1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Chuyên gia Phạm Chi Lan: Vốn Trung Quốc đang tạo gánh nặng nợ phát sinh lớn

(Dân trí) - Dẫn chứng về việc cân nhắc và không nên thỏa mãn hay dễ dàng vay vốn Trung Quốc cho các công trình lớn, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho hay: Vay vốn của Trung Quốc hiện đang tiềm ẩn nguy cơ rất lớn từ đội vốn, tham nhũng và thất thoát tài nguyên, phá vỡ quy hoạch phát triển.

Bà Lan cho hay, trong vấn đề vay vốn Trung Quốc thời gian qua cho Việt Nam nhiều bài học, đặc biệt là gánh nợ phát sinh lớn hơn nhiều so với gánh nợ ban đầu. Ví dụ, dự án đường sắt Hà Đông - Cát Linh lúc đầu có vốn đầu tư chỉ 300 triệu USD vốn vay Trung Quốc, nhưng hiện nay, sau nhiều lần xin điều chỉnh vốn vay, tổng vốn phát sinh đã lên 900 triệu USD, tăng gấp 3 lần số vốn vay ban đầu, nợ phải trả từ đó tăng thêm.

Mới đây, người ta nhắc đến chuyên vay vốn Trung Quốc để làm cao tốc vì chúng ta không thể vay ở đâu khác, bà Lan cho hay: Vay vốn ở đâu cũng được miễn sao phù hợp cho Việt Nam nhưng phải chặt chẽ, minh bạch và đàm phán tốt. Chúng ta nhìn thấy vốn vay Trung Quốc có nhiều vấn đề tại Việt Nam thì cần cân nhắc, nói không với những đồng vốn đầy rủi ro, nguy cơ.

Vốn vay Trung Quốc từ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã và đang tạo hệ quả xấu cho Việt Nam
Vốn vay Trung Quốc từ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã và đang tạo hệ quả xấu cho Việt Nam

"Trung Quốc đang có nhiều khủng hoảng trong nội tại nền kinh tế, mâu thuẫn giữa phát triển nhanh - thần tốc và vấn đề bền vững từ môi trường. Nhiều ngành nghề của họ, công nghệ phát thải ô nhiễm vô cùng nghiêm trọng và hiện nay họ cắt dần, rút bớt các nhà máy này đi. Đường đi của các máy móc, thiết bị này chính là thông qua các gói viện trợ, vốn vay ODA hay đầu tư FDI... Điều này Việt Nam thấy rất rõ từ xi măng, nhiệt điện đến sắt thép hiện nay. Trung Quốc đang thực hiện chiến lược chuyển khủng hoảng, chuyển lạm phát ra nước ngoài, đây là nguy cơ đặc biệt lớn cho các nước nhận vốn nếu không cảnh giác", bà Lan cho biết.

Ngoài ra, hiện nay có tư tưởng muốn đi vay nợ nước ngoài để giải quyết được nhu cầu vốn trong nước, trong khi chúng ta còn nhiều cách thức huy động nội lực hoàn toàn có thể thay thế. Bà Lan lấy dẫn chứng: "Có thể xem dự án xây dựng cao tốc Móng Cái - Vân Đồn là một ví dụ, sau khi dư luận lên tiếng phản đối vay vốn Trung Quốc, chúng ta đã có những nhà đầu tư bản địa thực hiện dự án. Tôi cho rằng, nội lực của đất nước còn nhiều, hãy tin và cho các doanh nghiệp (DN) trong nước cơ hội tiếp cận. Đừng kỳ vọng các DN ngoại đem lại lợi ích cho dân tộc để từ đó họ chèn ép các DN bản địa không ngóc đầu lên được".

Mở rộng vấn đề, bà Lan lo lắng về việc Việt Nam có thể gặp bẫy chuyển vốn và công nghệ cũ của Trung Quốc hay việc lệ thuộc vào nhập khẩu và năng lượng phát triển như nhiều nước đã mắc phải nếu không sớm cảnh tỉnh.

Theo bà Lan: Hiện tổng sơ đồ điện VII của Việt Nam có nhiều nhà máy nhiệt điện chạy than, trong khi chúng ta đã nhập khẩu lượng lớn than từ Trung Quốc, Nga, Indonesia. "Khi điện tái tạo chưa xây được cơ chế khuyến khích phát triển, tương lai của Việt Nam đã và đang phụ thuộc vào những nhà máy nhiệt điện than với công nghệ cũ, nguyên liệu nhập khẩu phụ thuộc, chắc chắn ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế", bà Lan nói.

"Quan điểm của tôi, muốn có một nền kinh tế không phụ thuộc Trung Quốc, cần tỉnh táo từ tư duy đến quy hoạch trong tầm nhìn xa hơn", chuyên gia Phạm Chi Lan cho hay.

Một đặc điểm dễ nhận thấy trong viêc đầu tư và đi đầu tư của Trung Quốc được bà Lan chỉ rõ là vốn Trung Quốc đi đến đâu, khai thác và tận diệt tài nguyên đến đó.

"Trung Quốc đang thực hiện vai trò, vị thế một cường quốc kinh tế với vai trò cho vay, đi đầu tư. Dòng vốn của Trung Quốc hiện nay rất lớn, bởi họ có dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, sẵn sàng cho vay dễ dàng mà không ràng buộc về chống tham nhũng, môi trường và an sinh. Chính vì vậy, tại nhiều nước Châu Mỹ La Tinh, Châu Phi và ngay cả Việt Nam, dự án của các nhà đầu tư, vốn Trung Quốc đi đến đâu, phát thải ô nhiễm, phát sinh vấn đề tư túi, tham nhũng đến đó. Tại Venuezuela, Chile, khi dòng vốn vay không thể trả nợ, các nước này đã phải trả nợ bằng dầu mỏ, khí đốt và khoáng sản khác", bà Lan phân tích.

Nguyễn Tuyền