Kiểm toán Nhà nước điểm tên hàng loạt sai sót tại các "ông lớn" DNNN
(Dân trí) - Trong báo cáo gửi lên Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều sai sót ở hàng loạt dự án lớn do các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước làm chủ đầu tư.
Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa có báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách năm 2016 gửi đến Quốc hội khoá XIV.
Theo báo cáo tình trạng người nộp thuế hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận còn lại phải nộp ngân sách Nhà nước… còn diễn ra phổ biến.
KTNN xác định số phải nộp ngân sách tăng thêm hơn 19.000 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý có Tổng Công ty CP Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn ( Sabeco ) 2.600 tỷ đồng; Tổng Công ty CP Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội (Habeco) 1.800 tỷ đồng; Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam 1.700 tỷ đồng; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam 255 tỷ đồng…
Một loạt dự án công nghiệp lớn dính sai phạm
KTNN cũng chỉ ra nhiều sai sót ở hàng loạt dự án lớn do các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước làm chủ đầu tư. Theo đó, KTNN chỉ ra các sai sót chủ yếu như: chủ đầu tư chưa huy động đủ vốn theo cơ cấu vốn trong phương án tài chính được duyệt; thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư khi chưa có ý kiến tham gia của các cơ quan liên quan, không đúng quy hoạch ngành; phê duyệt dự án khi chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường; không thực hiện đúng cam kết với Thủ tướng Chính phủ về tiến độ khi xin chỉ định thầu.
Bên cạnh đó, Tập đoàn TKV áp dụng lựa chọn nhà thầu không đúng quy định và ký kết hợp đồng vượt giá gói thầu, ký giá trị hợp đồng EPC vượt tổng mức đầu tư; ký kết hợp đồng không đúng quy định, khi chưa có bảo lãnh của Chính phủ; tiến độ hoàn thành dự án còn chậm so với kế hoạch...
Trong đó, Dự án tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng của Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV) có việc lựa chọn nhà thầu không đúng quy định và ký kết hợp đồng vượt giá gói thầu, ký giá trị hợp đồng EPC vượt tổng mức đầu tư. Hợp đồng EPC nhà máy alumin 466 triệu USD nhưng tổng mức đầu tư dự án chưa được điều chỉnh tại thời điểm đó là 6.220 tỷ đồng, tương đương 387,5 triệu USD.
Ngoài ra, một số dự án của các "ông lớn" khác cũng được điểm danh như Dự án đầu tư xây dựng thủy điện Đakđrinh của Công ty CP Thủy điện Đakđrinh (thuộc Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam) cũng được điểm tên trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước. Chủ đầu tư của không huy động đủ vốn để thực hiện dự án, phải sử dụng nguồn vốn sản xuất kinh doanh không có trong phương án tài chính được phê duyệt chi trả cho các chi phí trong giai đoạn đầu tư nhưng chưa được cấp thẩm quyền chấp thuận là 148,98 tỷ đồng.
Dự án đường dây 500 kV nhiệt điện Duyên Hải - Mỹ Tho, vốn đối ứng của EVNNPT 256,503 tỷ đồng bằng 9,14% TMĐT (256,503 tỷ đồng /2.806,260 tỷ đồng) thấp hơn 11,65% so với phương án tài chính được duyệt (20,79%); Dự án thủy điện Nậm Chiến có nguồn vốn tự có theo cơ cấu được duyệt 20,8%, thực hiện 17,5%.
Liên tục điều chỉnh vốn đầu tư, thua lỗ tràn lan
Một số dự án lập, thẩm định, phê duyệt có quy mô, thời gian không tuân thủ Kế hoạch 5 năm được phê duyệt như: Dự án Khai thác mở rộng và nâng công suất khu mỏ - tuyển đồng Sin Quyền - Lào Cai, Dự án Khu liên hiệp gang thép Cao Bằng, Dự án Khu liên hợp gang thép Lào Cai. Các dự án của Tổng công ty Điện lực không tuân thủ quy hoạch ngành điện (Nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả 1,2,3; Nhà máy Nhiệt điện Na Dương 2; Công trình Thủy điện Đồng Nai 5).
Đáng lưu ý, một số dự án lập tổng mức đầu tư không sát thực tế dẫn đến trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh nhiều lần với giá trị lớn. Ví dụ như: Dự án Cảng nhập than Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, điều chỉnh 3 lần tăng 3.020 tỷ đồng; Dự án đường dây 500 kV nhiệt điện Duyên Hải - Mỹ Tho 1 lần tăng 2.309 tỷ đồng; Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn 1, điều chỉnh 2 lần tăng 10.322 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng Thủy điện Đakđrinh 01 lần tăng 1.488 tỷ đồng, đang xin điều chỉnh lần 2 lên 5.887 tỷ đồng;
Dự án thủy điện Nậm Chiến 4 lần tăng 3.361 tỷ đồng; Dự án Tổ hợp Bauxit - Nhôm Lâm Đồng 2 lần tăng 9.194 tỷ đồng; Dự án đầu tư công trình khai thác mở rộng và nâng công suất khu mỏ tuyển đồng Sin Quyền - Bát Xát - Lào Cai 3 lần tăng 1.524 tỷ đồng; Nhà máy nhiệt điện Mạo Khê 01 lần tăng 1.129 tỷ đồng; Nhà máy thủy điện Đồng Nai 5, 1 lần tăng 1.962 tỷ đồng...
Một số dự án có hiệu quả đầu tư thấp do trữ lượng không đạt như khảo sát, giá sản phẩm tiêu thụ giảm mạnh hoặc đang thua lỗ lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất toàn bộ vốn đầu tư.
Trong đó, dự án đầu tư khai thác - Tuyển và luyện quặng vàng gốc, mỏ vàng Minh Lương, Văn Bàn, Lào Cai lỗ lũy kế đến 31/12/2016 là 60 tỷ đồng, còn 97 tỷ đồng chi phí đầu tư chưa phân bổ; các dự án điện của Tổng công ty Điện lực lỗ lũy kế liên tục (năm 2014 lỗ lũy kế 371 tỷ đồng, năm 2015 lỗ lũy kế 846 tỷ đồng và năm 2016 lỗ lũy kế 451 tỷ đồng); Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất Amon nitrat công suất 200.000 tấn/năm và các sản phẩm khác lỗ lũy kế năm 2016 là 142,8 tỷ đồng.
Báo cáo KTNN cũng nhắc đến một số "đại dự án thua lỗ" từng được báo chí nhắc đến nhiều như: Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình đến 31/12/2016 số lỗ luỹ kế 3.197 tỷ đồng, kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2017 lỗ 386,94 tỷ đồng; Dự án Nhà máy Đạm Hà Bắc đến hết tháng 6/2017, số lỗ lũy kế của đơn vị 2.035 tỷ đồng; Dự án Nhà máy DAP Hải Phòng đến năm 2016 lỗ 469,45 tỷ đồng; Dự án Nhà máy DAP số 02 đến hết tháng 6/2017, số lỗ lũy kế 1.447 tỷ đồng; Dự án Khu liên hợp Gang thép Cao Bằng sản lượng năm 2016 chỉ đạt khoảng 37%, đến 31/12/2016 lỗ lũy kế 248,1 tỷ đồng.
KTNN đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kiến nghị xử lý tài chính của KTNN đối với niên độ ngân sách 2016 là hơn 91.300 tỷ đồng.
Số tiền này bao gồm các khoản tăng thu 19.100 tỷ đồng; giảm chi ngân sách 18.400 tỷ đồng; tăng giá trị doanh nghiệp, giá trị vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa 9.639 tỷ đồng…
Phương Dung