FTA với Hàn Quốc: Mang tỏi ớt, tôm cua cá đổi lấy xăng dầu, ô tô

(Dân trí) - Theo đại diện Bộ Công thương, cam kết cụ thể của Hàn Quốc sẽ dành cho Việt Nam ưu đãi cắt giảm thuế quan, tạo cơ hội xuất khẩu mới quan trọng đối với các nhóm hàng nông, thuỷ sản chủ lực như tôm, cua, cá, hoa quả nhiệt đới...

 

Những mặt hàng nông sản sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu sang thị trường Hàn
Những mặt hàng nông sản sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Tại hội thảo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc, nội dung cam kết, tác động tới doanh nghiệp Việt Nam diễn ra vào sáng 21/5 tại VCCI, ông Phạm Khắc Tuyên, Trưởng phòng Đông Bắc Á, Vụ thị trường châu Á - Thái Bình Dương, Bộ Công thương cho hay, Việt Nam là đối tác đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa đối với những sản phẩm hết sức nhạy cảm như tôm, gừng, mật ong, khoai lang…

“Xét về mặt nguyên lý kinh tế, khi tham gia đàm phán Hiệp định nào cũng trên cơ sở đánh giá lợi ích và thách thức. Việc tham gia đàm phán nhiều người cho rằng Việt Nam không được lợi gì hoặc ít vì cam kết mở cửa nhiều nhưng chưa tận dụng được nhiều. Trên thực tế, Hàn Quốc phát triển hơn và khả năng tận dụng lợi ích cao hơn nhưng Việt Nam cũng sẽ tận dụng được các lợi ích kinh tế, chính trị”, ông Tuyên nói.

Theo ông Tuyên, cam kết cụ thể của Hàn Quốc sẽ dành cho Việt Nam ưu đãi cắt giảm thuế quan, tạo cơ hội xuất khẩu mới quan trọng đối với các nhóm hàng nông, thuỷ sản chủ lực như tôm, cua, cá, hoa quả nhiệt đới và hàng công nghiệp như dệt may, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí… 

Được biết, thuế suất những mặt hàng này rất cao từ 241-420% do đặc biệt nhạy cảm với Hàn Quốc.

Ông Tuyên dẫn chứng, với mặt hàng tôm, Hàn Quốc miễn thuế cho Việt Nam với lượng hạn ngạch 10.000 tấn/năm và tăng dần trong 5 năm đến mức 15.000 tấn/năm miễn thuế trong khi Việt Nam chỉ tận dụng được 2.500 tấn/năm miễn thuế trong tổng số 5.000 tấn/năm dành cho 10 nước ASEAN.

Vị đại diện Bộ Công thương cho hay: “Khi đàm phán với lãnh đạp Hàn Quốc, phải mất 3-4 ngày để đưa ra phương án cuối cùng về việc cắt giảm thuế với các mặt hàng nông sản. Bởi đối với các nước phát triển công nghiệp như Hàn Quốc, việc bảo hộ nông nghiệp là rất nhạy cảm. Đó là lý do tại sao Việt Nam muốn đổi tỏi, ớt, tôm, cua, cá lấy xăng dầu, ô tô, sắt thép”.

Nói cụ thể hơn về các mặt hàng được mở cửa trong đàm phán FTA này, ông Tuyên cho biết, mức cam kết cụ thể của Việt Nam với Hàn Quốc được thực hiện với 200 mặt hàng, có kim ngạch nhập khẩu từ Hàn Quốc là 737 triệu USD.

Trong đó, nguyên phụ kiện dệt may, da giày 31 dòng, kim ngạch nhập khẩu 434 triệu USD/năm. Động cơ, linh kiện, phụ tùng ô tô 33 dòng, kim ngạch nhập khẩu 96 triệu USD/năm.

Nguyên liệu nhựa 8 dòng, kim ngạch nhập khẩu 49 triệu USD, điện gia dùng 15 dòng, kim ngạch nhập khẩu 12,5 triệu USD/năm.

Ô tô bao gồm 1 dòng xe tải trên 10 tấn, 1 dòng ô tô con trên 3000cc, kim ngạch nhập khẩu 4,6 triệu USD/tấn. Linh kiện điện tử 31 dòng, kim ngạch nhập khẩu 33 triệu USD/năm

Theo ông Tuyên, Việt Nam mở cửa thị trường dịch vụ cho Hàn Quốc ở 11 lĩnh vực và khoảng gần 110 tiểu lĩnh vực trong tổng số 12 lĩnh vực và 155 tiểu lĩnh vực bao gồm dịch vụ kinh doanh, viễn thông, xây dựng và các dịch vụ cơ khí, giáo dục, môi trường, tài chính, vận tải…Trong khi Hàn Quốc cam kết mở cửa thị trường dịch vụ cho ASEAN trong 11 lĩnh vực và khoảng gần 110 tiểu lĩnh vực bao gồm kinh doanh, viễn thông, xây dựng, tài chính, vận tải…

Việt Nam mở cửa cho Hàn Quốc so với cam kết WTO và Hiệp định AKFTA trong 2 phân ngành dịch vụ quy hoạch đô thị và kiến trúc cảnh quan đô thị, và dịch vụ cho thuê máy móc và thiết bị khác không kèm người điều khiển. Trong khi Hàn Quốc mở cửa thêm cho Việt Nam so với cam kết trong Hiệp định AKFTA đối với 5 phân ngành là dịch vụ pháp lý, dịch vụ chuyển phát, bảo dưỡng và sửa chữa đường sắt, dịch vụ hỗ trợ dịch vụ vận tải đường sắt, nghiên cứu và phát triển khoa học tự nhiên.

Phương Dung 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm