1. Dòng sự kiện:
  2. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Kết quả kinh doanh

"Cơn địa chấn" Brexit: Tác động đến đâu phụ thuộc vào ứng xử của Việt Nam!

(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam là nền kinh tế mở, hội nhập ngày càng sâu rộng và có những mối quan hệ chặt chẽ với các nền kinh tế lớn, các thị trường lớn trên thế giới nên Việt Nam không tránh khỏi tác động của Brexit. Tuy nhiên, tác động đến đâu còn phụ thuộc vào phản ứng chính sách vĩ mô và cải cách của Việt Nam.

Ngay sau khi kết quả bỏ phiếu cho thấy người Anh đa phần muốn rời EU, thị trường tài chính thế giới cũng như Việt Nam đã phản ứng tức thì với thông tin này.
Ngay sau khi kết quả bỏ phiếu cho thấy người Anh đa phần muốn rời EU, thị trường tài chính thế giới cũng như Việt Nam đã phản ứng tức thì với thông tin này.

Phát biểu tại buổi toạ đàm với chủ đề: "Việt Nam nên ứng xử thế nào với Brexit" do Bizlive tổ chức chiều ngày 28/6, TS.Huỳnh Thế Du - Giám đốc Đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) chắc chắn có ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế toàn cầu.

"Và trong đó, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng vì nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, tuy nhiên Việt Nam có mối quan hệ kinh tế đa phương nên tác động không nghiêm trọng lắm. Còn vấn đề tỷ giá, tác động thương mại đến mất giá đồng tiền,… cần phải thời gian quan sát", TS Huỳnh Thế Du nhận định.

Còn phụ thuộc vào ứng xử của Việt Nam

Đồng quan điểm, TS.Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cũng cho rằng, Việt Nam là nền kinh tế mở, hội nhập ngày càng sâu rộng và có những mối quan hệ chặt chẽ với các nền kinh tế lớn, các thị trường lớn trên thế giới nên Việt Nam không tránh khỏi tác động của Brexit.

"Việt Nam cũng đã chịu những tác động tức thời, rõ nhất là sự sụt giảm chỉ số chứng khoán ngay sau sự kiện Brexit. Tuy nhiên, mức độ tác động tiếp theo phụ thuộc vào cách nhìn nhận và kỳ vọng của thị trường đối với sự kiện này, đối với sự vận động của bản thân nước Anh, cách thức “chia tay” Anh - EU, và phản ứng chính sách của các nền kinh tế lớn trên thế giới", ông Thành nói.

Theo ông Thành, Brexit tác động đến Việt Nam như thế nào cũng phụ thuộc vào ứng xử của chính Việt Nam. Chẳng hạn, liên quan đến thương mại, trước mắt có thể chịu ảnh hưởng bất lợi vì không í‎t đồng tiền của các đối tác thương mại của Việt Nam xuống giá so với đồng Việt Nam. Nhưng cũng cần thấy rằng trong trường hợp này, có một số đồng tiền lại lên giá như Yên Nhật, và điều này cũng tạo ra cơ hội ít nhiều để nâng sức cạnh tranh cho hàng hoá Việt Nam.

Về đầu tư, đầu tư trực tiếp của Anh vào Việt Nam có thể không quá lớn, nhưng đầu tư của các dòng vốn “đi qua nước Anh” vào Việt Nam là không nhỏ. Trước mắt việc thu hút dòng vốn này có thể gặp khó khăn, chững lại. Hay đối với Anh và EU, bản thân họ phải vật lộn với chính khó khăn của họ nên sự lựa chọn của họ có thể trở nên xét nét hơn.

"Nhưng bên cạnh đó, các dòng vốn cũng lại đang đi tìm những nơi trú ẩn, đầu tư mới. Nếu Việt Nam thực sự là nền kinh tế với chính sách ngày càng đảm bảo kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh tốt lên, các nhà đầu tư có thể sẽ xem xét và quan tâm đến thị trường Việt Nam. Và điều này phụ thuộc vào phản ứng chính sách vĩ mô và cải cách của Việt Nam", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Cần bình tĩnh xem xét

Ngay sau khi kết quả bỏ phiếu cho thấy người Anh đa phần muốn rời EU, thị trường tài chính thế giới cũng như Việt Nam đã phản ứng tức thì với thông tin này. Dữ liệu trên sàn HSX và HNX cho thấy, ngay trong phiên 24/6, vốn hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam "bốc hơi" 25.423 tỷ đồng.

Theo đánh giá của TS.Lê Đăng Doanh: "Thị trường chứng khoán Việt Nam không nằm ngoài diễn biến chung của thế giới. Tổn thất của thị trường chứng khoán Việt Nam theo số liệu thống kê cho thấy đã mất hơn 1,1 tỷ USD so với quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam là mất mát khá nặng. Nhưng hi vọng thị trường chứng khoán sẽ hồi phục và phản ứng của các nhà đầu tư nước ngoài có lẽ sẽ có giới hạn, không quá nặng nề".

Tuy nhiên, theo TS. Huỳnh Thế Du khả năng rớt sâu của thị trường chứng khoán Việt Nam là không cao và sau biến động thị trường sẽ trở lại bình thường.

"Khi một biến cố xảy ra thì thị trường đã hiệu chỉnh ngay lúc đó, còn chiến lược thời gian tới thì tùy đối tượng nhà đầu tư. Nếu là nhà đầu tư ngắn hạn và tập trung vào chênh lệch giá thì sẽ quyết định mua bán khác với các nhà đầu tư dài hạn. Giá cổ phiếu có thể nhảy cóc, lên xuống do thông tin, do thị trường biến động nhưng sau biến động thị trường sẽ trở lại bình thường", ông Du phân tích.

TS.Võ Trí Thành cũng cho rằng, thị trường đã có sự phản ứng thái quá và sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam là không quá khó hiểu. Tuy nhiên, sau các phản ứng thái quá, thị trường có xu hướng quay dần lại điểm cân bằng mới, gắn hơn với các vấn đề có tính nền tảng của sự phát triển kinh tế như ổn định kinh tế vĩ mô, cách thức phản ứng chính sách vĩ mô cùng xu hướng cải cách cơ cấu của thế giới và Việt Nam.

"Thị trường phản ứng thái quá sau đó có xu hướng quay lại điểm cân bằng mới, song mức độ bất định vẫn còn có thể rất cao. Thị trường phản ứng thái quá đến mức nào và vào thời điểm nào sau đó sẽ thiết lập được mức cân bằng dài hạn luôn là điều rất khó “lượng hóa”", ông nói thêm.

Ông cũng khuyến nghị: "Do tính bất định cao, nên nhà đầu tư cần nhìn lựa chọn đầu tư của mình gắn với các rủi ro có thể, và cùng với đó là các kịch bản khác nhau, với trọng số khác nhau nếu dữ liệu và những phân tích đủ ở mức độ nhất định. Điều không thể thiếu là sự bình tĩnh xem xét và phán quyết".

Phương Dung