Giám đốc WB Việt Nam: “Người cố tình lấn làn, xe buýt nhanh không thể nào nhanh được!”
(Dân trí) - Là đơn vị “rót vốn” ODA cho BRT Hà Nội, đại diện World Bank cho rằng, BRT chỉ là một trong những giải pháp chống ùn tắc giao thông. Điều quan trọng là quy hoạch của Hà Nội phải hướng ra ngoài, chứ không nên hướng vào nội đô. Còn để BRT phát huy hiệu quả, bên cạnh không lấn làn thì người sở hữu xe cá nhân nên chuyển sang dùng phương tiện công cộng.
Nhân dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, ông Ousmane Dione - Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã có những chia sẻ với báo chí về câu chuyện xe buýt nhanh (BRT) tại Hà Nội, vốn đang là chủ đề gây nhiều tranh cãi.
Dự án xe buýt nhanh Yên Nghĩa – Kim Mã chính thức vận hành từ đầu năm 2017, đây là một hợp phần trong Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội, được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt cách đây 10 năm (năm 2007), sử dụng vốn vay ODA của WB. Nguồn kinh phí cho dự án BRT Hà Nội là 53,6 triệu USD. Hiện còn 7 tuyến BRT sẽ được triển khai trên địa bàn Hà Nội.
Thẳng thắn đi vào chủ đề "nóng" này, ông Ousmane Dione nêu ra hai điểm. Thứ nhất, "đây là tuyến BRT đầu tiên tại Việt Nam nên trong quá trình này, chúng tôi phải nói thật là vừa học vừa làm ở Việt Nam", vị đại diện WB trần tình về câu chuyện chậm tiến độ của BRT. Tuy nhiên, ông Ousmane cũng khẳng định rằng, khi đã có bài học đầu tiên thì những dự án BRT tiếp theo sẽ được rút kinh nghiệm và không để lặp lại vấn đề tương tự.
Vấn đề thứ hai được ông Ousmane đưa ra, đó là khi có những dự án thế này thì cần phải chú ý về những ảnh hưởng của dự án lên nhiều khía cạnh khác nhau, chứ không chỉ đơn thuần về giao thông.
Theo đó, bên cạnh nâng cao ý thức của người tham gia giao thông thì cần phải có chương trình xã hội đi kèm, như phải có giải pháp đối với những người đang sử dụng phương tiện cá nhân trong quá trình thành phố tăng cường giao thông công cộng. Mỗi nhóm đối tượng khác nhau thì phải có cách giải quyết khác nhau. Các bên phải ngồi lại với nhau để phân tích, thảo luận nhằm đưa ra được giải pháp giảm thiểu ảnh hưởng đến xã hội.
Xe máy vẫn vô tư lấn làn xe BRT
Ông Ousmane cho rằng, liên quan đến BRT là một hệ thống nên cần sự đóng góp của tất cả mọi người - của người dân, của báo chí, cần có sự ủng hộ đối với những nỗ lực của thành phố, như vậy mới đạt được hiệu quả xã hội.
"Nếu có một tuyến đường riêng mà ai cũng đi vào làn BRT thì chẳng có ý nghĩa gì nữa cả. Nhưng nếu chúng ta có ý thức, những người đi ô tô cá nhân chuyển sang đi phương tiện công cộng thì rõ ràng kết quả sẽ khác. Còn nếu cứ cố tình lấn đường như vừa qua thì xe buýt nhanh cũng không thể nào nhanh được", Giám đốc WB Việt Nam bình luận.
Theo nhìn nhận của đại diện WB, tắc nghẽn giao thông là vấn đề của rất nhiều thành phố, rất khó giải quyết và tốn rất nhiều tiền của. Đây không đơn thuần chỉ là vấn đề di chuyển của cá nhân người tham gia giao thông bị trì trệ mà xét trên bình diện chung của nền kinh tế, khi vận chuyển hàng hóa, lưu thông đi lại trở nên khó khăn hơn thì rõ ràng sẽ có tác động tiêu cực đến hiệu quả kinh tế. Trong bối cảnh đó, BRT là một giải pháp.
Tuy nhiên, ông Ousmane cũng lưu ý, BRT chỉ là một giải pháp và cần thiết phải kết hợp với các giải pháp giao thông khác nữa xây dựng các tuyến tàu điện ngầm (Metro), tăng cường quản lý giao thông một cách tốt hơn và đặc biệt là phải lập quy hoạch đô thị một cách hợp lý.
Hà Nội có 5 thành phố "vệ tinh", cho nên theo Giám đốc WB Việt Nam, quy hoạch thành phố cần làm sao tăng sức hấp dẫn của đô thị, thu hút doanh nghiệp người dân đền đầu tư; phải hướng ra ngoài chứ không phải là chỉ có một hướng vào nội đô.
"Chúng ta sẽ phải dự đoán trước trong tương lai chứ không phải là đợi có tắc nghẽn giao thông mới giải quyết nó, đến lúc đó sẽ khó hơn rất nhiều. Tôi cũng rất mong có ngày nào đấy sẽ được đi tuyến BRT đúng tuyến đường của tôi đi làm", ông Ousmane Dione nói.
Bích Diệp