Nguy cơ ngân sách “mất trắng” hơn 27.300 tỷ đồng
(Dân trí) - Bộ Tài chính cho biết, số tiền thuế nợ đến thời điểm 31/5 thống kê được trên 75.500 tỷ đồng, so với 31/12/2016 đã tăng gần 1.400 tỷ đồng (1,9%). Trong số đó, tiền thuế nợ của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh (không có khả năng thu hồi) lên tới trên 27.300 tỷ đồng,
Khởi tố hơn 50 vụ án liên quan đến buôn lậu
Báo cáo của Bộ Tài chính về công tác quản lý thu và chống thất thu ngân sách Nhà nước (NSNN) cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng thu NSNN ước đạt 563.500 tỷ đồng, mặc dù đã tăng 13,9% so với cùng kỳ nhưng mới chỉ đạt 46,5% dự toán năm.
Trong đó, tổng thu nội địa do cơ quan thuế quản lý đạt 451.200 tỷ đồng. Kết quả này, theo nhận xét của lãnh đạo ngành tài chính, đạt thấp cả về tiến độ thực hiện dự toán và mức tăng trưởng so với cùng kỳ 3 năm gần đây.
Nguyên nhân được chỉ ra, đó là thu tiền bán bớt cổ phần sở hữu của Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạt 16,7% dự toán. Thu cổ tức, lợi nhuận còn lại của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ chỉ đạt 29,8% dự toán.
Một số khoản thu đạt trên 50% dự toán chủ yếu là thu tiền sử dụng đất (ước đạt 80,7% dự toán) và thu từ hoạt động xổ số kiến thiết (đạt 67,4% dự toán). Thu từ hoạt động xổ số kiến thiết mới chỉ thực hiện cân đối vào NSNN từ năm 2017 theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015.
Theo rà soát của ngành thuế, trong 6 tháng đầu năm, cả nước có hơn 61.000 doanh nghiệp thành lập mới nhưng đồng thời cũng có xấp xỉ 33.500 doanh nghiệp chấm dứt kinh doanh. Lũy kế đến 19/6/2017, toàn quốc có gần 597.000 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng gần 29.000 doanh nghiệp (5,1%) so với thời điểm 31/12/2016.
Cập nhật đến ngày 26/6, toàn ngành đã thanh tra, kiểm tra gần 37.000 doanh nghiệp, đạt 40,5% kế hoạch năm 2017. Tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là hơn 7.600 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2016; tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách trên 3.400 tỷ đồng.
Số tiền thuế nợ đến thời điểm 31/5 thống kê được trên 75.500 tỷ đồng, so với 31/12/2016 tăng gần 1.400 tỷ đồng (1,9%). Trong đó, tiền thuế nợ có khả năng thu đến 90 ngày và trên 90 ngày trên 48.200 tỷ đồng, so với 31/12/2016 giảm 489 tỷ đồng.
Trong khi đó, tiền thuế nợ của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh (không có khả năng thu hồi) trên 27.300 tỷ đồng, so với 31/12/2016 tăng gần 1.900 tỷ đồng (7,4%).
Trong lĩnh vực hải quan, trong 6 tháng đầu năm, đã thực hiện trên 3.200 cuộc kiểm tra sau thông quan, xử lý thu gần 700 tỷ đồng; xử lý và thu hồi 316 tỷ đồng nợ thuế phát sinh từ ngày 31/12/2016 trở về trước. Bộ phận hải quan cũng phát hiện, bắt giữ, xử lý trên 6.800 vụ buôn lậu, tăng thu cho ngân sách 151 tỷ đồng. Cơ quan hải quan đã khởi tố án hình sự 20 vụ và chuyển các cơ quan khác khởi tố 37 vụ.
Học kinh nghiệm quốc tế thu thuế từ “kinh tế chia sẻ”, thương mại điện tử
Theo kế hoạch mà ngành tài chính đặt ra trong giai đoạn 6 tháng cuối năm, cơ quan thuế sẽ tăng cường việc quản lý thu hồi nợ đọng thuế, đảm bảo thu hồi kịp thời số nợ thuế vào NSNN, hạn chế thấp nhất tình trạng nợ thuế mới phát sinh.
Các biện pháp quản lý nợ thuế đã được ngành thuế triển khai thực hiện từ đầu năm tập trung vào các nội dung như giao chỉ tiêu thu nợ từ cấp Tổng cục cho đến từng bộ phận tham gia trực tiếp thực hiện quy trình quản lý nợ; đẩy mạnh việc phối hợp giữa bộ phận quản lý nợ với các bộ phận thực hiện các chức năng khác như kê khai, thanh tra, kiểm tra thuế.
Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng phối hợp với người nộp thuế, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước, cơ quan kế hoạch đầu tư... thực hiện nhiệm vụ đôn đốc thu hồi tiền thuế nợ vào NSNN.
Ngành thuế cũng cho biết sẽ chủ động hơn nữa trong việc hợp tác, giao lưu về công tác thuế với khu vực và thế giới. Tăng cường cập nhật tin tức, kinh nghiệm quản lý thuế của các nước, khu vực trên thế giới nhất là những lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh mới, phức tạp như: chuyển giá, thương mại điện tử, thanh toán qua ngân hàng, những lĩnh vực thuộc “kinh tế chia sẻ”...
Bích Diệp