1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Cuối năm, hàng hóa Trung Quốc, ASEAN ùn ùn vào Việt Nam

(Dân trí) - Càng gần những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu dùng, sản xuất tăng cao đồng nghĩa Việt Nam nhập khẩu ngày càng nhiều mặt hàng từ nước ngoài hơn. Trong số đó có những mặt hàng rau củ quả, thực phẩm, thiết bị linh kiện điện tử của Trung Quốc và các nước ASEAN như Thái Lan, Singapore và Malaysia...

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) hết tháng 10, Việt Nam chi 40,2 tỷ USD (hơn 900.000 tỷ đồng) để nhập các hàng hóa từ Trung Quốc. Riêng trong tháng 10, Việt Nam chi 4,3 tỷ USD để nhập hàng từ Trung Quốc, cao hơn 100 triệu USD so với tháng trước đó. Thâm hụt thương mại xuất và nhập khẩu Việt Nam và Trung Quốc từ tháng 9 đến tháng 10/2016 tăng thêm 150 triệu USD/tháng, tương đương 2,15 tỷ USD.

Các mặt hàng Việt Nam nhập nhiều nhất từ Trung Quốc trong thời gian cuối năm là rau củ quả với 169 triệu USD, tăng hơn 1 triệu USD so với tháng trước. Tiếp đến là thức ăn gia súc 228 triệu USD; phân bón 1,5 triệu tấn, bánh kẹo và ngũ cốc 9 triệu USD; vải các loại 4,4 tỷ USD; nguyên liệu dệt may, da giày và may mặc hơn 1,5 tỷ USD.

Kẹo Thái ùn ùn vào Việt Nam (ảnh minh họa)
Kẹo Thái ùn ùn vào Việt Nam (ảnh minh họa)

Đặc biệt, cuối năm nên nhu cầu nhập hàng nguyên liệu sản xuất từ Trung Quốc tăng mạnh từ 3 - 12% so với cùng kỳ. Trong đó, sắt thép, máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện, điện thoại và linh kiện điện tử... là những mặt hàng có kim ngạch lớn nhất.

Mức thâm hụt thương mại tháng 10 và 10 tháng đầu năm của Việt Nam với Trung Quốc mặc dù đã giảm so với cùng kỳ năm trước song tỷ lệ trên 20 tỷ USD và trung bình 2 tỷ USD/tháng mỗi năm. Đây là mức nhập siêu lớn nhất trong các thị trường Việt Nam có quan hệ thương mại.

Điều đáng nói, theo thông tin từ đại diện Tổng cục Hải quan, nhiều mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc dưới dạng tiểu ngạch có giá trị lớn không được kê khai sổ sách do các thương vụ không có hợp đồng giao kết hàng hóa. Phần lớn trong số này là mặt hàng tiêu dùng, may mặc và thực phẩm được vận chuyển dưới danh nghĩa cá nhân nhưng về giá trị nhóm hàng này có giá trị khá cao, do khối lượng lớn.

Ngoài Trung Quốc, thời điểm cuối năm hoạt động nhập khẩu hàng từ các nước ASEAN vào Việt Nam khá mạnh, trong đó có rau củ quả, thực phẩm bia rượu, xăng dầu và đặc biệt là ô tô từ ASEAN tăng đều qua các tháng.

Cụ thể, trong số 10 thị trường có quan hệ thương mại với Việt Nam, Việt Nam nhập siêu ở các thị trường như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Singapore, chỉ xuất siêu ở các thị trường nhỏ như Lào, Campuchia, Philippines... Trong các thị trường Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ ASEAN, đầu tiên phải kể đến Thái Lan, đây là nước mà Việt Nam luôn thâm hụt cán cân thương mại và nhập siêu rất lớn trong nhiều mặt hàng mà Việt Nam có thể sản xuất được như: thức ăn chăn nuôi, thực phẩm, bánh kẹo hay rau củ quả...

Theo đó, trong tháng 10/2016 Việt Nam chi gần 800 triệu USD nhập khẩu các mặt hàng từ Thái Lan, đạt kim ngạch cao nhất trong các nước ASEAN. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu hoa quả, bánh kẹo, ô tô, chất dẻo và hàng điện gia dụng...

Sau thị trường Thái Lan, Việt Nam cũng có kim ngạch nhập khẩu lớn từ Singapore, trong đó cao nhất là mặt hàng xăng dầu với trên 1,3 tỷ USD. Ngoài ra còn có nhiều mặt hàng khác như máy vi tính, linh kiện hơn 900 triệu USD, kế đó là sữa và các chế phẩm thực phẩm khác.

Nhập khẩu từ các thị trường Indonesia và Malaysia cũng tăng tốc. Cụ thể tháng 10, nhập khẩu từ Indonesia đạt hơn 300 triệu USD, tăng 1,5 lần so với cùng kỳ, tính chung 10 tháng Việt Nam nhập từ thị trường này đến 2,3 tỷ USD. Trong đó, mặt hàng nhập nhiều nhất là nguyên liệu giấy các loại, than đá, linh kiện và phụ tùng ô tô... Còn thị trường Malaysia, Việt Nam có "thành tích" nhập khẩu tương tự như với trên 420 triệu USD trong tháng 10, gồm các mặt hàng trọng điểm như xăng dầu, máy móc linh kiện và thiết bị điện tử.

Hiện, ngoài việc nhập khẩu linh phụ kiện cho sản xuất, Việt Nam đã và đang gia tăng nhập khẩu nhiều mặt hàng tiêu dùng, rau củ quả, thực phẩm của nhiều nước trên thế giới không chỉ trong mùa cao điểm tiêu dùng cuối năm mà còn ở các thời điểm khác nhau.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: "Nhập khẩu gia tăng cuối năm cho thấy nhu cầu sản xuất và tiêu dùng hàng ngoại nhập đang có xu hướng tăng mạnh, điều này có lợi cho người tiêu dùng về sự đa dạng hóa mặt hàng, chủng loại, chất lượng. Tuy nhiên, đi liền với chính sách thuế nhập khẩu bị xóa bỏ, nhập khẩu ở nhiều thị trường lân cận đã và đang đặt thách thức rất lớn cho khu vực doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh, duy trì sản xuất và tồn tại. Nếu mùa nhập khẩu cứ tiếp diễn, việc nhập khẩu các mặt hàng tương tự, song song vẫn diễn ra mạnh và đều. Đây là thách thức cực lớn cho khu vực sản xuất trong nước trước thềm hội nhập toàn diện Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2018".

Nguyễn Tuyền