Kinh doanh online: Qua rồi thời “treo đầu dê, bán thịt chó”
(Dân trí) - Trước đây, khi nghe nói mua hàng online, ai cũng e dè bởi tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó”. Cư dân mạng không còn xa lạ với tình cảnh “hình ảnh mang tính chất minh họa còn thực tế thì... thảm họa”. Nhưng hiện nay, bán hàng online đang ngày càng "chinh phục" được khách hàng.
Nghề tay trái, kiếm tiền nhiều hơn nghề tay phải
Hiện nay xu hướng bán hàng qua mạng (online) đang nở rộ. Người người bán hàng qua mạng, nhà nhà bán hàng qua mạng. Đây đã không còn đơn thuần là “trào lưu” mà là “quy luật cung - cầu”.
Vốn ít, không tốn chi phí cho thuê mặt bằng, trong khi đó lại có thể chủ động về thời gian, bán hàng online đang là trào lưu hấp dẫn nhiều bạn trẻ, dân văn phòng. Nhiều chủ doanh nghiệp “ăn nên làm ra” nhờ hình thức kinh doanh này.
Có thể thấy các trang bán hàng online bây giờ không đơn thuần gói gọn các dịch vụ quần áo, mỹ phẩm… mà còn bán các sản phẩm tươi sống, hoặc các loại đồ ăn chế biến nóng hổi. Nhu cầu sử dụng các sản phẩm sạch đã góp phần tạo nên hình thức bán hàng online này.
Nhiều người đặt câu hỏi “Ai cũng bán vậy lấy đâu ra người mua?”. Chị Bích Tâm, chuyên viên cao cấp của một công ty bất động sản, cũng là bà chủ nhỏ một trang bán hàng online chuyên các đặc sản Quảng Ngãi để kiếm thêm thu nhập cho hay: "Nhà mình thường mua gà quê, các loại rau vườn, đặc sản quê vào ăn nên tiện thể chia sẻ nguồn thực phẩm chất lượng này cho đồng nghiệp, người thân. Dần dần, uy tín tăng nên mọi người giới thiệu với nhau. Đổi lại, mình cũng mua những mặt hàng mà mình không có nhưng bạn bè có để bán”.
Cũng theo Tâm, công việc chính ở cơ quan cũng mang đến cho cô khoảng tiền lương hàng thắng mà "khối người mơ ước". Thế nhưng, sau thời gian ngắn bán hàng online, nhờ "mát tay", Tâm kiếm tiền nhiều hơn lương cơ quan trả. "Bán hàng cũng là cái duyên. Nếu duyên đến và đồng hành thì thu nhập của nghề tay trái có khi cao hơn nghề tay phải. Có khi làm chơi mà ăn thật", Tâm cười tít mắt.
Với doanh thu ngày càng tăng, cô nhân viên bất động sản xinh đẹp này đang suy nghĩ bỏ nghề mà mình theo đuổi để thỏa mãn với niềm đam mê bán hàng online.
Chuyên gia marketing Lê Huỳnh Hoa cho rằng, nhiều người đã trở thành ông bà chủ trên mạng nhờ biết "bán cái người ta cần". Chính nhu cầu sử dụng hàng sạch đã một phần nào đó tạo nên phong trào mua bán online. Đồng thời, đây cũng là cách trao đổi, giới thiệu các mặt hàng chất lượng với nhau.
Ông Hoa cũng cho rằng, ở một nơi năng động như TPHCM, dân văn phòng đi làm cả ngày, nhiều khi 7,8 giờ tối mới về đến nhà; vì vậy, việc ra chợ, siêu thị để mua thức ăn trong ngày là “bất khả thi”. Chỉ cần 1 cú click chuột là mọi mặt hàng đều được giao đến tận nơi. Phí ship (giao hàng) cũng khá rẻ, dao động từ 15.000 - 20.000 đồng trong nội thành. Thậm chí, để kích thích mua hàng, các chủ còn chấp nhận shop free ship (giao hàng miễn phí).
Không còn “treo đầu dê, bán thịt chó”
Trước đây, khi nghe nói mua hàng online, ai cũng e dè bởi tình trạng “treo đầu dê bán thịt chó”. Cư dân mạng không còn xa lạ với những bài viết kiểu như “nhận trái đắng khi mua hàng qua mạng” hoặc “hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa còn thực tế thì... thảm họa”.
Hiện nay, bán hàng online đã hoạt động theo cơ chế thị trường. Sản phẩm chất lượng, được đánh giá cao sẽ nhận được sự quan tâm và đón nhận của người tiêu dùng. Khách hàng cũng rất kỹ lưỡng khi luôn tra các thông tin đánh giá về chất lượng, thái độ phục vụ, giá cả... của sản phẩm, đơn vị phân phối.
Trong khi đó, các chủ shop bán hàng online đều hiểu rõ, nếu chất lượng sản phẩm không tốt, dịch vụ khách hàng không làm hài lòng thượng đế sẽ gây mất uy tín trong cộng đồng mạng. Chỉ cần những phản hồi xấu trên mạng thì doanh thu bán hàng cũng đã giảm đáng kể.
“Lúc đầu, khi đặt mua, khách hàng rất dè dặt vì sợ đụng phải hàng giả. Nhưng khi mua được 1 - 2 lần, có niềm tin ở các shop online thì khách hàng không ngần ngại "vung"... tiền", chị Thu Trang, chủ shop bán hàng xách tay các mặt hàng từ Nhật nói.
Ông Nguyễn Hữu Hồng Minh, chuyên gia tư vấn truyền thông cấp cao cho các công ty nước ngoài tại TPHCM cảnh báo khách hàng nên thận trọng bởi mua hàng trên mạng "thật giả khó lường".
"Để tránh "tiền mất tật mang", khi đặt hàng online, khách hàng nên xem kĩ các đánh giá của những người mua trước. Sản phẩm phải có các hướng dẫn, thông số rõ ràng. Nếu mua ở các shop lạ, ban đầu nên mua ít. Nếu không tin tưởng thì yêu cầu chủ shop chụp hình thật các sản phẩm, dùng dịch vụ tra mã code sản phẩm để tránh bị lừa”, ông Minh khuyến cáo.
"Việc mua sắm, trả tiền qua mạng giúp cho thương mại điện tử tại Việt Nam phát triển, đồng thời góp phần giảm tiền mặt trong mua sắm. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng cần giám sát chặt chẽ để hoạt động này, có hành lang pháp lý cụ thể để bảo vệ quyền lợi người mua và người bán hàng online", ông Minh nói thêm.
Nhằm nâng cao nhận thức và đẩy mạnh hoạt động mua sắm của cộng đồng thông qua các kênh thương mại điện tử; tạo cơ hội cho người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm có chất lượng với mức giá ưu đãi đặc biệt, từ năm 2014, Việt Nam lấy ngày thứ 6 đầu tiên của tháng 12 để tổ chức ngày mua sắm trực tuyến - Online Friday.
Chuỗi sự kiện Online Friday do Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin phối hợp với Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam tổ chức.
Online Friday 2016 dự kiến đạt tổng doanh số 1.000 tỷ đồng, gấp 2 lần năm 2015 và gấp 6 lần năm đầu tiên triển khai 2014.
Công Quang