1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Lộ mức thù lao "khủng" của nữ tỷ phú đô la đầu tiên tại Việt Nam

(Dân trí) - Với mức thù lao/lương nhận được trong năm 2016 đạt 2,66 tỷ đồng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đang là người có thu nhập cao nhất trong dàn lãnh đạo Viet Jet. Tuy nhiên, điều thú vị là vị tỷ phú này từng chia sẻ, do lớn lên trong điều kiện chưa bao giờ thiếu thốn về vật chất nên chưa bao giờ coi kiếm tiền là mục tiêu.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo được Forbes công nhận là tỷ phú đô la thứ hai của Việt Nam
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo được Forbes công nhận là tỷ phú đô la thứ hai của Việt Nam

Công ty cổ phần Hàng không Viet Jet - Vietjet Air (mã chứng khoán: VJC) vừa công bố mức thù lao/tiền lương chi trả các lãnh đạo (bao gồm Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Ban điều hành) năm 2016.

Theo đó, trong năm vừa qua, hãng bay này đã chi trả hơn 13,1 tỷ đồng cho thù lao/lương lãnh đạo cấp cao. Với cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng giám đốc công ty, bà Nguyễn Thị Phương Thảo là người có mức thu nhập cao nhất tại Viet Jet với 2,66 tỷ đồng, tương ứng mỗi tháng nhận 222 triệu đồng. Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Hà lại chỉ nhận mức thù lao/lương 1,27 tỷ đồng, thấp hơn nhiều vị lãnh đạo khác trong Ban điều hành.

Cụ thể, ngoại trừ ông Nguyễn Đức Tâm, Phó Tổng giám đốc có mức thù lao/lương 1,42 tỷ đồng thì mức thù lao/tiền lương của các Phó Tổng giám đốc còn lại là ông Nguyễn Đức Thịnh, ông Tô Việt Thắng và bà Nguyễn Thị Thúy Bình đều là 1,69 tỷ đồng. Giám đốc điều hành Lưu Đức Khánh là người có mức thù lao/lương thấp nhất (433 triệu đồng).

Trưởng Ban kiểm soát là bà Trần Dương Ngọc Thảo có mức lương/thù lao 754,7 triệu đồng. Mức này xấp xỉ với thù lao/lương của Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Hùng (902 triệu đồng) và Thành viên HĐQT Chu Việt Cường (602 triệu đồng).

Trong khi đó, với số lao động bình quân là 2.435 người, nhân viên Viet Jet trong năm qua có mức thu nhập bình quân là 46,2 triệu đồng/người/tháng. Đây là mức thu nhập bình quân bao gồm của cả phi công và tiếp viên (thông thường phi công do đặc thù công việc sẽ có mức thù lao cao hơn nhiều mức bình quân).

Theo kế hoạch được HĐQT Viet Jet dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông thông qua, năm 2017, doanh nghiệp này sẽ chi 23,28 tỷ đồng cho tổng thù lao, phụ cấp và kinh phí hoạt động cho HĐQT, Ban kiểm soát. Trong đó, 8,28 tỷ đồng cho thù lao HĐQT và Ban kiểm soát; 5 tỷ đồng cho kinh phí hoạt động của HĐQT, Ban kiểm soát và 10 tỷ đồng cho quỹ công tác xã hội từ thiện và cộng đồng.

Hồi cuối tháng 2, cổ phiếu VJC của Viet Jet chào sàn đã đưa người sáng lập là bà Nguyễn Thị Phương Thảo lọt vào danh sách những người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Mặc dù phiên hôm nay (18/4), cổ phiếu VJC giảm phiên thứ 3 liên tiếp, giảm 2.700 đồng (2,1%) còn 129.000 đồng/cổ phiếu, song khối tài sản cổ phiếu của CEO Viet Jet vẫn còn rất lớn, đạt hơn 17.400 tỷ đồng, giàu thứ 3 thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong khi đó, theo thống kê của tạp chí Forbes mới đây, bà Thảo là tỷ phú đô la thứ 2 của Việt Nam, với tài sản 1,2 tỷ USD, đứng thứ 1.678 thế giới.

Mặc dù giàu có thế nhưng bà Thảo từng chia sẻ tại sự kiện Forbes Women's Summit vừa được tổ chức hôm 12/4 rằng: “Gần đây, tôi phải làm quen với một danh từ là tỷ phú. Tôi nói thực vẫn chưa quen với danh từ tỷ phú này”.

“Trong suốt gần 30 năm làm doanh nhân cho đến nay, tôi chưa bao giờ đếm xem là mình có bao nhiêu tiền cả và cũng chưa bao giờ đặt mục tiêu mình trở thành tỷ phú hay triệu phú vào lúc nào hết. Đó là chia sẻ rất thật và chân thành của tôi”, bà Thảo bộc bạch bởi, theo bà, do lớn lên trong điều kiện chưa bao giờ thiếu thốn về vật chất nên chưa bao giờ coi kiếm tiền là mục tiêu của mình.

Bích Diệp