Chưa thoát lỗ, dự án thép liên doanh Trung Quốc đã xin xuất khẩu quặng

(Dân trí) - Tổng số quặng mà doanh nghiệp này kiến nghị được xuất khẩu và tiêu thụ trong nội địa là 2,3 triệu tấn quặng sắt mỗi năm, trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2020.


VTM cũng đề nghị Chính phủ đưa dự án của mình ra khỏi danh sách 12 đại dự án thua lỗ thuộc ngành công thương.

VTM cũng đề nghị Chính phủ đưa dự án của mình ra khỏi danh sách 12 đại dự án thua lỗ thuộc ngành công thương.

Cụ thể, trong báo cáo mới đây của mình, Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt – Trung (VTM) – một trong những đơn vị nằm trong danh sách 12 đại dự án thua lỗ của ngành công thương cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã có nhiều tín hiệu khả quan.

Theo đó, 5 tháng đầu năm, kết quả sản xuất kinh doanh của VTM đã có những bước tiến triển vượt bậc so với cùng kỳ năm 2017 và so với kế hoạch năm 2018. 5 tháng đầu năm, VTM có lãi 562 tỷ đồng, nộp ngân sách 561 tỷ đồng, lỗ luỹ kế đã giảm xuống còn 202 tỷ đồng.

Theo tính toán của VTM, nhu cầu thép của các đơn vị cán thép tại miền Bắc là tương đối lớn. Sản lượng sản xuất bình quân (2017-2020) hiện tại của các nhà máy phôi ở miền Bắc là gần 5 triệu tấn, nhỏ hơn nhu cầu phôi thép bình quân của giai đoạn này (khoảng 5,31 triệu tấn). “Với chính sách tự vệ hiện nay thì việc nhập khẩu phôi thép từ các nguồn phôi thép nước ngoài là không khả thi cho đến năm 2020”, VTM nhận định.

VTM đang tiếp tục rà soát, đánh giá hiệu quả dự án, thị trường để thực hiện các bước tiếp theo trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, Hội đồng thành viên công ty cũng đã họp và thống nhất, dự kiến đến hết năm 2018 khi hết lỗ luỹ kết, VTM sẽ triển khai đầu tư.

Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho VTM củng cố thương hiệu, nâng cao uy tín, tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường, từng bước ổn định để phát triển sản xuất theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, VTM đề nghị Chính phủ đưa dự án của mình ra khỏi danh sách 12 đại dự án thua lỗ thuộc ngành công thương.

Bên cạnh đó, VTM cũng đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ cho phép doanh nghiệp được xuất khẩu và tiêu thụ trong nội địa khoảng 2,3 triệu tấn quặng sắt/năm trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2020 để phát huy hết công suất khai thác đã được cấp phép của mỏ sắt Quý Xa.

Theo kế hoạch, hết năm 2020, giấy phép khai thác mỏ sắt Quý Xa sẽ hết hạn, nên VTM cũng kiến nghị được xem xét gia hạn thêm giấy phép khai thác. Cùng với việc xem xét gia hạn việc thuế tự vệ thương mại đối với sản phẩm phôi thép khi năm 2020, chính sách này hết hiệu lực.

Nhà máy Thép Việt - Trung là dự án mà Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) liên danh với Trung Quốc với tổng mức đầu tư 6.000 tỷ đồng. Sau 2 năm đi vào hoạt động, lỗ lũy kế của VTM đã lên tới 1.077 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo báo cáo mới đây của Bộ Công Thương, từ tháng 3/2017, nhà máy thép Việt - Trung bắt đầu có lãi, chấm dứt hai năm thua lỗ liên tục. Nếu tiếp tục duy trì thành quả như 5 tháng đầu năm, khả năng xóa lỗ lũy kế của VTM sẽ đến gần hơn. Tổng lợi nhuận hai năm vừa qua của VTM đạt hơn 900 tỷ đồng.

Theo hợp đồng liên doanh được lập ra từ năm 2006, Tổng Công ty Thép Việt Nam và Công ty Khoáng sản Lào Cai góp 55,7 triệu USD, chiếm 55% vốn điều lệ và phía Trung Quốc góp 45,5 triệu USD, chiếm 45% vốn điều lệ. Tuy nhiên, hợp đồng liên doanh có quy định các khoản đầu tư nội bộ có giá trị lớn hơn 100.000 USD đều phải theo cơ chế đồng thuận thay vì cơ chế tỷ lệ cổ đông.

Có nghĩa HĐQT công ty muốn làm gì thì phải được toàn bộ thành viên HĐQT chấp thuận. Chính vì vậy, dù góp vốn tới 55% vốn điều lệ và có 4 thành viên hội đồng quản trị trong khi phía Trung Quốc là 3, nhưng phía Việt Nam không được toàn quyền tự quyết hoạt động của công ty mà phụ thuộc vào việc cổ đông phía Trung Quốc đồng ý hay không. Điều này đã ảnh hưởng tới kế hoạch cải tổ của nhà máy.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao các bộ ngành liên quan, chỉ đạo các bên liên doanh đàm phán và sửa đổi lại Hợp đồng liên doanh phù hợp với Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp hiện hành. Trong đó, có tính đến việc bổ sung các cổ đông có năng lực, đồng thời chỉ đạo các cổ đông của nhà máy thép Việt-Trung góp vốn để đầu tư hoàn chỉnh dự án.

H. Anh

Chưa thoát lỗ, dự án thép liên doanh Trung Quốc đã xin xuất khẩu quặng - 2