, có thêm tiền đầu tư cho hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, quy định của Thông tư 20 lại khiến cho các DN sản xuất ô tô trong nước và DN nhập khẩu ô tô có ủy quyền được hưởng khoản chênh lệch tăng giá này.

Tạo môi trường cho nhập khẩu, thay vì nội địa hóa

Ngoài việc dẫn chiếu nhiều điều khoản của Thông tư 20 vi phạm Luật Cạnh tranh, Luật Sở hữu Trí tuệ và Luật Đầu tư, VCCI đặc biệt phản đối việc phân biệt đối xử đối với các loại hình DN khi gia nhập thị trường. Cụ thể: Thông tư 20 đã phân biệt đối xử giữa các DN (có uỷ quyền và không có uỷ quyền), qua đó gián tiếp buộc người tiêu dùng chỉ được mua hàng hoá với một lượng DN nhất định, gây hạn chế cạnh tranh. Khi các DN khác khó hoặc không thể gia nhập thị trường thì toàn bộ thị trường sẽ nằm trong tay một vài DN lớn, hình thành các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh gây thiệt hại lớn người tiêu dùng.

"Sự ra đời của Thông tư 20 đã kéo theo nhiều cách thức để lách luật như cho biếu tặng xe, xe Việt kiều, xe mới làm thủ thuật để thành xe cũ… Điều này khiến các cơ quan quản lý Nhà nước phải ban hành thêm chính sách, duy trì nhân lực, chi phí của bộ máy hành chính nhà nước", cơ quan đại diện cho cộng đồng DN Việt Nam cho ý kiến.

Sự tồn tại của Thông tư 20 là bệ đỡ cho sự thất bại của mục tiêu nội địa hóa, VCCI nhấn mạnh: "Do lợi nhuận từ việc nhập khẩu xe ô tô tăng cao nên có thể sẽ tạo động lực khiến các liên doanh tập trung vào nhập khẩu thay vì nỗ lực sản xuất và nội địa hóa".

Mặt khác, hiện Chính phủ đang soạn thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó quy định, cơ quan Nhà nước không được đặt ra điều kiện dưới hình nào đó mà hạn chế khả năng gia nhập thị trường, kinh doanh của DN nhỏ và vừa, trong khi đó, Thông tư 20 lại đang cản trở việc gia nhập thị trường của các DN nhỏ.

"Việc mong muốn các DN của Việt Nam lớn mạnh là mục tiêu dài hạn của nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu nhà nước tạo ra các DN lớn thông qua biện pháp hành chính, như bắt DN phải lớn thì mới được kinh doanh hoặc cấm DN nhỏ thì sẽ không thể bền vững", văn bản VCCI nêu rõ.

Bị truy "số phận" Thông tư 20, Bộ Công Thương nói gì?

Mới đây trong công văn trả lời Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương khẳng định: "Bộ này đang tổng hợp các ý kiến để báo cáo Thủ tướng Chính phủ".

Cụ thể tại công văn số 691 trả lời Tổng cục Hải quan (Bộ Tài Chính) ngày 28/7, thay mặt Bộ Công Thương, Cục Xuất Nhập Khẩu cho biết: hiện nay, các Bộ, ngành và cơ quan liên quan đang có ý kiến khác nhau trong việc xác định các quy định nêu tại Thông tư 20 là thủ tục hành chính hay điều kiện kinh doanh.

Cục này khẳng định, Bộ Công Thương đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các ý kiến của các bên liên quan. Đồng thời, ngày 8/7/2016, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 1407/VPCP-KTTH thông báo ý kiến của Thủ tướng. Theo đó Chính phủ giao cho Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan để tổ chức thống nhất đánh giá tình hình thực hiện Thông tư 20, trong đó có việc làm rõ các quy định tại Thông tư 20/2011/TT-BCT là thủ tục hành chính hay điều kiện kinh doanh.

Như vậy, với văn bản trả lời nói trên, số phận Thông tư 20 vẫn phải chờ vào thời gian Bộ Công Thương lấy ý kiến các bên, trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Nguyễn Tuyền