Ông Nguyễn Thiện Nhân nhận định về thành tựu kinh tế bằng tiếng Anh
(Dân trí) - Trong chương trình Tạp chí kinh tế Bizline trên kênh đối ngoại của Đài Truyền hình Việt Nam được thực hiện bằng tiếng Anh, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã có trao đổi về những thành tựu của kinh tế Việt Nam trong 70 năm kể từ ngày Độc lập.
Trao đổi lưu loát bằng tiếng Anh về những thành tựu của nền kinh tế sau 7 thập kỷ, đặc biệt là sau Đổi mới năm 1986, ông Nguyễn Thiện Nhân cho hay, sau chiến tranh, Việt Nam bắt đầu xây dựng lại đất nước với mong muốn phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, chỉ sau 10 năm đầu tiên, nền kinh tế Việt Nam đã rơi vào khủng hoảng.
Nhận thấy nền kinh tế tập trung là không phù hợp, năm 1986 Việt Nam đã quyết định chuyển đổi sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tại thời điểm đó, GDP chỉ đạt khoảng 6,3 tỷ USD. Đến năm 2014, GDP đã lên tới 186 tỷ USD.
“Như vậy, sau 25 năm, quy mô nền kinh tế việt Nam đã tăng gấp 30 lần. Đây là một thành tựu rất lớn của đất nước”, ông Nhân nói.
Ông cũng chia sẻ: “Tôi nhớ rằng, năm 1983, khi tôi đi bộ đội về và bắt đầu dạy tại một trường đại học, nhà ai có xe đạp để đi đã cảm thấy vui rồi, nay hầu hết mọi người đều có xe máy, thậm chí còn có ô tô. Sở hữu một chiếc tivi cũng là mơ ước của nhiều người thời đó nhưng hiện tại nhà nào cũng có 1-2 chiếc. Có điện thoại thời đó cũng là cả một sự xa hoa, nhưng nay trên tổng số 91 triệu dân thì có đến 150 triệu điện thoại”.
Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 62% năm 1990 xuống còn 8% vào 2014. Với thu nhập bình quân đầu người khoảng 2.000 USD, Việt Nam hiện là nước có thu nhập trung bình.
Riêng về nông nghiệp, ông nhận định, nếu như trước những năm 1980, Việt Nam phải nhập khẩu nông sản thì hiện đã trở thành 1 trong số nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Đây là ngành Việt Nam luôn xuất siêu, giúp tạo việc làm cho hơn 10 triệu hộ dân, sản lượng lớn, năng suất của ngành cũng rất cao.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, ông Nhân cho rằng, hội nhập kinh tế là quá trình quan trọng giúp Việt Nam tiếp cận được nguồn nguyên liệu thô, nhân lực, tri thức và vốn đầu tư từ bên ngoài. Đồng thời, giúp Việt Nam tiếp cận được với các tiêu chuẩn quốc tế trong kinh doanh. Đầu ra của nền kinh tế do đó cũng được cải thiện, tiếp cận được với nhu cầu lớn từ nước ngoài.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, sau khi Hiệp định thương mại tự do với EU hay kết thúc đàm phán TPP, xuất khẩu của Việt Nam sẽ còn tăng mạnh trong tương lai. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam nhập khẩu máy móc để thực hiện công nghiệp hoá nhanh hơn.
"Tuy nhiên, chúng ta chưa hiểu hết được điều kiện và cơ hội từ các thị trường mới này. Vậy nên, chúng ta cần phải học hỏi thêm, cố gắng cải thiện để cạnh tranh và tận dụng được những cơ hội từ hội nhập”, ông nhấn mạnh.
Phương Dung