Doanh nghiệp Mỹ ào ạt đầu tư: Tin tưởng kinh tế Việt Nam sẽ “phất” vào năm 2030

(Dân trí) - Cho rằng Việt Nam còn 30% người dân chưa tiếp cận được nguồn nước sạch nên đây là thị trường rộng lớn, đầy tiềm năng mà các doanh nghiệp trong ngành nước của Mỹ muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác làm ăn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Mỹ chỉ mới có ý định bán thiết bị, công nghệ chứ chưa có ý định đầu tư mạnh.

Đầu tư vì tin kinh tế Việt Nam sẽ “phất” vào năm 2030

Chiều 18/7, ông Arun M. Kumar, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Thương mại phụ trách Thị trường Toàn cầu kiêm Vụ trưởng Thương vụ Mỹ đã dẫn đầu phái đoàn thương mại Hoa Kỳ gồm 9 công ty trong ngành nước đến thăm và làm việc tại TPHCM.

Ông Arun M. Kumar cho biết, mục đích của chuyến đi này nhằm tìm hiểu thị trường hạ tầng ngành nước đang phát triển trong khu vực như Philippines, Singapore và Việt Nam. Các thành viên trong đoàn sẽ gặp gỡ với các đối tác, lãnh đạo địa phương, các nhà phân phối và khách hàng tiềm năng đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, tham dự các cuộc họp tiếp xúc doanh nghiệp.

Phái đoàn thương mại Hoa Kỳ gồm 9 công ty trong ngành nước đến thăm và làm việc tại TPHCM
Phái đoàn thương mại Hoa Kỳ gồm 9 công ty trong ngành nước đến thăm và làm việc tại TPHCM

Theo ông Arun M. Kumar, Bộ Thương mại Mỹ cũng như các doanh nghiệp hiện đang tập trung cho khu vực Đông Nam Á bởi đây là thị trường rộng lớn, năng động, tốc độ phát triển nhanh chóng và tạo ra nhiều nhu cầu về ngành nước trong khu vực. Các doanh nghiệp trong ngành nước của Mỹ tự tin sẽ hỗ trợ về công nghệ xử lý nước sạch, xây dựng các bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong ngành nước ở các quốc gia Đông Nam Á.

Nói về quan hệ Việt - Mỹ, ông Arun M. Kumar khẳng định, hiện 2 nước đang ở tầm cao mới. Kinh tế sẽ ngày càng rộng và sâu hơn sau khi 2 nước là thành viên của Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương - TPP. “Việt Nam là quốc gia có hưởng lợi nhiều nhất từ TPP. Theo nghiên cứu, kinh tế quốc gia các bạn sẽ tăng mạnh vào năm 2030 nên doanh nghiệp Mỹ muốn đầu tư vào Việt Nam”, ông Arun M. Kumar nói.

Tuy nhiên, ông Arun M. Kumar cũng cho rằng, hiện Việt Nam thiếu nguồn cung nước sạch. Chính phủ Việt Nam đang đưa ra các kế hoạch lớn và tham vọng là đảm bảo cung nước sạch cho đô thị và giảm tỉ lệ thất thoát nước sạch hàng năm.

Để giúp Chính phủ Việt Nam đạt các mục tiêu lớn, Ngân hàng Thế giới (WB) và các hình thức hợp tác công tư đã có những hỗ trợ cho ngành nước Việt Nam. Nhưng trong số 23 dự án lớn về đầu tư và xử lý nước thải Việt Nam công bố thì phần lớn các dự án là hoàn toàn mới chứ không phải cải tạo dự án có sẵn. Nên đây là cơ hội đặc biệt để doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam và thiết lập các đối tác mới.

