Sabeco bị truy thu thêm gần 2.500 tỷ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt

(Dân trí) - Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng Cục thuế, Cục thuế TP.HCM truy thu hơn 2.479 tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Sau khi bị truy thu hơn 400 tỷ đồng thuế TTĐB năm 2013, Sabeco tiếp tục bị kiến nghị truy thu thêm 2.500 tỷ đồng cho giai đoạn 2010 - 2015.
p.p1 {margin: 0.0px 0.0px 0.0px 0.0px; font: 18.0px Arial}
Sau khi bị truy thu hơn 400 tỷ đồng thuế TTĐB năm 2013, Sabeco tiếp tục bị kiến nghị truy thu thêm 2.500 tỷ đồng cho giai đoạn 2010 - 2015.

Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận thanh tra về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động thanh, kiểm tra, chống thất thu ngân sách Nhà nước với Cục thuế TPHCM.

Đáng chú ý trong thông báo này, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng Cục thuế, Cục thuế TP.HCM truy thu hơn 2.479 tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Cụ thể, báo cáo viết: “Đối với vi phạm về thuế TTĐB của Sabeco: Truy thu nộp bổ sung ngân sách Nhà nước số thuế TTĐB phát sinh tăng phát hiện qua thanh tra từ năm 2010 đến 2014 (do thay đổi giá tính thuế từ Công ty TNHH MTV Thương mại Bia Sài Gòn sang Công ty Cổ phần Thương mại khu vực) của Sabeco là 2.479,021 tỷ đồng (đã trừ số kiến nghị truy thu năm 2013 của Kiểm toán Nhà nước), đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục thuế, Cục thuế TPHCM thực hiện”.

Cách đây gần 2 năm, hồi đầu năm 2015, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị truy thu thuế TTĐB năm 2013 đối với Sabeco 408,8 tỷ đồng. Trong kiến nghị gửi Bộ Tài chính vào thời điểm đó, Kiểm toán Nhà nước cho biết, theo quy định, trường hợp cơ sở sản xuất hàng hoá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt bán hàng qua cơ sở kinh doanh thương mại thì giá làm căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán của cơ sở sản xuất nhưng không thấp hơn 10% giá bình quân của cơ sở thương mại đó bán ra.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã thành lập các công ty con là các cơ sở kinh doanh thương mại để thực hiện bán hàng và kê khai thuế tiêu thụ đặc biệt theo giá bán của cơ sở sản xuất bán cho các công ty con và không thấp hơn 10% so với giá các công ty con bán ra, làm giảm số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp ngân sách Nhà nước.

Cụ thể, với trường hợp Bia Sài Gòn, đơn vị sở hữu thương hiệu Bia Sài Gòn, gồm 2 nhà máy hạch toán phụ thuộc, các công ty con và liên kết. Các đơn vị sản xuất bán sản phẩm bia Sài Gòn cho công ty TNHH MTV Thương mại Bia Sài Gòn (công ty con 100% vốn của Tổng công ty). Công ty này lại tiếp tục bán sản phẩm cho 10 công ty cổ phần thương mại khu vực có vốn góp từ 90 - 94,92%. Các công ty thương mại khu vực sau đó mới bán tiếp sản phẩm cho đại lý cấp 1, là các cơ sở kinh doanh thương mại độc lập.

Theo đó, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, cơ sở sản xuất thực hiện tính, kê khai và nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo giá bán tai công ty TNHH MTV Bia Sài Gòn, thuộc cùng hệ thống sản xuất - tiêu thụ của Tổng công ty, không phải cơ sở kinh doanh thương mại độc lập với cơ sở sản xuất. Kiểm toán xác định với mô hình tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của Tổng công ty thì giá tính thuế phải là giá bán ra của các công ty thương mại khu vực, qua đó xác định tăng thuế tiêu thụ đặc biệt 408 tỷ đồng.

Trên thực tế, câu chuyện truy thu thuế TTĐB của các doanh nghiệp bia cũng tồn tại nhiều ý kiến trái chiều.

Về phía Sabeco, trong “tâm thư” gửi tới các cơ quan truyền thông hồi năm ngoái, phía Sabeco từng cho rằng, kết luận Sabeco “lách thuế”, “trốn thuế”, “chuyển giá” là thiếu căn cứ. Sabeco thực hiện nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng dẫn từ cơ quan thuế.

Về kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Sabeco khẳng định, việc tính thuế tiêu thụ đặc biệt đến các công ty thương mại khu vực (do công ty con của Sabeco là công ty TNHH MTV Thương mại Bia Sài Gòn sở hữu hơn 90% vốn điều lệ) xảy ra hiện tượng thuế chồng thuế, chưa có cơ sở và làm sai lệch bản chất của luật thuế tiêu thụ đặc biệt.

Dưới góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho hay, đây là một trường hợp điển hình về môi trường kinh doanh ở Việt Nam với hệ thống thuế không đảm bảo được tính chắn chắc, ổn định và chỉ một thay đổi nhỏ có thể khiến một doanh nghiệp “đi cả cơ nghiệp”.

Tại cuộc tọa đàm mới đây diễn ra giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI cho rằng, trong vụ việc này, việc giải thích luật đang được trao cho cơ quan kiểm toán, kiểm toán giải thích luật theo cách của mình và áp truy thu. Trước đó, Cục thuế TPHCM và các cơ quan thuế khác, đáng ra khi có cách hiểu khác nhau thì nên hiểu theo cách có lợi cho doanh nghiệp, song ở đây lại ngược lại.

"Việc kiên quyết áp dụng hồi tố kiểu này quá nguy hiểm và tạo ra một tiền lệ quá xấu cho làm ăn kinh doanh ở Việt Nam", ông Tuấn đánh giá.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cho rằng: "Trước đây kiểm toán thấy nộp đúng, sau đó, cũng đơn vị kiểm toán đó con người đó lại bảo phải truy thu. Cơ quan Nhà nước nói thế nào cũng được, muốn kết luận về doanh nghiệp thế nào cũng được là không được. Như thế là thể hiện sự cửa quyền".

Hiện tại, cổ đông Nhà nước đang sở hữu gần 90% vốn điều lệ Sabeco. Sabeco đang có kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán vào cuối năm nay và dự kiến bán toàn bộ vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong năm sau. Được biết, để không ảnh hưởng tới quá trình niêm yết, trong quá trình hoàn thiện hồ sơ niêm yết, khoản dự phòng phải nộp do bị truy thu thuế TTĐB đã được Sabeco "khoanh" lại và chờ xử lý sau.

Ngoài ra, theo nguồn tin của Dân trí, hiện Sabeco cũng dự kiến sẽ trình Bộ Công Thương phương án sử dụng phần lợi nhuận chưa phân phối trước năm 2015, trong đó dự kiến sẽ sử dụng khoảng 2.900 tỷ đồng để xử lý khoản truy thu thuế TTĐB nói trên.

Phương Dung