Loạt “sếp” hầu toà, cổ phiếu ngân hàng, dầu khí “đua” tăng giá

(Dân trí) - Trong khi các đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) và Tập đoàn Dầu khí (PVN) được đưa ra xét xử thì trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngân hàng và cổ phiếu dầu khí lại tăng điểm mạnh mẽ, trở thành trụ đỡ giúp thị trường phục hồi sau đợt điều chỉnh đầu phiên sáng.

Các chỉ số khởi đầu phiên giao dịch hôm nay (8/1) không mấy thuận lợi, thị trường bị rung lắc mạnh do sự điều chỉnh diễn ra tại nhiều mã lớn trong rổ VN30.

Áp lực bán tại các bluechip như DHG (Dược Hậu Giang), GAS (PV GAS), VNM (Vinamilk), VIC (Vingroup), VJC (Viet Jet, PLX (Petrolimex), HPG (Hoà Phát)… khiến sàn TPHCM đỏ lửa, chỉ số VN-Index đi xuống, có lúc đã mất ngưỡng 1.010 điểm. Tuy nhiên, áp lực bán không lớn nên sau đó, thị trường vẫn trụ được và dần phục hồi.

Tạm đóng cửa phiên sáng, các trụ cột như VNM vẫn giảm 4.600 đồng (2,5%); SAB giảm 4.600 đồng (1,74%); VIC giảm 700 đồng (0,88%)… Có tổng cộng 185 mã giảm giá, 10 mã giảm sàn.

Dù vậy, thị trường được hỗ trợ đáng kể với 184 mã tăng, 22 mã tăng trần, đưa VN-Index vẫn tăng nhẹ 3,45 điểm tương ứng 0,34% lên 1.016,1 điểm và HNX-Index tăng 1,07 điểm tương ứng 0,9% lên 119,98 điểm.

Thanh khoản đạt 151,2 triệu cổ phiếu trên sàn HoSE (tương ứng 3.704,8 tỷ đồng) và 32,2 triệu cổ phiếu trên HNX (tương ứng 532,6 tỷ đồng).

Thị trường chứng khoán giằng co đầu phiên nhưng đã bứt tốc để hồi phục trong ngày xét xử một loạt cựu lãnh đạo ngành ngân hàng và dầu khí.
Thị trường chứng khoán giằng co đầu phiên nhưng đã bứt tốc để hồi phục trong ngày xét xử một loạt cựu lãnh đạo ngành ngân hàng và dầu khí.

Cổ phiếu ngân hàng có một phiên giao dịch ấn tượng và là cảm hứng để thị trường hồi phục. “Ông lớn” BID tăng 1,64%; VCB tăng 1,11%; CTG tăng 1,4%; MBB tăng 3,4%; SHB tăng 2,1%...

Giao dịch tại các mã này đều rất sôi động: SHB có tới hơn 8 triệu cổ phiếu khớp lệnh; MBB khớp lệnh gần 6 triệu; CTG khớp 2,3 triệu, VCB khớp hơn 1 triệu đơn vị…

Nhóm cổ phiếu sau thời gian tăng điểm mạnh bị chốt lời đầu phiên, song đã nhanh chóng hồi phục trở lại. GAS tăng 1,5%; PLX tăng 4,2%; PVS tăng 1,9%; PVD và PVX đứng giá.

Một điều trùng hợp là sáng nay, nhiều tên tuổi lớn từng là lãnh đạo trong ngành dầu khí và ngân hàng đều ra tòa để xét xử các vụ đại án kinh tế khác nhau.

Cụ thể, tại Hà Nội, TAND TP Hà Nội bắt đầu xét xử sơ thẩm vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).

Tham dự phiên tòa có 2 nguyên đơn dân sự là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). 6 giám định viên và 60 người tham gia tố tụng là những người làm chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Trong số 22 bị cáo ra trước vành móng ngựa tại vụ án này, có 12 bị cáo bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 165 Bộ luật Hình sự, 8 bị cáo bị truy tố về tội “Tham ô tài sản” quy định tại Điều 278 BLHS.

Hai bị cáo Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc PVC và Vũ Đức Thuận - nguyên Tổng Giám đốc PVC bị truy tố về cả 2 tội danh trên.

Ông Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN - bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trong khi đó, tại TPHCM, TAND TPHCM cũng xét xử vụ án tiêu cực xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) đối với ông Trầm Bê - nguyên Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank Phạm Công Danh - nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng (VNCB), Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh và 20 đồng phạm khác về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ngoài các bị cáo tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) bị truy tố, để phục vụ công tác xét xử, tòa triệu tập ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT, Trưởng Phân ban rủi ro BIDV) cùng nhiều cá nhân khác tại BIDV với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và là người làm chứng.

Phiên tòa này có tới 70 luật sư tham gia bào chữa và bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo, người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Khoảng 200 người, đơn vị được tòa triệu tập phục vụ công tác xét xử.

Bích Diệp

Loạt “sếp” hầu toà, cổ phiếu ngân hàng, dầu khí “đua” tăng giá - 2