1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Màn trả lời phỏng vấn dí dỏm của nữ tỷ phú USD đầu tiên tại Việt Nam

(Dân trí) - Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air cho biết mình chưa quen với danh xưng "nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam". Hơn 30 năm làm doanh nhân, kiếm tiền chưa bao giờ là mục tiêu của mình.

800 ngày căng thẳng

Chiều qua (12/4), tại sự kiện Women's Summit 2017 đã diễn ra cuộc phỏng vấn khá thú vị của ông Dominic Scriven, Chủ tịch Quỹ đầu tư Dragon Capital với bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO hãng hàng không Vietjet Air, nữ tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam.

Mở đầu cuộc phỏng vấn, bà Thảo cho biết chưa quen với danh xưng tỷ phú. "30 năm làm doanh nhân, tôi chưa bao giờ nghĩ mục tiêu chính mình có bao nhiêu tiền vì cuộc sống không thiếu thốn. Thế nhưng, khi làm doanh nhân, tôi luôn nghĩ làm sao cho doanh nghiệp, nhân viên mình phát triển tốt nhất", bà Thảo nói.

Kể về quá trình hãng hàng không tư nhân này IPO, bà Thảo cho biết đó là 800 ngày hết sức căng thẳng. Để Vietjet Air IPO, hãng này phải trả vài triệu USD cho 3 hãng luật lớn trên thế giới, có sự tư vấn của 3 ngân hàng quốc tế... Tháng 11/2016, Ban Giám đốc từng ngồi lại để đưa ra quyết định có nên IPO hay không vì phía trước có quá nhiều rào cản.


Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO hãng hàng không Vietjet Air, nữ tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO hãng hàng không Vietjet Air, nữ tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam

"Nguồn sức chịu đựng quy trình 800 ngày căng thẳng này đến từ đâu?", ông Dominic Scriven hỏi. Bà Thảo cho biết, bà làm việc chăm chỉ và thói quen này đã "ăn" vào máu gần 30 năm nay. "Thách thức không đến từ cá nhân mình mà ở đội ngũ của chúng tôi. Tôi phải hướng dẫn, động viên mọi người cùng nhẫn nại, nỗ lực. Nếu không nhẫn nại, bao dung thì khó đi đến cùng kết quả", bà Thảo nói.

Với chủ đề của sự kiện là "Phụ nữ làm thế giới tốt đẹp hơn", ông Dominic Scriven đã hỏi khá nhiều bà Thảo về việc làm thế nào để cân bằng vai trò nữ doanh nhân và người vợ, mẹ.

"Mình mang chất phụ nữ vào trong kinh doanh, mang chuẩn mực quản trị doanh nghiệp, kiến thức hàn lâm, quản trị nhân sự... về nhà. Em bận rộn nhưng cuối tuần vẫn đi xem phim với con lớn, tắm, bế ẵm con bé", bà Thảo dí dỏm.

Nữ tỷ phú này cho rằng, đấu tranh cho bình đẳng giới, quyền lợi phụ nữ thì chắc nhiều người làm rồi. Cách của bà là "hãy cho đi và đừng mong chờ nhận lại". Khi cho đi với tất cả cái tâm, sự bao dung, dịu dàng của phụ nữ... cùng với năng lực chuyên môn, kinh nghiệm thì cộng đồng và đối tác sẽ ghi nhận những nỗ lực của chúng ta. Không đóng góp mà đòi hỏi người ta công nhận, cho mình cái quyền này, lợi kia thì chỉ là một chiều thôi.

"Khổng Tử nói: "người phụ nữ trách nhiệm gấp 3 lần người thường" thì mình cũng nỗ lực gấp 3 lần đi. Nếu được công nhận thì đó là món quà cuộc sống, còn không thì thôi. Em sẽ không tiếp tục đấu tranh mà hãy để em làm thì cũng hài lòng lắm rồi", nữ tỷ phú nói.

CEO Vietjet cho rằng, thách thức lớn nhất của mình làm sao có thể thăng bằng thiên chức người phụ nữ và vẫn làm tốt nhất vai trò của lãnh đạo trong tổ chức, doanh nghiệp của mình. "Phụ nữ Việt Nam không chỉ lo cho con cái mà phải quán xuyến việc nhà, nấu ăn, đồ đạc ủi sạch thơm tho. Phải biết cách thắt cà vạt cho chồng vừa nhanh và đẹp. Phải nỗ lực gấp 3 lần người bình thường", bà Thảo nói.


Cuộc phỏng vấn khá thú vị của ông Dominic Scriven, Chủ tịch Quỹ đầu tư Dragon Capital với bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO hãng hàng không Vietjet Air

Cuộc phỏng vấn khá thú vị của ông Dominic Scriven, Chủ tịch Quỹ đầu tư Dragon Capital với bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO hãng hàng không Vietjet Air

Tiếp tục bay với... Bikini

Ông Dominic Scriven cho biết, hiện có ý kiến cho rằng, sự cố tiếp viên mặc bikini trên chuyến bay là Vietjet đang quảng cáo "trá hình" và Vietjet đang "cướp" khách của hãng hàng không khác.

Nữ tỷ phú Phương Thảo thừa nhận, vụ tiếp viên mặc bikini là một... tai nạn lớn. Đó là dịp hãng này khai trương chuyến bay đến thành phố biển mùa hè. Hãng cho nhân viên trình diễn bikini trên tàu. Ngay sau đó, Vietjet Air đã bị Cục hàng không phạt 1.000 USD vì "tội" biểu diễn bikini mà không xin phép. "Cục hàng không có cấp phép biểu diễn nghệ thuật đâu mà xin phép. Đó không phải chiêu PR. Chúng tôi muốn hướng đến sự tự do cao nhất của con người. hành khách, nhân viên của tôi có quyền mặc mọi thứ mà người ta thích. Người khác có quyền thích hay không thích nhưng em thì thấy vui. Mang lại niềm vui cho người khác thì mình cũng hạnh phúc", bà Thảo nói.

Khi được hỏi, hãng có ý định tiếp tục cho nhân viên mặc bikini không, bà Thảo nói ngay: "Nếu cho em làm lại thì em vẫn làm anh ạ".

Bà Phương Thảo cũng bác bỏ lập luận cho rằng Vietjet Air cạnh tranh trực tiếp với hãng hàng không khác. "Theo thống kê, mỗi chuyến bay của Vietjet có 20-30% khách hàng là người lần đầu tiên đi máy bay. Vietjet tạo ra khách hàng mới cho mình. Chúng tôi tạo cơ hội cho hàng triệu người chưa đi máy bay chứ không lấy khách hàng của ai cả", nữ tỷ phú khẳng định.

CEO Vietjet Air cũng cho biết, ngoài lĩnh vực hàng không, bà còn hoạt động trong các lĩnh vực khác như tài chính ngân hàng, điện, bất động sản, khách sạn, du lịch... Bà Thảo tiết lộ, sắp tới, Vietjet sẽ đầu tư vào hạ tầng, nhà ga sân bay.

Vietjet là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên giới thiệu cổ phiếu ra công chúng theo chuẩn mực và quy trình quốc tế (Reg S). Có định chế tài chính lớn tư vấn như BNP Paribas, Deutsche Bank và JP Morgan và 3 công ty luật danh tiếng thế giới

Công Quang