Ông Arun M. Kumar, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Thương mại phụ trách Thị trường Toàn cầu kiêm Vụ trưởng Thương vụ Mỹ nói doanh nghiệp Mỹ đầu tư mạnh vì tin Việt Nam sẽ phất lên sau TPP
Ông Arun M. Kumar, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Thương mại phụ trách Thị trường Toàn cầu kiêm Vụ trưởng Thương vụ Mỹ nói doanh nghiệp Mỹ đầu tư mạnh vì tin Việt Nam sẽ phất lên sau TPP

Từ năm 1975 đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp Mỹ hợp tác tại Việt Nam trong ngành nước và cung cấp các giải pháp quản lý, sử dụng tài nguyên nước bền vững. “Người tiêu dùng Việt đánh giá cao và yêu thích sản phẩm của Hoa Kỳ vì chất lượng tốt. Điểm mạnh nữa là các dịch vụ sau bán hàng, hậu mãi của chúng tôi khá hoàn hảo. Đây là lần thứ 2 tôi đến đất nước của các bạn và tôi muốn được quay lại nhiều lần hơn thế nữa. Tôi rất thích TPHCM, đây xứng đáng là trung tâm kinh tế năng động của Việt Nam”, ông Arun M. Kumar nói.

Lãnh đạo của các công ty trong ngành nước của Mỹ cũng lần lượt giới thiệu về những “tuyệt chiêu” của mình và bày tỏ mong muốn được là “một phần không nhỏ” trong quá trình hợp tác, xử lý nước sạch cho Việt Nam. Có công ty dùng tấm năng lượng mặt trời để sản xuất nước uống; công ty khác thì có công nghệ làm khô bùn trong cống rãnh và dùng bùn đó trong công nghiệp còn nước tách nước thành nước sạch; cũng có công ty xử lý nước sạch vượt cả tiêu chuẩn để uống, thậm chí hạn chế các bệnh dịch tể...

Đến để bán hàng, chưa có ý định đầu tư

Dù muốn tìm kiếm cơ hội tại thị trường còn nhiều tiềm năng về ngành nước như Việt Nam nhưng các doanh nghiệp Mỹ cho biết hiện chỉ dừng lại ở mức bán hàng, công nghệ và đào tạo chứ chưa có ý định đầu tư, mở nhà máy tại Việt Nam.

Ông Arun Kumar cho rằng, khả năng tiếp cận nước sạch ở Việt Nam hiện mới đạt 70%, còn 30% chưa tiếp cận nước sạch nên đây là thị trường lớn. Do đó, các công ty hàng đầu, có kinh nghiệm về ngành nước của Mỹ sẽ tích cực vào Việt Nam. Thông thường, các doanh nghiệp Mỹ khi đến thị trường nước ngoài bắt đầu bằng bán hàng, nếu kinh doanh thành công thì mới tính đến phương án đầu tư, phát triển.

Các doanh nghiệp ngành nước Mỹ chỉ mới dừng lại ở bán hàng, công nghệ chứ chưa đầu tư vào Việt Nam
Các doanh nghiệp ngành nước Mỹ chỉ mới dừng lại ở bán hàng, công nghệ chứ chưa đầu tư vào Việt Nam

Ông Alan Morgan, TGĐ Công ty Hydro Instruments cho biết, ông quan tâm đến thị trường Việt Nam vì nhu cầu nước sạch và xử lý nước thải rất lớn. Tuy nhiên, công ty Hydro Instruments làm ăn thông qua một đối tác ở nước sở tại chứ chưa có kế hoạch mở văn phòng hay đầu tư.

Ông Bob Mason, CEO của The Ford Meter Box Company cũng cho rằng, đầu tư vào một quốc gia không phải là mang tiền mà đầu tư kinh nghiệm và kiến thức nhằm hỗ trợ đối tác để họ có thể nắm bắt, sử dụng công nghệ và thay đổi tư duy. “Tôi đã qua lại Việt Nam trong 20 năm qua. Tôi khẳng định các công ty trong ngành nước Việt Nam như là những sinh viên ham học và học nhanh nhất thế giới. Vì thế chúng tôi muốn đào tạo, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt”, ông Bob Mason nói.

Cũng theo CEO này, thách thức lớn nhất của Việt Nam là hạn chế về tài chính. Để cân đối ngân sách có giới hạn với mong muốn công nghệ chất lượng thì đó là thách thức lớn. “Nước ở Việt Nam chưa đủ sạch để uống ngay tại vòi. Vì thế cần phải có thiết bị chất lượng và hạ tầng ngành nước tốt hơn. Để làm được điều đó, đương nhiên phải đầu tư thêm tiền bạc”, ông Bob Mason nói.

Công Quang