Gánh nặng thuế phí ở Việt Nam cao nhất khu vực

(Dân trí) - Ngoài việc chịu "thuế lạm phát" hàng năm ở mức hai con số, những chính sách bảo hộ và thuế chồng lên thuế đang khiến mỗi người dân Việt Nam gánh chịu tỉ lệ thuế phí/GDP cao gấp từ 1,4 đến 3 lần so với các nước khác trong khu vực.

Các khoản chi phí không chính thức và tham nhũng tăng

Tại bản Báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 vừa được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội công bố, các tác giả đã chỉ ra rằng tỉ trọng các khoản thu từ thuế và phí đang ngày càng gia tăng ở Việt Nam. Dẫn quyết toàn ngân sách nhà nước của Bộ Tài chính, bản báo cáo cho hay, tổng thu ngân sách nhà nước khá ổn định trong giai đoạn 2007-2011, vào khoảng 29% GDP, nếu chỉ tính thu từ thuế và phí thì con số này là 26,3%.

Khi loại trừ dầu thô, số thu còn khoảng 21,6% GDP, tuy nhiên, thu từ dầu thô lại đang có tỉ trọng ngày càng giảm dần trong tổng thu ngân sách nhà nước, từ khoảng 6,9% GDP trong năm 2007 xuống còn chưa đầy 3,1% GDP trong năm 2011. Hay nói cách khác, tỉ trọng các khoản thu ngoài dầu thô đang tăng.

Trong các nguồn thu ngân sách, thu thuế chiếm tỉ trọng lớn nhất.

Trong các nguồn thu ngân sách, thu thuế chiếm tỉ trọng lớn nhất.

Mức thu thuế và phí (trừ dầu thô) của Việt Nam hiện nay đang rất cao so với các nước khác trong khu vực - các tác giả khẳng định. Cụ thể, trung bình trong 5 năm gần đây, nếu tỉ lệ thu thuế phí/GDP của Việt Nam trên 20% thì ở Trung Quốc là 17,3%, Thái Lan và Malaysia xấp xỉ 15,5%, Philipines 13%, Indosia 12,1% và Ấn Độ chỉ 7,8%.

Tuy nhiên, với ước tính sơ bộ của năm 2010 và 2011 tỷ lệ này vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao, thậm chí gia tăng từ 22,6% lên 24,4%. Tác giả bản báo cáo đưa ra nhận định, ngoài việc chịu "thuế lạm phát" hàng năm ở mức hai con số, những chính sách bảo hộ và thuế chồng lên thuế đang khiến mỗi người dân Việt Nam gánh chịu tỉ lệ thuế phí/GDP cao gấp từ 1,4 đến 3 lần so với các nước khác trong khu vực.

Bản báo cáo cũng chỉ ra rằng, bên cạnh thuế thu nhập, Việt Nam còn áp dụng nhiều khoản thuế cao khác đánh vào tiêu dùng như thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu. Ngoài ra, các khoản chi phí không chính thức phải trả cũng ở mức cao.

Dẫn kết quả điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2011, các tác giả chỉ ra thực tế, mặc dù đã giảm nhưng vẫn có tới hơn 52% số doanh nghiệp được hỏi trả lời rằng họ phải chi  trả dưới dạng tiền lót tay cho các cán bộ hành chính địa phương, 7% số doanh nghiệp phải chi trả tới hơn 10% tổng thu nhập của họ cho các  khoản chi phí không chính thức.

Mặc dù, tham nhũng nhỏ có biểu hiện giảm nhưng tham những lớn lại có xu hướng tăng. Liên quan đến khía cạnh này, có  tới 56% doanh nghiệp tham gia đấu thầu các dự án của nhà nước cho biết việc chi trả hoa hồng là phổ biến.

Thuế cao khuyến khích các hành vi gian lận thuế

Thuế cao khuyến khích các hành vi gian lận thuế

Theo đánh giá của bản báo cáo, tổng mức thu thuế/GDP cao ngoài việc hạn chế khả năng tích lũy, giảm đầu tư phát triển thì còn khuyến khích các hành vi gian lận về thuế.

Đề cập đến hiện tượng chuyển giá gần đây của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), báo cáo dẫn số liệu thống kê những năm gần đây cho thấy, chiếm khoảng 20% GDP trong toàn nền kinh tế nhưng các doanh nghiệp FDI lại  chỉ đóng góp trên dưới 10% tổng thu ngân sách nhà nước. Nhiều doanh nghiệp trong khu vực này liên tục báo lỗ nhưng lại xin mở rộng đầu tư.

Chính việc để mức thuế suất cao hơn so với các nước trong khu vực đã tạo động cơ hấp dẫn cho các doanh nghiệp FDI chuyển lợi nhuận ra ngoài nhằm hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn.

Các tác giả cũng lưu ý, tổng thu thuế và phí của nước ta chủ yếu đến từ 3 nguồn chính: thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt với hàng nhập khẩu. Trong khi các hạng mục thuế khác giảm thì tỉ trọng thu từ thuế giá trị gia tăng và thuế xuất nhập khẩu lại tăng mạnh.

Bản báo cáo cảnh báo, việc phụ thuộc lớn vào những nguồn thuế này, khi lộ trình cắt giảm thuế được thực hiện theo cam kết WTO thì mức độ thâm hụt ngân sách của Việt Nam có thể trầm trọng hơn trong những năm tới.

Bích Diệp