Ngân sách mất hơn 10 tỷ đồng mỗi ngày vì... nợ thuế của ngành Hải quan

(Dân trí) - Tổng cục Hải quan vừa cho biết, số nợ thuế không thể thu hồi của ngành này năm 2016 lên đến gần 3.857 tỷ đồng, tăng trên 137 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, mỗi ngày Ngân sách Nhà nước mất đi hơn 10,5 tỷ đồng tiền thuế.

Số nợ này phần lớn được chuyển từ "nợ có khả năng thu" sang "nợ không thể thu hồi". Số nợ phát sinh từ nợ thuế, phí đối với các hàng hóa xuất - nhập khẩu của các doanh nghiệp, thương nhân; số thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế Thu nhập doanh nghiệp phát sinh trong hoạt động xuất nhập khẩu...

Nợ thuế khó đòi, không thể thu hồi tăng cao trong ngành Hải quan (ảnh minh hoạ)
Nợ thuế khó đòi, không thể thu hồi tăng cao trong ngành Hải quan (ảnh minh hoạ)

Cũng theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2016 tổng số nợ chuyên thu toàn ngành tăng lên hơn 5.640 tỷ đồng, tăng thêm 1.150 tỷ đồng so với năm 2015. Trong khi đó, nợ có khả năng thu hồi được chỉ vào khoảng trên 1.400 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 25%) số nợ chuyên thu. Còn lại toàn bộ thuộc về nợ khó đòi, không thể thu hồi.

Như vậy, với số nợ thuế không thể thu hồi hơn 3.857 tỷ đồng năm 2016, mỗi ngày Ngân sách Nhà nước mất đi hơn 10,5 tỷ đồng tiền thuế.

Theo Tổng cục Hải quan, nguyên nhân số nợ thuế khó đòi, không thể thu hồi của ngành tăng cao là do nhiều dòng sản phẩm bị ấn định thuế cao hơn sau khi thông quan. Số hàng xuất nhập khẩu này thường rơi vào các đối tượng doanh nghiệp (DN) thành lập mới nhưng chỉ sau thời gian ngắn, xuất khẩu được một vài lô hàng xong rồi tự giải thể, khiến Hải quan không thể thu hồi nợ, ra quyết định thu hồi thuế thì DN đã "cao chạy xa bay".

Trao đổi với PV Dân Trí, một lãnh đạo Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho hay: Nợ thuế khó đòi, không thể thu hồi phổ biến là nợ sau khi có quyết định ấn định thuế của cơ quan Hải quan. Do cơ quan Hải quan thường xem xét giá trị khai báo sau khi thông quan để có cơ sở ra quyết định ấn định các loại thuế. Chính vì kẽ hở này, nhiều đối tượng chủ yếu là DN nhỏ, mới thành lập đã nhập khẩu ồ ạt nhiều lô hàng với giá khai báo thấp hơn rất nhiều giá trị thị trường, sau đó giải thể, bỏ trốn khỏi nơi đăng ký kinh doanh trước khi cơ quan hải quan ban hành quyết định ấn định thuế.

Về các loại mặt hàng liên quan đến nợ thuế lớn, theo đại diện Tổng cục Hải quan, đa số mặt hàng hàng gia công, sản xuất - xuất khẩu. Bên cạnh đó, nhiều loại hàng có giá trị kinh tế cao bị khai gian trị giá tính thuế hải quan như ô tô nguyên chiếc, máy móc và linh kiện, phụ liệu cho sản xuất dệt may, điện tử, điện lạnh...

Đáng nói, năm 2016 có nhiều vụ siết nợ thuế lớn diễn ra đối với nhiều doanh nghiệp nhập khẩu và kinh doanh ô tô nguyên chiếc. Số thuế truy thu chủ yếu phát sinh do các DN khai báo sai trị giá hải quan, thấp hơn danh mục khai báo giá của Hải quan và giá thị trường. Số thuế thu về cho ngân sách mặt hàng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc đã lên hàng nghìn tỷ đồng trong năm qua.

Hiện theo Tổng cục Hải quan, cả nước có 03 cục Hải quan địa phương để xảy ra tình trạng nợ đọng thuế chuyên thu khó đòi và không thể thu hồi lớn nhất trong ngành là Cục Hải quan TP.HCM, Cục Hải quan Hải Phòng và Cục Hải quan TP.Hà Nội.

Nguyễn Tuyền