Lệ thuộc FDI gia công, Việt Nam có thể bước vào "bẫy giá trị thấp"

(Dân trí) - Báo cáo của các chuyên gia kinh tế thuộc Trường Đại học Kinh tế Quốc dân khẳng định: Nền kinh tế Việt Nam đang dựa chủ yếu vào sự đóng góp của khu vực FDI (đầu tư 100% vốn từ nước ngoài) tuy nhiên khu vực này đang bộc lộ những tồn tại lớn... Với một nền kinh tế dựa vào khu vực FDI chủ yếu sản xuất gia công, Việt Nam có thể sẽ bước vào "bẫy giá trị thấp".

Trong Báo cáo Nghiên cứu Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2017 với chủ đề Tháo gỡ rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp, GS, TS Trần Thọ Đạt, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cùng các cộng sự tại Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ ra 3 thách thức cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2018 và những năm tiếp theo.

Formosa - một doanh nghiệp FDI đã gây thảm hoạ ô nhiễm môi trường.
Formosa - một doanh nghiệp FDI đã gây thảm hoạ ô nhiễm môi trường.

Thách thức lớn nhất, khó giải quyết nhất là mô hình tăng trưởng chưa có nhiều cải thiện, chất lượng tăng trưởng chưa đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng bền vững. Tăng trưởng nền kinh tế vẫn dựa vào vốn, tín dụng trong khi chất lượng nguồn nhân lực còn thấp.

Đặc biệt, nhóm chuyên gia chỉ ra yếu kém lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là chủ yếu dựa vào đóng góp của khu vực FDI. Tuy nhiên, khu vực này đã và đang bộc lộ những tồn tại lớn.

"Thiếu vắng công nghệ cao và chuyển giao công nghệ không hiệu quả; sản xuất chủ yếu ở ngành chế biến chế tạo đang gây ra ô nhiễm môi trường; đóng góp vào ngân sách không tương xứng trong khi còn có những hành vi chuyển giá.."

Các doanh nghiệp FDI vẫn mang nặng tính gia công, gia công ở vị trí cuối chuỗi sản xuất toàn cầu và Đông Á và giá trị gia tăng tạo ra tại Việt Nam rất thấp.

Cuối cùng là luồng tiền chi trả sở hữu ra nước ngoài gia tăng mạnh, có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ tiết kiệm quốc gia và khả năng đầu tư của nền kinh tế.

Các chuyên gia của Đại học Kinh tế Quốc dân khẳng định: Với một nền kinh tế dựa vào khu vực FDI chủ yếu là gia công, Việt Nam có thể sẽ bước vào "bẫy giá trị thấp".

Trong năm 2018, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, năm 2017 tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào khu vực FDI với giá trị xuất khẩu vào khoảng 71% (152 tỷ USD/214 tỷ USD), nhưng giá trị nhập khẩu cũng chiếm gần 60% (126 tỷ USD/211 tỷ USD).

Các chuyên gia chỉ rõ, doanh nghiệp FDI tại Việt Nam được hưởng chính sách ưu đãi, có năng lực công nghệ nhưng lan tỏa công nghệ còn nhiều yếu kém. Các DN chủ yếu khai thác vị thế của Việt Nam về độ mở thương mại, tài nguyên và lao động giá rẻ để đặt cơ sở gia công, xuất khẩu ra nước ngoài.

Việc nhập khẩu nguyên liệu và nằm ở cuối chuỗi giá trị toàn cầu khiến Việt Nam khó có cơ hội cạnh tranh ở CPTPP cũng như nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới khác. Việt Nam dễ bị tổn thương trước các hàng rào phi thuế quan và các cuộc chiến thương mại đang ngày càng nhiều hơn trong kinh tế toàn cầu.

Nguyễn Tuyền

Lệ thuộc FDI gia công, Việt Nam có thể bước vào "bẫy giá trị thấp" - 2