Mua ngân hàng giá 0 đồng: Lo khả năng thu hồi nợ

(Dân trí) - Với việc 3 ngân hàng được NHNN mua lại với giá 0 đồng, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) lo ngại sẽ ảnh hưởng tới ngân sách nhà nước, vì đây đều là những ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu cao.

 


Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng, cần lập một ban giám sát về vấn đề này.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng, cần lập một ban giám sát về vấn đề này.

Trong tiến trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, đến nay đã có 3 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng, bao gồm Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu, Ngân hàng Xây dựng và Ngân hàng Đại Dương.

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội giai đoạn 2015 - 2016, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cho biết, phương án này khiến nhiều cử tri lo ngại.

Theo đó, đây có thể là một biện pháp cấp bách xử lý các ngân hàng yếu kém, tuy nhiên theo ông Nghĩa “nếu mua ngân hàng 0 đồng tức là ngân sách nhà nước sẽ gánh khoản nợ đó”. Vị đại biểu này băn khoăn, liệu rằng có thể thu hồi được những khoản nợ này không, hay “sau 3-5 năm thì ngân sách lại phải gánh chịu?”.

Ông Nghĩa cho rằng, việc mua ngân hàng với giá 0 đồng sẽ khiến ngân sách nhà nước nặng nợ, và do vậy, đại biểu này đề xuất Quốc hội cần phải thành lập một ban để giám sát về vấn đề này.

Trước đó, qua thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, có ý kiến trong Ủy ban đề xuất cần phải công khai, minh bạch cơ chế, chính sách mua ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém với giá 0 đồng.

Hiện tại, với phương án tái cấu trúc theo hướng này của Ngân hàng Nhà nước đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Theo một số chuyên gia về tài chính, ngân hàng thì đây lại là một phương án phù hợp.

Thậm chí, theo TS. Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia thì việc Ngân hàng Trung ương mua lại một số ngân hàng thương mại với giá 0 đồng là “sáng kiến tuyệt vời”.

Còn TS. Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch thường trực LienVietPostBank bình luận, việc mua ngân hàng với giá 0 đồng “tức là đánh chuột nhưng không vỡ bình, đánh chính vào các hội đồng quản trị, cổ đông. Điều này đồng nghĩa với việc, tiền của dân không mất, quyền lợi của người gửi tiền được bảo đảm”.

Về nguồn ngân sách để xử lý khoản nợ xấu cao của các ngân hàng yếu kém này, riêng với Ngân hàng Xây dựng, Phó thống đốc Nguyễn Phước Thanh từng cho biết, để tái cấu trúc, Ngân hàng Nhà nước dự kiến đưa ra khoảng 40.000 tỷ đồng nhằm đảm bảo tổ chức này có thể hoạt động trở lại bình thường. 

Theo báo cáo của Chính phủ lên Quốc hội, giai đoạn 2011-2015, hệ thống các tổ chức tín dụng đã giảm được 17 tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Trong đó có 1 NHTM Nhà nước sáp nhập vào 1 NHTM Nhà nước khác; 4 NHTMCP sáp nhập vào 4 NHTMCP khác; 3 NHTMCP hợp nhất thành 1 NHTMCP; 1 ngân hàng liên doanh sáp nhập vào 1 ngân hàng nước ngoài khác; 1 NHTMCP hợp nhất với 1 công ty tài chính.

Riêng trong năm 2015, NHNN đã chỉ đạo quyết liệt và hoàn thành việc sáp nhập NHTMCP Nhà Đồng bằng Sông Cửu Long vào NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, NHTMCP Phát triển Mê Kông vào NHTMCP Hàng hải Việt Nam, NHTMCP Phương Nam sáp nhập vào NHTMCP Sài Gòn Thương tín; NHTMCP Xăng dầu Petrolimex sáp nhập vào NHTMCP Công thương Việt Nam.

Bích Diệp

Mua ngân hàng giá 0 đồng: Lo khả năng thu hồi nợ - 2