Sắp công bố 100 doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2017

Lễ công bố 100 doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2017 sẽ được tổ chức vào chiều ngày 6/12 tới, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, với sự tham dự của khoảng 600 đại biểu đại diện cho các cơ quan Chính phủ, các Bộ, ban ngành, các tổ chức phi Chính phủ lớn trong nước và quốc tế, các tổ chức nghiên cứu, đại diện các khối doanh nghiệp...

10 doanh nghiệp phát triển bền vững xuất sắc lĩnh vực sản xuất 2016
10 doanh nghiệp phát triển bền vững xuất sắc lĩnh vực sản xuất 2016

Vinh danh 100 doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2017

Đây là năm thứ hai liên tiếp, VCCI phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (MOLISA), Bộ Công Thương (MOIT), Bộ Tài nguyên và Môi trường (MONRE), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (VGCL) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) tổ chức "Chương trình đánh giá, công bố các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2017".

Chương trình được thực hiện nhằm mục tiêu truyền thông, phổ biến và vinh danh những doanh nghiệp có những nỗ lực trong phát triển bền vững. Việc thực hiện tốt phát triển bền vững doanh nghiệp sẽ giúp nâng cao uy tín và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, cũng như tạo thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế.

Năm 2016, trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam, cùng với việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Thông báo số 398/TB-VPCP ngày 15/12/2015 về việc xếp hạng doanh nghiệp bền vững từ năm 2016, hướng tới mục tiêu thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, VCCI đã phối hợp với các bên liên quan triển khai thành công “Chương trình đánh giá, xếp hạng các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2016”, gây tiếng vang lớn trong công đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Hơn 400 doanh nghiệp thuộc các loại hình, quy mô khác nhau đã tham gia và được đánh giá dựa trên các thông tin được yêu cầu trong Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (CSI), và được cung cấp bởi chính các doanh nghiệp. Thông qua quá trình này, 100 doanh nghiệp có hồ sơ xuất sắc đã được lựa chọn vào Bảng xếp hạng các doanh nghiệp phát triển bền vững năm 2016.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng thư ký VCCI, Tổng thư ký Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam cho biết, điểm nổi bật của chương trình năm nay là số lượng các doanh nghiệp (DN) tham gia lớn hơn, với gần 500 DN hoạt động trong các ngành nghề đa dạng thuộc hai lĩnh vực sản xuất và thương mại-dịch vụ-xây dựng. Hồ sơ tham dự cũng được các doanh nghiệp đầu tư hơn cả về nội dung và hình thức, cung cấp đầy đủ các thông tin được nêu ra trong Bộ chỉ số giúp Ban giám khảo có căn cứ cụ thể hơn để đánh giá, xếp loại hồ sơ. Điều này chứng tỏ sự nhận thức trong cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ đã có sự thay đổi rất lớn.

Đơn giản hóa tiêu chí và trọng tâm hơn

Theo chia sẻ của ông Vinh, sau năm đầu tiên chương trình được tổ chức thành công, Ban tổ chức đã tiếp thu ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước, đặc biệt là phản hồi từ doanh nghiệp tham gia. Từ đó, rà soát lại bộ tiêu chí trên hai khía cạnh: Bỏ đi những nội dung còn phức tạp, không phù hợp đối với các doanh nghiệp Việt và thêm vào, thay thế bằng những chỉ tiêu bám sát thực tế của các doanh nghiệp trong nước, từ đó khiến cho doanh nghiệp có thể tiếp cận dễ dàng hơn, quá trình xây dựng hồ sơ tham gia được thuận lợi hơn.

Cụ thể, Bộ Chỉ số Doanh nghiệp bền vững đã được rút gọn từ 151 tiêu chí xuống còn 134 tiêu chí để đơn giản hóa và trọng tâm hơn, hướng đến mục tiêu cuối cùng là khiến Bộ chỉ số trở nên phù hợp để áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam. Về cách thức, năm nay các doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ online thay vì quy định phải gửi rất nhiều bản cứng tài liệu về cho ban tổ chức (BTC). “Điều này cũng tạo điều kiện cho BTC chấm điểm và tiếp nhận hồ sơ được dễ dàng hơn", đại diện VCCI nhấn mạnh.

Hội đồng xét duyệt của Chương trình họp và làm việc trước Lễ công bố các doanh nghiệp bền vững
Hội đồng xét duyệt của Chương trình họp và làm việc trước Lễ công bố các doanh nghiệp bền vững
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng thư ký VCCI kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Doanh nghiệp vì sự PTBV
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng thư ký VCCI kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Doanh nghiệp vì sự PTBV

Ngoài ra, theo ông Vinh, thông qua các khóa tập huấn ở các địa phương về Bộ chỉ số xếp hạng doanh nghiệp bền vững CSI, Ban tổ chức nhận thấy rằng các doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu về phát triển bền vững rất lớn, không chỉ là nhận thức mà còn bày tỏ nguyện vọng mong muốn tập huấn để họ quản trị DN của họ tốt hơn trên cả 3 lĩnh vực: kinh tế, xã hội, môi trường.

Vì lẽ đó, khi VCCI phối hợp với các đối tác để xây dựng Bộ chỉ số này, mục tiêu đặt ra là Bộ Chỉ số sẽ không chỉ được những doanh nghiệp lớn áp dụng, mà sẽ trở nên hữu ích cả với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ. Mục tiêu tiếp theo là cố gắng ngày càng đơn giản hóa Bộ chỉ số, để tất cả các doanh nghiệp Việt có thể đáp ứng được. Do đó, trong thời gian tới, việc phát triển Bộ Chỉ số sẽ không thể bỏ qua những tiêu chí gia tăng nội hàm như việc trao quyền cho phụ nữ, hay sự sẵn sàng của doanh nghiệp đối với cuộc cách mạng 4.0, và những chỉ tiêu khác cập nhật với xu hướng của nền kinh tế trong và ngoài nước.

“Lộ trình cho Chương trình đánh giá, công bố các doanh nghiệp bền vững Việt Nam năm 2018 đã được hoạch định, chúng tôi bắt tay tiến hành ngay từ bây giờ nhằm hướng đến một Chương trình có sức lan tỏa lớn hơn, để có thêm nhiều DN lựa chọn PTBV làm xương sống cho chiến lược phát triển lâu dài. Bởi điều đó sẽ giúp kiến tạo những giá trị tốt đẹp hơn cho cộng đồng và cho xã hội. Lễ công bố các doanh nghiệp bền vững hàng năm sẽ chỉ đóng vai trò cột mốc ghi dấu cho một chặng đường nỗ lực, điều quan trọng hơn cả là sức chuyển động nội tại. Các DN trong nước hoàn toàn có thể hoạch định những bước tiến dài hơi và bắt kịp xu hướng đương đại,” ông Vinh nhấn mạnh.